Gần 6,3 triệu cử tri đã đăng ký tham gia cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12/10 tại Bolivia. Tổng thống mãn nhiệm theo đường lối cánh tả Evo Morales được dự đoán là cầm chắc chiến thắng để tiếp tục lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ này trong 5 năm tới. Tham gia cuộc đua vào Dinh Quemado (Phủ Tổng thống) có 5 ứng cử viên, trong đó ông Morales (55 tuổi) là chính khách duy nhất có nhiều khả năng giành chiến thắng ngay tại vòng một. Để giành thắng lợi, vị tổng thống đầu tiên mang dòng máu thổ dân tại Bolivia cần có được số phiếu quá bán, hoặc có được tối thiểu 40% số phiếu bầu với cách biệt ít nhất 10 điểm so với đối thủ đạt được nhiều phiếu nhất.
Theo các cuộc điều tra dư luận trước thềm bầu cử, nhà lãnh đạo đại diện cho đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) được gần 60% số người được hỏi ủng hộ, dẫn khoảng 40 điểm so với đối thủ gần nhất là ông Samuel Doria Medina, một trong những doanh nhân lớn nhất Bolivia và từng bị ông Morales đánh bại trong hai cuộc bầu cử tổng thống gần đây.
Trong trường hợp kết quả thăm dò đúng với thực tế, ông Morales sẽ trở thành tổng thống đầu tiên nắm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời có cơ hội lập kỷ lục về thời gian cầm quyền tại Bolivia, một đất nước từng có thời chìm trong bất ổn và các cuộc đảo chính. Cho tới nay ông Morales đã có gần 9 năm tại nhiệm, chỉ ít hơn thành tích của ông Andrés de Santa Cruz, người đã cầm quyền liên tục trong 9 năm và 10 tháng giai đoạn 1829 - 1839.
Tổng thống Morales đắc cử lần đầu năm 2005 với 53,7% số phiếu bầu, tỷ lệ cao nhất mà một tổng thống Bolivia giành được trong 25 năm tính tới thời điểm đó, và tái cử năm 2009 với tỷ lệ ủng hộ 64,2%. Chính trị gia này cũng giành được sự hậu thuẫn của 67,4% cử tri tham gia cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm năm 2008 do chính ông đề xuất nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng xuất phát từ sự chống phá kịch liệt của phe đối lập nhằm vào nỗ lực cải cách toàn diện đất nước do ông thúc đẩy để đưa Bolivia ra khỏi tình trạng nghèo đói và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tương tự như vậy, một năm sau đó, cuộc trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới mang tính chất xã hội chủ nghĩa do ông thúc đẩy cũng nhận được tỷ lệ ủng hộ 61,4%, cho phép nhà lãnh đạo cánh tả này “tái lập” Bolivia.
Mặc dù điều hành đất nước gần một thập niên, nhưng uy tín của Tổng thống Morales luôn ở mức cao. Theo các cuộc khảo sát trước cuộc bầu cử, Tổng thống Morales sẽ giành được đa số phiếu tại các bang Santa Cruz, Beni và Pando, nơi các ứng viên đối lập từng thu được nhiều phiếu hơn trong các cuộc bầu tổng thống năm 2002, 2005 và 2009. Có thể đây sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên ông Morales giành được số phiếu quá bán tại tất cả 9 bang.
Sở dĩ sự hậu thuẫn dành cho ông Morales ổn định ở mức cao là do dưới sự lãnh đạo của ông, Bolivia đã giành được những thành tựu kinh tế- xã hội chưa từng có. Từ năm 2006 tới nay, kinh tế Bolivia tăng trưởng bình quân 5%/năm, cao hơn mức trung bình 3,7% tại Mỹ Latinh. Trong gần 9 năm ông cầm quyền, GDP của Bolivia tăng gấp 4 lần. Trong một báo cáo được công bố tháng 8 vừa qua, Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Bolivia trong năm nay tăng 5,5%, cao thứ hai tại Mỹ Latinh.
Tổng thống Bolivia Evo Morales (thứ hai, phải) thị sát khu vực ngập lụt ở Clisa, miền trung Bolivia, ngày 30/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Từ một quốc gia bất ổn và có thời gian nằm trong danh sách các nước nghèo nhất Mỹ Latinh, trong thập niên vừa qua, Bolivia trở thành một trong những nền kinh tế phát triển năng động và ổn định nhất tại khu vực. Thành tích này chủ yếu nhờ chính sách quốc hữu hóa các ngành kinh tế chiến lược, trong đó có ngành dầu khí, và tăng đầu tư, khiến kim ngạch xuất khẩu tăng, đặc biệt là khí đốt. Riêng xuất khẩu khí đốt năm ngoái mang về cho Bolivia 6,6 tỷ USD, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2005, ngành dầu khí đóng góp cho ngân sách 673 triệu USD, nhưng đã tăng lên 5,6 tỷ USD trong năm 2013.
Xuất khẩu năng lượng tăng cho phép dự trữ ngoại tệ của Bolivia năm ngoái đạt 14,4 tỷ USD, gấp 8 lần so với năm 2005 và tương đương 51% GDP, trong khi nợ nước ngoài giảm. Tổng thống Morales mới đây cho biết một số nước trong khu vực đã đề nghị vay tín dụng của Bolivia, điều không ai nghĩ tới trước khi ông nhậm chức lần đầu tiên vào năm 2006. Nguồn thu tăng cho phép chính phủ triển khai các dự án hạ tầng lớn như phóng vệ tinh viễn thông, nâng cấp đường sá và sân bay, xây dựng hệ thống cáp treo dài nhất thế giới…
Cùng với phát triển kinh tế, chính phủ Bolivia thực hiện công bằng xã hội với ưu tiên dành cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất là nông dân và những người bản địa. Trong giai đoạn 2005 - 2013, tỷ lệ thất nghiệp tại Bolivia giảm từ 8% xuống còn 3%, trong khi đầu tư cho giáo dục tăng 130,4%. Cũng trong thời gian trên, 758 cơ sở y tế được xây mới và lương tối thiểu tăng gần 4 lần, tương đương 207 USD/tháng, mặc dù lạm phát chỉ tăng bình quân 6,7% mỗi năm.
Nhờ tăng trưởng kinh tế, chính phủ có điều kiện trợ cấp thường xuyên cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, học sinh và người già. Trên 30% người dân Bolivia được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là một phần trong những nỗ lực xóa nghèo của chính phủ, góp phần giảm tỷ lệ bần cùng tại Bolivia từ ,2% xuống 18% trong thời gian Tổng thống Morales cầm quyền.
Trong cuộc đua vào Dinh Quemado, ông Morales có lợi thế tuyệt đối, một phần quan trọng cũng do phe đối lập phân tán lực lượng và có nhiều bất đồng về cương lĩnh tranh cử do có xung đột lợi ích.
Trong chương trình tranh cử, Tổng thống Morales đề ra mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, biến Bolivia thành một trung tâm năng lượng quan trọng ở Nam Mỹ, công nghiệp hóa để tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu, xóa tình trạng bần cùng, bảo đảm lương thực và đem lại cho người dân các dịch vụ công cộng cơ bản như nước sạch, điện, khí đốt, điện thoại và internet.
Trong cuộc bầu cử lần này, ngoài chọn tổng thống, phó tổng thống, cử tri Bolivia sẽ bầu toàn bộ hai viện của Quốc hội và nghị viện các bang. Các cuộc điều tra dư luận cho thấy nhiều khả năng MAS tiếp tục chiếm 2/3 ghế tại cả Thượng viện và Hạ viện, cho phép Tổng thống Morales củng cố những thành quả của cuộc cách mạng do ông khởi xướng.
Bolivia được ghi nhận là nước có tỷ lệ đi bầu cao nhất tại Mỹ Latinh. Tại cuộc bầu cử tổng thống gần đây, tỷ lệ tham gia của cử tri lên tới 94,55%. Tổng thống Morales đã kêu gọi người dân tích cực đi bỏ phiếu để thông qua lá phiếu của mình bảo vệ những thành tựu mà Bolivia đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Quang Sơn (
P/v TTXVN tại Argentina)