Bầu cử tổng thống Pháp:Đường dài mới biết ngựa hay

Ngày 19/3 được coi là "thời điểm có tính bước ngoặt" trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp khi Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Jean-Louis Debré công bố danh sách chính thức 10 ứng cử viên tham gia chạy đua tranh cử chiếc ghế tổng thống trong cuộc bầu cử vào ngày 22/4 tới.


Cuộc đua giữa Tổng thống đương nhiệm Sarkozy (trái) và ứng cử viên Hollande đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Ảnh: Internet


Nói là bước ngoặt bởi lẽ từ thời điểm này, cuộc đua giữa các ứng cử viên chính thức được thừa nhận. Các ứng cử viên khi bước vào cuộc đua chính thức hoàn toàn bình đẳng với nhau, nhất là quyền được phát ngôn với lượng thời gian được tính bằng nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng và được giám sát chặt chẽ theo quy định của luật bầu cử.

Trong số 10 ứng cử viên tranh cử tại vòng một, có tới 9 ứng cử viên thuộc các đảng phái truyền thống như Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy thuộc Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP), François Hollande thuộc đảng Xã hội (PS), bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận dân tộc (FN), François Bayrou của Phong trào Dân chủ (Modem) cùng các chính đảng khác là Mặt trận cánh tả, đảng Sinh thái châu Âu - đảng Xanh (EEVL), phong trào Thức tỉnh nền Cộng hòa, Công nhân đấu tranh (LO), đảng Chống chủ nghĩa tư bản mới (NPA). Ứng cử viên thứ 10, Jacques Cheminade được xem là nhân vật có đường lối cánh tả, từng là ứng cử viên tổng thống Pháp năm 1995.

Số lượng ứng cử viên tổng thống năm nay ít hơn so với cuộc bầu cử năm 2007 với 12 ứng cử viên và năm 2002 với 16 ứng cử viên - kỷ lục về số ứng cử viên kể từ khi khôi phục hình thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp vào năm 1965.

Tuy nhiên, cuộc đua được dư luận Pháp quan tâm nhiều nhất là giữa Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy và ứng cử viên François Hollande. Với ông Sarkozy, đây có lẽ là kỳ bầu cử khó khăn hơn so với thời điểm năm 2007. Khó khăn bởi lẽ kinh tế châu Âu và Pháp đang trong thời kỳ "thử lửa", thử thách bản lĩnh và ý chí của các nhà lãnh đạo châu lục. Hơn nữa, nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của ông Sarkozy chưa thực sự thuyết phục được cử tri Pháp. Trong thời gian đó, nền kinh tế Pháp có mức tăng trưởng không mấy ấn tượng, đời sống người dân đi xuống rõ rệt, tỷ lệ thất nghiệp ở mức hơn 10% - cao nhất trong vòng 12 năm qua - trong khi những bất ổn an ninh có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, nợ công của Pháp đã lên tới 1.700 tỷ euro (gần bằng mức 1.900 tỷ euro của Italia), sức mua giảm sút, khoảng cách giàu - nghèo và bất công xã hội gia tăng. Do đó, dù đã rất nỗ lực với không ít lần thay đổi nội các, song những cải thiện trong chính sách của ông Sarkozy chưa thực sự mang lại hiệu quả rõ ràng.

Với khẩu hiệu “nước Pháp mạnh", trong quá trình vận động tranh cử, ông Sarkozy đã biện luận rằng nhờ các chính sách kinh tế của ông mà nước Pháp mới tránh khỏi suy yếu trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang hoành hành châu Âu. Ông hứa sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và nâng cao vị thế của nước Pháp trên trường quốc tế. Người dân Pháp liệu có còn tin vào những lời hứa của ông Sarkozy nữa không? Có lẽ phải chờ đến kết quả bầu cử mới có thể có câu trả lời. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng sau 17 năm liên tục cầm quyền của đảng UMP, có lẽ đã đến lúc cần có sự thay đổi.

Đó cũng chính là khẩu hiệu tranh cử của ông Hollande: "Thay đổi, ngay từ bây giờ". Năm tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử, ông Hollande đã kêu gọi cử tri Pháp bỏ phiếu hiệu quả và nhấn mạnh rằng ông có trách nhiệm đưa cánh tả giành chiến thắng. Có lẽ đó không phải là lời nói suông bởi từ lâu PS, với người đại diện là ông Hollande, đã xây dựng một chiến lược dài hơi nhằm tìm đường quay lại điện Élysée sau thời gian dài vắng bóng. Thắng lợi tại các cuộc bầu cử cấp vùng và bầu cử thượng viện những năm vừa qua là một minh chứng cho thế đi lên của PS.

Trong nội dung cương lĩnh tranh cử, ông Hollande đưa ra "60 cam kết cho nước Pháp", tập trung vào 4 mục tiêu: chấn hưng nước Pháp, khôi phục công lý, mang lại hy vọng cho các thế hệ trẻ, xây dựng một nước Pháp mẫu mực và có tiếng nói trọng lượng. Ông Hollande cũng nhấn mạnh “quyết tâm thay đổi và vực dậy nền kinh tế quốc gia, lấy lại cân bằng trong ngân sách nhà nước”. Trong các cam kết được đưa ra, ông Hollande “chỉ cam kết những gì có thể thực hiện được” trong nhiệm kỳ tổng thống 5 năm. Ông khẳng định sẽ không để cử tri "ăn bánh vẽ" và mục tiêu tối thượng của ông là thuyết phục người dân về tính khả thi trong chương trình tranh cử. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng dù không sáng chói, song rất có thể ông Hollande đủ sức vượt qua Tổng thống Sarkozy trong chặng đua gay cấn sắp tới.

"Đường dài mới biết ngựa hay", cuộc đua tranh cử tổng thống Pháp chắc chắn sẽ còn nhiều kịch tính. Tuy nhiên, điều mà người dân Pháp kỳ vọng nhất là cho dù ai đắc cử tổng thống thì người đó phải thực hiện được các cam kết khi tranh cử. Sự thay đổi chỉ có thể diễn ra khi lời nói được biến thành hành động. Không chỉ có vậy, hành động phải hiệu quả với sự đi lên của nền kinh tế Pháp và đời sống của mỗi người dân phải được cải thiện.

Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN