Theo tờ Vox, hai người có tuyên bố đối lập nhau là Tổng thống Mỹ Donald Trump và người phát ngôn Lầu Năm Góc.
Sau khi đột ngột thông báo rút gần như toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Đông Bắc Syria, Tổng thống Trump đã thay đổi quyết định, điều binh sĩ Mỹ trở lại Syria để bảo vệ các mỏ dầu.
Ông phát biểu trước các cảnh sát Chicago cuối tháng 10: “Chúng ta sẽ giữ số dầu đó, hãy nhớ lấy điều đó. Tôi luôn nói rằng: ‘Giữ lấy dầu’. Chúng ta muốn giữ dầu. 45 triệu USD một tháng ư? Hãy giữ lấy số dầu đó”.
Tuy nhiên, những gì Tổng thống Trump muốn không phải là điều quân đội Mỹ thích làm. Ngày 7/11, người phát ngôn Lầu Năm Góc Johnathan Hoffman nói với các phóng viên rằng chắc chắn Mỹ sẽ không giữ doanh thu từ những mỏ dầu này.
Ông Hoffman khẳng định: “Doanh thu từ số dầu này sẽ không thuộc về Mỹ. Nó sẽ thuộc về SDF”. SDF là Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd ở Syria đứng đầu, từng được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Khi phóng viên tờ Vox phỏng vấn một số người khác trong Chính quyền Mỹ để xem thực ra chính sách của Mỹ với các mỏ dầu Syria là gì. Một quan chức cấp cao trong chính quyền khẳng định: “SDF là bên hưởng lợi duy nhất doanh thu bán dầu từ các cơ sở dầu do họ kiểm soát”.
Tổng thống Trump và Lầu Năm Góc có tuyên bố trái ngược nhau là vì một số lý do.
Tổng thống Trump liên tục nói ông muốn thoát khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông. Tháng trước, ông cam kết rút toàn bộ 1.000 binh sĩ Mỹ khỏi Syria với lý do tình hình ở đó không còn là vấn đề của Mỹ nữa. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng ngày 23/10, ông nói: “Hãy để ai khác chiến đấu bảo vệ vùng cát vấy máu này”.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ông Trump đã thay đổi ý định, cho rằng chiến đấu ở Trung Đông cũng đáng giá miễn là có thể làm lợi từ dầu ở đây.
Nếu đúng như quan chức Mỹ trên nói là Mỹ sẽ không hưởng chút doanh thu nào từ dầu ở Syria, thì lý do chính khiến Tổng thống Trump cho binh sĩ Mỹ ở lại trở thành vô nghĩa.
Do các phát ngôn bất nhất như trên mà binh sĩ Mỹ cảm thấy mơ hồ về sứ mệnh của mình.
Hiện nay, hàng trăm binh sĩ Mỹ hoạt động trong khu vực rộng gần 145km ở Đông Syria.
Ông Hoffman nói với phóng viên rằng thẩm quyền của Tổng thống khi điều binh sĩ Mỹ làm nhiệm vụ ở Syria là xuất phát từ trách nhiệm bảo vệ người Mỹ trước mối đe dọa khủng bố. Cắt đứt nguồn thu từ dầu của IS có thể góp phần bảo vệ người Mỹ.
Tuy nhiên, việc này khiến mọi thứ phức tạp hơn với lực lượng Mỹ. Điều gì xảy ra nếu lực lượng Syria hoặc Nga tìm cách chiếm dầu đó bằng vũ lực? Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ như thế nào sau khi đưa binh sĩ vào sâu khu vực Bắc Syria?
Trong khi đó, Tổng thống Trump dường như cảm thấy ổn với việc binh sĩ Mỹ chiến đấu với bất kỳ ai muốn kiểm soát các mỏ dầu đó. Ông nói ngày 28/10: “Chúng ta có thể phải chiến đấu vì dầu. Việc này ổn. Có thể ai đó khác muốn số dầu này, trong trường hợp đó, họ phải chiến đấu ác liệt”.
Về phía Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin ngày 6/11 khẳng định Nga sẽ không hợp tác với Mỹ trong vấn đề dầu mỏ Syria, đồng thời nhấn mạnh Moskva tin rằng chính quyền Syria là thực thể duy nhất nên kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia Trung Đông này.
Trước đó một ngày, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin quân đội Mỹ đang xây dựng 2 căn cứ mới ở tỉnh Deir ez-Zor giàu dầu mỏ, Đông Bắc Syria. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cho biết một nhóm binh sĩ Mỹ sẽ đảm bảo an ninh của các mỏ dầu tại miền Đông Syria. Theo ông Vershinin, những hành động như vậy là "không thể chấp nhận được".
Tờ Vox kết luận: Quy trình hoạch định chính sách nói chung của Mỹ không nhất quán là một chuyện, nhưng nếu quy trình bất nhất đó liên quan tới vấn đề chiến tranh, hòa bình và nền chính trị toàn cầu, như trong trường hợp ở Syria, thì đó lại là một chuyện hoàn toàn khác.