Theo các nhà quan sát và các chuyên gia phân tích tại Mỹ, bà Clinton đã một lần nữa tỏ rõ ưu thế trước đối thủ của mình trong 90 phút tranh luận trực tiếp, song tổng thể cục diện cuộc đua vẫn chưa có bước chuyển đáng kể.
Hình ảnh hai ứng cử viên trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bước vào cuộc đối mặt lần hai, ông Trump bị đánh giá là yếu thế hơn do vướng vào bê bối “khiếm nhã với phụ nữ” khiến dư luận hết sức bất bình. Nhiều nghị sĩ tên tuổi của đảng Cộng hòa đã tuyên bố rút lại quyết định ủng hộ ông Trump, thậm chí còn có ý kiến yêu cầu ông rút khỏi cuộc đua. Trong bối cảnh như vậy, ông Trump xuất trận với thế “phòng thủ” hơn, trong khi bà Clinton, với những kinh nghiệm lão luyện trên chính trường, đã tận dụng lợi thế để chiếm thế chủ động.
Theo giới phân tích, cuộc tranh luận lần này là một màn "đấu khẩu" quyết liệt và căng thẳng bậc nhất lịch sử khi hai bên liên tục tìm cách dồn ép đối thủ với những câu chỉ trích thẳng thừng, nhắm vào những nội dung vừa gai góc, vừa nhạy cảm, như lối ứng xử mẫu mực xứng đáng với vai trò lãnh đạo quốc gia.
Bà Clinton đã chỉ trích những phát ngôn khiếm nhã của ông Trump đối với phụ nữ. Đáp lại, với một thái độ bình tĩnh, tỷ phú Trump đã xin lỗi về những phát ngôn của mình, đồng thời hướng sự chú ý của khán giả đến vụ bê bối tình ái của cựu tổng thống Bill Clinton. Ông Trump tiếp tục “tấn công” với những chỉ trích nặng nề nhằm vào bà Clinton liên quan vụ bê bối thư điện tử, thậm chí còn đe dọa bà Clinton “sẽ phải bóc lịch” nếu ông trở thành tổng thống.
Sau màn công kích cá nhân, hai ứng cử viên tiếp tục tranh luận nảy lửa về các vấn đề đối nội và đối ngoại khác, như đạo luật chăm sóc y tế “ObamaCare”, chính sách thuế, cuộc chiến của Mỹ tại Iraq, và đặc biệt là vấn đề người Hồi giáo và người tị nạn Syria. Khác với lần tranh luận trước, lần này các ứng cử viên phải trả lời câu hỏi không chỉ của điều phối viên mà còn của các cử tri liên quan những vấn đề nổi cộm được cử tri Mỹ quan tâm nhiều nhất.
Với phong thái điềm tĩnh, tự chủ trong suốt cuộc tranh luận, bà Clinton đã trả lời trôi chảy các câu hỏi, kể cả về những nội dung hóc búa, như vụ bê bố thư điện tử, cách hành xử của ông Trump hay quan hệ với Nga… Với những chủ đề bà có nhiều kinh nghiệm hơn, như giáo dục hay chống biến đổi khí hậu, bà đã có phần trình bày kỹ càng và cụ thể hơn hẳn đối thủ. Bên cạnh đó, bà cũng khéo léo, linh hoạt trong việc chiếm lĩnh sân khấu, qua đó khiến hình ảnh của ông Trump trở nên lu mờ, gượng gạo trước ống kính.
Hầu hết các nhà phân tích đánh giá bà Clinton tiếp tục chiếm ưu thế trong màn đối đầu mới nhất, tuy nhiên không thể hiện được sự chi phối áp đảo như trong trận đầu tiên cũng như là như mong đợi của cử tri. Kết quả cuộc thăm dò chớp nhoáng do CNN/ORC thực hiện cho thấy 57% cử tri cho rằng bà Clinton tiếp tục chiếm thượng phong.
Trong khi dù được đánh giá đã có “show diễn” hay hơn lần trước, ông Trump chỉ giành được 34% ủng hộ. Đánh giá trên trang Oxford Eagle, nhà bình luận David Magee khẳng định bà Clinton đã vượt qua ông Trump một cách "rõ ràng và thuyết phục". Tương tự, trang Bustle khẳng định kỹ năng tranh luận của đại diện đảng Cộng hòa còn kém xa đối thủ đảng Dân chủ.
Về phía ông Trump, các chuyên gia đều có chung nhận định dù yếu thế hơn, nhưng tỷ phú 70 tuổi này đã có màn thể hiện tốt hơn lần tranh luận trước và đạt được những thành công nhất định. Ông đã vượt qua được những chỉ trích liên quan vấn đề ứng xử với phụ nữ, đồng thời dùng những lập luận chặt chẽ để chỉ trích quan điểm của bà Clinton trong các lĩnh vực thương mại tự do, y tế, nhập cư…
Tờ Wall Street Journal nhận định: “Bà Clinton đã cố gắng nhưng vẫn bị cuốn vào những vấn đề nhạy cảm liên quan đến vụ bê bối thư điện tử và bê bối tình ái của ông Bill Clinton”. Còn tờ "New York Times" cho rằng các nghị sĩ Cộng hòa có thể suy nghĩ lại về việc quay lưng với ông Trump sau cuộc tranh luận này.
Theo giới chuyên gia, cuộc tranh luận lần hai với hình thức mở và không giới hạn chủ đề này sẽ giúp công chúng đánh giá tốt hơn về các ứng cử viên trong các vấn đề của quốc gia. Tuy nhiên, việc hai ứng cử viên quá tập trung công kích các vấn đề riêng tư của nhau khiến truyền thông Mỹ đưa ra những đánh giá tiêu cực về cuộc tranh luận lần này.
Bình luận viên Stephen Collinson của kênh CNN đã bày tỏ “Nền chính trị Mỹ đã thay đổi… Truyền thống thiêng liêng của một cuộc tranh luận, nơi các ứng cử viên tổng thống đưa ra tầm nhìn của mình cho tương lai quốc gia, đã trở thành một cái gì đó khiến người ta ớn lạnh”.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ được xác định. Từ nay tới đó, cả bà Clinton và ông Trump vẫn còn cơ hội thể hiện mình trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3 cùng các chuyến vận động tranh cử ở nhiều bang quan trọng.
Các nhà bình luận cho rằng để có thể giành chiến thắng thuyết phục trong vòng đối mặt tới, đặc biệt là để thu hút lá phiếu của các cử tri còn do dự, các ứng cử viên cần đưa ra được những chính sách cụ thể hơn trong cả vấn đề đối nội và đối ngoại, thay vì chỉ tập trung công kích lẫn nhau.