Giáo sư, Tiến sĩ Tarik Oguzlu thuộc Viện Chính sách Đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ bình luận với hãng thông tấn Anadolu của nước này mới đây rằng, trái ngược với dự đoán của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người cho rằng "NATO đang chết não" vào tháng 12/2019, cuộc xung đột Nga-Ukraine dường như đã giúp hồi sinh NATO.
Bất chấp một số khác biệt cơ bản về quan điểm giữa các thành viên, nhiều ý kiến cho rằng NATO hiện là tổ chức phòng thủ cơ bản nhất của thế giới xuyên Đại Tây Dương và trật tự quốc tế tự do dựa trên luật lệ sẽ phụ thuộc vào các đảm bảo an ninh của Liên minh quân sự nếu tổ chức này tiếp tục tồn tại, phát triển.
Tiến sĩ Tarik Oguzlu nhận định, như một dấu hiệu của ý chí chính trị, các đồng minh châu Âu, đặc biệt là Đức, đã cam kết chi nhiều hơn cho quốc phòng. Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng số lượng binh sĩ Mỹ ở châu Âu và số lượng các nhóm tác chiến được triển khai tại các thành viên NATO giáp biên giới với Nga đã tăng lên. Điều quan trọng tiếp theo là các nước như Phần Lan và Thụy Điển, vốn theo đuổi chính sách không liên kết và trung lập, bắt đầu xem xét nghiêm túc việc trở thành thành viên của NATO.
Tuy nhiên, có vẻ như các thành viên NATO đang thận trọng đưa ra lập trường của họ liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Bất chấp những nỗ lực của Kiev, NATO đã không triển khai xe tăng và máy bay chiến đấu đến Ukraine, chỉ hỗ trợ quân sự cho nước này chủ yếu trong lĩnh vực hậu cần. Có lẽ, điều quan trọng với NATO là không để cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang hơn nữa và biến thành cuộc xung đột trực tiếp Nga-NATO.
Xét cho cùng, Ukraine không phải là thành viên NATO, nhưng viện trợ mà các thành viên NATO cung cấp cho Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị mà họ áp đặt với Nga đã ảnh hưởng nhất định đến cục diện cuộc xung đột. Sự hỗ trợ của NATO cho đến nay là rất quan trọng khiến Moskva không sớm đạt được các mục tiêu quân sự và củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine, mặc dù vậy điều này dường như là không đủ đối với Kiev.
Trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của nhiều nước thành viên NATO và không thuộc NATO, cũng như trong các bài phát biểu trước các nghị sĩ của các quốc gia, nhà lãnh đạo Ukraine đã tận dụng mọi cơ hội để thu hút dư luận và sự ủng hộ từ phương Tây, kêu gọi tăng cường viện trợ quân sự hơn nữa cũng như gây áp lực mạnh hơn đối với Moskva
Nhưng NATO đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trong khi Liên minh này hạn chế viện trợ quân sự cho Ukraine để cuộc xung đột không leo thang và lan rộng, họ phải tìm cách tăng cường sự phòng thủ của Ukraine để Nga không giành được thắng lợi mang tính quyết định. Điều này có thể dẫn đến việc xung đột sẽ kéo dài và gây ra những tổn thất nặng nề hơn đối với các bên liên quan. Rõ ràng, sự hỗ trợ của NATO dành cho Ukraine đủ để kiềm chế bước tiến của Nga, nhưng không đủ để xoay chuyển cục diện cuộc xung đột và thay đổi kết quả cuối cùng có lợi cho Ukraine.
Do đó, nếu NATO muốn được coi là một tổ chức ngăn chặn khủng hoảng, ngăn chặn cả người dân Nga và Ukraine bị thiệt hại thêm, liên minh này cần nối lại quan hệ đối thoại với Nga ngay lập tức. Trên hết, để được coi là một tổ chức đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế, NATO cần vượt ra ngoài việc chỉ tăng cường khả năng và năng lực quân sự của mình mà phải thực hiện các sáng kiến chính trị và ngoại giao với tầm nhìn dài hạn để kết thúc cuộc xung đột càng sớm càng tốt.
Giáo sư Tarik Oguzlu kết luận, việc đứng đằng sau Ukraine và chỉ dựa vào viện trợ quân sự với kỳ vọng rằng Nga sẽ kiệt quệ sẽ không mang lại lợi ích cho NATO trong trung và dài hạn. Thế giới cần an ninh toàn diện hơn và NATO có trách nhiệm lớn trong vấn đề này, vì vậy các thành viên của Liên minh nên nhận ra điều đó để hành động phù hợp.