Vậy bước tiếp theo của Mỹ sẽ là gì? Có cách nào chặn bước tiến dường như không thể ngăn nổi của Trung Quốc đang hướng tới việc biến Biển Đông thành “Cái ao của Bắc Kinh” không?
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ từng áp sát đảo nhân tạo trái phép Trung Quốc trên vùng biển quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Theo bài báo, Mỹ cần phải thực hiện các cách tiếp cận khác, bao gồm:
1. Gửi một thông điệp: Cần bắt đầu bằng một thông điệp mạnh mẽ, nhất quán, được lặp đi lặp lại, thể hiện rõ ràng mục tiêu địa chính trị và những dự định chính của Mỹ ở châu Á.
2. Tăng cường thực thi luật pháp: Mỹ cần cùng với các đồng minh và đối tác ở Biển Đông dàn xếp các tranh cãi ở khu vực không liên quan tới Bắc Kinh, đảm bảo rằng họ có thể cùng nói tiếng nói đa phương thống nhất phản đối sự áp đặt của Trung Quốc. Dù không phải là việc dễ song sự thể hiện bá chủ khu vực ngày càng tăng của Bắc Kinh có thể khiến các bên đạt được sự nhất trí, và những nước có những cáo buộc phản đối Trung Quốc sau đó có thể cùng với Philippines và khởi kiện Trung Quốc lên các tòa án quốc tế. Bắc Kinh phải dàn xếp các tranh chấp như vậy trước khi phán quyết của tòa trở thành quan điểm công khai chống lại nỗ lực thống trị Biển Đông của nước này.
3. Vạch rõ bộ mặt thật: Năm qua, với việc CNN thành công khi cho thế giới thấy Bắc Kinh đang nhanh chóng làm thay đổi thực trạng Biển Đông bằng các dự án cải tạo các đảo như thế nào, dường như việc làm Trung Quốc xấu hổ có thể sẽ là một phần trong kế hoạch ngăn chặn hiệu quả. Cần phải cho thế giới biết được mỗi động thái mà Bắc Kinh tiến hành. Ví dụ như khi Trung Quốc xây dựng một đường băng mới để phục vụ việc tuần tra Biển Đông hay đưa máy bay hay tên lửa tới các đảo mới, thế giới cần được thấy các hình ảnh, các đoạn băng được đăng tải trên tất cả các phương tiện thông tin chính thống càng sớm càng tốt. Hoặc nếu các tàu của Mỹ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS), bị Trung Quốc quấy nhiễu hoặc không, Washington cũng nên cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy ý định hòa bình của mình thông qua các đoạn video hay audio về FONOPS, chứng tỏ cho thế giới cách hành xử minh bạch của mình - trái ngược với cách hành xử của Bắc Kinh.
4. Thực hiện chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) kiểu Mỹ: Như nhiều nhà phân tích quốc phòng đã nêu, Trung Quốc không phải là người duy nhất có thể sử dụng chiến lược A2/AD. Washington có thể hỗ trợ các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phát triển hoặc mua các vũ khí chống tàu tiên tiến.
Khả năng có thể nhất là Nhật Bản bán hệ thống tên lửa Type 12 cho Philippinnes, Đài Loan hay Indonesia nếu muốn. Mặc dù tên lửa này khả năng còn hạn chế và chưa phải là loại tối tân hiện có, song nó có thể được nâng cấp để nâng tầm bắn, có độ sát thương cao hơn. Hay các vũ khí chống tàu và tấn công trên bộ có thể được mua từ nước thứ ba và cùng phát triển với mục đích nhanh chóng phá hủy bất cứ căn cứ hay hệ thống vũ khí nào mà Trung Quốc đặt trên các đảo mới của mình.
5. Chiến lược “Hòa bình Xanh”: Khi Trung Quốc phá hủy các dải đá ngầm san hô và các đảo tự nhiên để xây dựng các tiền đồn của mình ở Biển Đông, cần phải cung cấp thông tin chi tiết cho các nhóm môi trường trên khắp thế giới. Chắc chắn các tổ chức này quan tâm lớn tới sự phá hủy môi trường mà Trung Quốc đang gây ra ở Biển Đông. Tại sao không hỗ trợ cho nỗ lực của họ để thế giới biết tới?
6. Khiến Bắc Kinh phải lưu tâm: Nhiều ấn phẩm gần đây cho thấy sự thay đổi trong cách nghĩ của các học giả nghiên cứu về Trung Quốc và châu Á ở Mỹ. Nhiều người lập luận theo các hướng sau: Nếu Trung Quốc cứ nhất quyết thay đổi hiện trạng ở châu Á thì tại sao Mỹ nên coi trọng cái được gọi là lợi ích cốt lõi của mình? Nếu Bắc Kinh không coi trọng lợi ích của Washington, hai bên có thể chơi trò chơi mà Trung Quốc lại bị buộc phải chơi phòng thủ.
Một chiến lược sáng tạo, bất đối xứng có thể giành lại ưu thế trước Bắc Kinh. Câu hỏi luôn là: Liệu Mỹ có ý chí để thách thức các hành động ép buộc của Bắc Kinh hay không? Châu Á - thực ra là cả thế giới - đang chờ câu trả lời.