Năm tháng sau khi Ukraine bầu ông Petro Poroshenko thân phương Tây lên làm tổng thống thay ông Viktor Yanukovych, người dân Ukraine một lần nữa lại đi bỏ phiếu. Song cuộc bỏ phiếu lần này là để bầu chọn quốc hội mới. Binh sĩ Ukraine bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Mariupol, miền nam Ukraine. Ảnh: AFP-TTXVN |
Tổng thống Poroshenko hy vọng điều này sẽ kết thúc tiến trình "cách mạng", giúp ổn định đất nước và tạo ra cơ quan lập pháp hợp pháp với nhiệm vụ rõ ràng là thông qua những cải cách thực sự cần thiết.
Khối chính trị cùng tên của Tổng thống Poroshenko hiện đang dẫn đầu các cuộc thăm dò và nhiều khả năng đạt được đa số tuyệt đối trong Quốc hội mới. Tuy nhiên Quốc hội mới cũng có thể sẽ trở thành một trung tâm bất đồng chính kiến và bất ổn - hình thành các nhóm sẽ thách thức chương trình chính trị của Tổng thống Poroshenko, cả trong Quốc hội lẫn trên đường phố.
Tình cảnh của Ukraine vẫn rất mong manh. Nền kinh tế đang vỡ vụn trong khi chính phủ đối mặt với một núi nợ. Cuộc tranh cãi về giá khí đốt với Moskva có thể khiến Ukraine thiếu năng lượng trầm trọng trong mùa đông lạnh giá này.
Thêm vào đó, cuộc chiến ở miền Đông có thể leo thang vào bất kỳ lúc nào. Dù giao tranh diễn ra ở mức tương đối thấp, giúp ông Poroshenko có đủ không gian "thở" để tiếp tục các kế hoạch chính trị của mình, nhưng trong vài ngày qua, các thủ lĩnh li khai đã làm dấy lên ám ảnh về sợ trở lại của cuộc xung đột vũ trang toàn diện.
Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Alexander Zakharchenko vài ngày trước được dẫn lời tuyên bố lực lượng li khai có thể sẽ sớm mở một chiến dịch chiếm 3 thành phố quan trọng là Slaviansk, Kramatorsk và Mariupol.
Và ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn tiếp tục được "tôn trọng", cuộc chiến ở miền Đông vẫn có tác động lớn tới những diễn tiến tại Kiev. Kể từ khi lệnh ngừng bắn được công bố ngày 5/9, giao tranh ác liệt vẫn diễn ra tại một số địa điểm, đặc biệt là ở sân bay Donetsk, khiến hơn 350 người đã thiệt mạng và con số nạn nhân còn có thể tăng lên.
Trong ngày 26/10, chỉ một số ít các khu vực bầu cử trong vùng chiến sự của Donetsk và Luhansk được mở cửa. Liệu sẽ có bao nhiêu người đủ can đảm để đi bỏ phiếu, sau khi họ nhiều tháng đối mặt với những vụ pháo kích?
Cựu Thủ tướng Ukraine, bà Yulia Tymoshenko cùng chồng xuất hiện tại điểm bỏ phiếu ở Dnipropetrovsk. |
Tuy nhiên một khi các nghị sĩ đã "ấm chỗ", cuộc chiến có thể chuyển vào trong Quốc hội. Khoảng 7 chính đảng có thể vượt qua giới hạn 5% số phiếu bầu để có chân trong Quốc hội mới. Trong số này, ngoài "Khối Poroshenko" của Tổng thống Poroshenko nhiều khả năng giành chiến thắng với cách biệt lớn, 3 chính đáng khác về tiếp theo là đảng "Mặt trận Nhân dân" của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk; Đảng Cấp tiến của thủ lĩnh dân túy Oleg Lyashko; và đảng "Đất mẹ" (Batkivshina) của cựu Thủ tướng - nữ hoàng "Tóc tết" Yulia Tymoshenko.
Các đảng cực tả, trung dung thân châu Âu và các đảng do thành viên trước đây của Đảng Các khu vực cầm quyền đứng đầu cũng có khả năng vượt qua ngưỡng 5% tối thiểu.
Hiện vẫn chưa rõ các đảng, với "cái tôi" quá lớn, sẽ hành xử như thế nào trong Quốc hội mới. Hơn nữa, nhiều nghị sĩ được bầu sẽ là những gương mặt hoàn toàn mới mà phẩm chất còn là ẩn số - như những thủ lĩnh bán quân sự được sinh ra từ Maidan và cuộc xung đột ở Donbass.
Tâm trạng của người dân Ukraine đang ngày càng tồi tệ hơn. Tám tháng sau cuộc "cách mạng" hồi tháng hai phế truất Tổng thống Viktor Yanukovich, cảm nhận chung của người dân là chưa có gì thay đổi. Các cải cách chính trị và kinh tế mới chỉ được nhen nhóm. Ukraine vẫn sẽ phải tiếp tục đối mặt với những cải cách đau đớn, rất không được lòng dân để điều trị một "con bệnh ốm yếu" như lời Bộ trưởng Tài chính Oleksandr Shlapak.
Cuộc chiến ở miền Đông là một điểm nhạy cảm khác. Kế hoạch hòa bình của Tổng thống Poroshenko không được lòng dân. Nhiều người lo ngại đó là phần thưởng cho lực lượng li khai, song liệu ông Poroshenko có thể làm gì hơn khi quân đội đã bất lực, tiềm lực đã suy kiệt.
Với những ai muốn phát động một kế hoạch chống chính quyền hay nói đúng hơn là chống Tổng thống Poroshenko, họ sẽ có trong tay rất nhiều lý do để gây sức ép. Và nhiều người trong Quốc hội mới có thể nắm lấy cơ hội đó, vì mối quan tâm thực sự tới người dân Ukraine, hoặc đơn thuần chỉ phục vụ cho tham vọng chính trị của riêng mình.
Duy Trinh (
P/v TTXVN tại Moskva)