Những áp phích vận động tranh cử trên khắp đất nước Thái Lan hứa hẹn với cử tri rất nhiều điều như cấp không máy tính để bàn, tăng lương, giảm thuế... Những lời hứa hẹn đó đều báo trước một sự bùng nổ chi tiêu tiêu dùng và đầu tư, nhưng cũng có thể gây ra một loạt vấn đề, từ nợ nần nhiều hơn, chi phí kinh doanh cao hơn tới việc trì hoãn cải cách kinh tế.
Bà Yingluck Shinawatra (giữa), ứng cử viên đảng Vì nước Thái (PT) đối lập trong chiến dịch vận động tranh cử ở Băng cốc ngày 30/6. AFP-TTXVN |
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Thái Lan chậm lại, mức lạm phát đã và đang gia tăng, một số nhà kinh tế hoài nghi liệu Thái Lan có sẵn sàng cho đợt triển khai mới mô hình tăng trưởng kinh tế do cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đề ra. Xem ra, Thái Lan khó tránh khỏi mô hình này bất kể đảng nào thắng cử.
Phó thống đốc Ngân hàng Thái Lan, Paiboon Kittisrikangwan, nhận định: "Hai đảng dường như cạnh tranh xem họ có thể làm được gì nhiều hơn đảng kia mà không để ý tới bức tranh toàn cảnh rộng hơn - đó là tăng trưởng bền vững lâu dài". Các chính sách của hai đảng lớn tại Thái Lan giống nhau, đều thúc đẩy chi tiêu lớn vào các dự án hạ tầng cơ sở và nhiều dự án khác nhằm thúc đẩy sức tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn. Giải pháp này đã từng giúp ông Thaksin giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2001 và 2005 trước khi bị hạ bệ bởi cuộc đảo chính năm 2006. Các chương trình của ông như chương trình chăm sóc sức khỏe chi phí thấp tới tín dụng lãi suất thấp, được lòng dân đến nỗi chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Abhisit vẫn tiếp tục tiến hành.
Về lý thuyết, hàng tỉ USD được đổ thêm vào nền kinh tế nông thôn ở Thái Lan sẽ kích thích tiêu dùng. Dưới thời cầm quyền của Thaksin, tiền được chuyển tới các làng thông qua một quyết định giãn nợ cho nông dân và các khoản cho vay lãi suất thấp đã có tác động kích thích đối với toàn bộ nền kinh tế, tạo ra đợt bùng nổ chi tiêu vào nhà ở. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng "phương pháp Thaksin" này không tạo ra nhiều việc làm hoặc không góp phần chấm dứt sự phụ thuộc vào xuất khẩu (hiện tương đương khoảng 65% tổng sản phẩm quốc nội). Trong khi đó, tín dụng lãi suất thấp cũng làm tăng nợ của các hộ gia đình tính theo phần trăm thu nhập, lên trên 57%, so với mức dưới 50% hồi năm 2001.
Theo Ngân hàng Trung ương Thái Lan, trong vòng 6 năm tới, tỉ lệ giữa nợ và GDP của Thái Lan ước tính sẽ tăng từ 42% hiện nay lên vượt mức 60% - mức nhìn chung được coi là giới hạn an toàn đối với các nền kinh tế phát triển. Chính sách tăng trưởng đột ngột có thể đẩy nhanh xu hướng này.
Những vấn đề của Thái Lan trở nên phức tạp bởi doanh thu từ thuế không nhiều. Tỷ lệ doanh thu từ thuế trên GDP chỉ đạt 17%, so với 27% ở Nhật Bản và 40% ở Anh. Ông Paiboon cho rằng chính phủ sắp tới cần phải xem xét những cải cách thuế chủ yếu, như tăng 7% thuế giá trị gia tăng và xóa bỏ các kẽ hở về thuế.
Theo Công ty Chứng khoán Tisco, một vấn đề đáng lo ngại nữa là lạm phát. Hiện lạm phát đã lên tới 4,2% trong tháng 5/2011- mức cao nhất trong vòng 32 tháng qua - và có thể lên tới gần 15% nếu phe đối lập giành thắng lợi với những hứa hẹn nâng mức lương tối thiểu lên 300 baht (15USD)/ngày - cao hơn 40% so với mức lương tối thiểu trung bình hiện nay. Trong các cuộc vận động tranh cử, bà Yingluck Shinawatra, ứng cử viên thủ tướng của đảng Puea Thai, đề xuất liên tục tăng mức lương tối thiểu, lên tới 1.000 baht/ngày trong vòng 9 năm. Trong khi đó, đảng Dân chủ hứa tăng mức lương tối thiểu thêm 25% trong 2 năm. Lương cao hơn có thể đe dọa lợi thế về chi phí của Thái Lan.
Cả hai đảng đang đối mặt với sức ép phải chấm dứt tình trạng mức tăng lương tối thiểu không theo kịp mức tăng lạm phát trong suốt thập kỷ qua - điều đã khiến tầng lớp lao động tức giận, làm nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực năm 2010.
TTK