Nhật báo "Strait Times" của Singapore số ra ngày 9/11 đã đăng tải bài viết của ông Kishore Mahbubani - Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore - nhận định về 7 trụ cột trong quyền lực mềm của Singapore.Singapore là quốc gia mở và toàn cầu hóa nhất thế giới. Ảnh minh họa
|
Tác giả Mahbubani cho rằng trụ cột quyền lực mềm đầu tiên rất rõ ràng: đó là một ban lãnh đạo xuất chúng. Theo ông, các nhà lập quốc Singapore tài năng không thua kém các nhà lập quốc Mỹ. Một trong số đó, Tiến sĩ Goh Keng Swee, thậm chí còn trở thành cố vấn cho lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Cũng không có gì phải nghi ngờ rằng Lý Quang Diệu là một trong những nhà lãnh đạo toàn cầu nổi bật nhất. Ông rất được tôn trọng ở phương Tây và không ngần ngại nói thật. Rõ ràng, Lý Quang Diệu đã "đặt" Singapore lên bản đồ thế giới.
Trụ cột thứ hai là khả năng quản lí đất nước. Theo ông Mahbubani, sự thành công của Singapore nằm ở ba yếu tố chính: chính sách đãi ngộ nhân tài, tính thực dụng và lòng chân thành. May mắn là dù quy định luật pháp là một khái niệm phương Tây, song nó vẫn hoạt động hiệu quả trong các xã hội phương Đông. Ông Mahbubani nhấn mạnh rằng tại Singapore, luật pháp đứng trên chính phủ. Toàn bộ Nội các cũng là một đối tượng của những bộ luật được áp dụng cho toàn bộ người dân đất nước.
Trụ cột thứ ba là tính đa văn hóa. Tác giả nhấn mạnh tới việc bốn nền văn minh lớn thế giới đang tương tác với nhau mỗi ngày ở một Singapore nhỏ bé: Trung Quốc, Malay-Hồi giáo, Ấn Độ và phương Tây. Sẽ không dễ dàng để những người từ nhiều văn hóa khác nhau có thể cùng chung sống. Vì thế, luật pháp tại Singapore được áp dụng để chống phân biệt sắc tộc và tôn giáo, cũng như nhiều quy định được đưa ra để đảm bảo cộng đồng thiểu số được đại diện tại mỗi khu nhà công cộng. Không nhiều xã hội khác trên thế giới có thể sánh với thành tích của Singapore trong việc quản lí đa văn hóa.
Trụ cột thứ tư là tiếng Anh. Thực tế, người dân Singapore có kĩ năng nói tiếng Anh tốt nhất châu Á. Mỗi đứa trẻ Singapore đều được dạy cả tiếng Anh lẫn ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Việc tiếp xúc với tiếng Anh không chỉ giúp người dân có được kỹ năng ngôn ngữ, nó còn mở ra cánh cửa tới kho tàng di sản giàu có của văn minh phương Tây, giúp người Singapore có được lợi thế cạnh tranh khác.
Trụ cột thứ năm là đồ ăn, như câu nói nổi tiếng của cựu Ngoại trưởng George Yeo, ăn uống là “đạo” của Singapore. Người dân Singapore thoải mái ăn nhiều món ăn theo phong cách ẩm thực khác nhau trong cùng một ngày, thậm chí trong cùng một bữa ăn.
Trụ cột thứ sáu là môi trường xanh. Singapore chỉ có diện tích bằng 1/5 Rhode Island, tiểu bang nhỏ nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, Singapore lại có nhiều loại thực vật hơn cả 48 bang lục địa của Mỹ gộp lại. Singapore cũng có Ngày Trồng Cây hàng năm, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc phủ xanh.
Cuối cùng, trụ cột thứ bảy là Singapore là quốc gia mở và toàn cầu hóa nhất thế giới. Tổng kim ngạch thương mại của Singapore hiện gấp 3,5 lần Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP). Đây là lí do khiến Ngân hàng Thế giới xếp Singapore là quốc gia tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh dễ dàng nhất thế giới. Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn "Nhà Kinh tế" hiện xếp Singapore là thành phố có sức cạnh tranh thứ ba thế giới, sau New York và London.
Theo ông Mahbubani, quyền lực mềm phụ thuộc nhiều vào bối cảnh toàn cầu. Trong thế kỉ 19, khi châu Âu vượt trội, London và Paris thu hút cả thế giới bằng quyền lực mềm của họ. Tuy nhiên, thời đại đã thay đổi. Quyền lực đang chuyển từ Tây sang Đông. Song phương Tây vẫn chưa kết thúc. Đó vẫn là nền văn minh mạnh nhất thế giới trong một khoảng thời gian tới. Vì thế, các thành phố có quyền lực mềm tốt là sẽ những nơi có thể kết hợp những phẩm chất tốt nhất của cả phương Đông và phương Tây. Đây chính là vị trí của Singapore. Người Singapore đang có một bản sắc kép đặc biệt khi sống ở một quốc gia hiện đại nhất châu Á và cũng Tây hóa nhất. Nếu thành công với quyền lực mềm của mình, Singapore hoàn toàn có thể đạt được vị thế có ý nghĩa toàn cầu.
TTXVN