Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: ec.europa.eu |
Theo hai chuyên gia Paul và Seyrek, quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Các động thái của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7 đe dọa nghiêm trọng đến nhân quyền ở nước này. Một số nghị sỹ và nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi EU dừng ngay lập tức quá trình đàm phán gia nhập của Ankara cho tới khi chính phủ nước này khôi phục lại trật tự bình thường.
Mặc dù vậy, các quan chức EU lại có quan điểm khác. Chẳng hạn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định việc chấm dứt đàm phán về tư cách thành viên với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là “một sai lầm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại” trừ khi Ankara áp dụng lại hình phạt tử hình. Một số nước thành viên EU lo ngại nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thỏa thuận về giải quyết vấn đề nhập cư với liên minh.
Có một số lý do giải thích cho việc EU tiếp tục duy trì đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ:
Thứ nhất, việc ngưng tiến trình đàm phán về việc gia nhập của Ankara, mà trong thực tế đã bị bế tắc từ nhiều năm trước, không tác động tích cực tới diễn biến tình hình hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thật là khôi hài khi nghe một số chính trị gia châu Âu tuyên bố về quá trình đàm phán gia nhập và tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ như thể tiến trình này vẫn tiếp diễn mà không gặp phải trở ngại nào và rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành thành viên của EU. Ngược lại, tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ tiếp tục xấu đi và tiến trình đàm phán với EU hiện nay có thể sẽ chấm dứt ở tất cả cấp độ. Hiện nay, không chỉ lãnh đạo mà phần đông người dân Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến các tuyên bố liên quan từ phía EU.
Thứ hai, việc chấm dứt đàm phán sẽ khiến EU bỏ rơi các lực lượng dân chủ trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với những lực lượng này EU vẫn đóng vai trò quan trọng mặc dù mức độ ảnh hưởng của Brussles đối với Ankara không còn như trước. Tiến trình dân chủ hóa xã hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng quan trọng tương tự tiến trình đàm phán gia nhập châu Âu của Ankara. Việc ngưng quá trình đàm phán hiện nay có thể là “chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài”.
Thứ ba, ngưng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấm dứt hy vọng tìm giải pháp cho việc thống nhất CH Síp, đang ở trong giai đoạn rất quan trọng. Mặc dù mong manh nhưng nhiều người hy vọng một thỏa thuận hòa bình có thể đạt được vào cuối năm nay. Việc đảm bảo sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với thỏa thuận này, nhất là liên quan đến vấn đề an ninh, đóng vai trò quyết định đối với thành công của quá trình đàm phán. Nếu EU chấm dứt đàm phán về việc gia nhập với Thổ Nhĩ Kỳ, khả năng Ankara sẽ không đóng vai trò tích cực đối với quá trình hòa giải ở CH Síp và nỗ lực đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo ủng hộ tiến trình này ở CH Síp là Nicos Anastasiades và Mustafa Akinci trong hơn hai năm qua sẽ đổ bể.
Thứ tư, việc EU ngưng đàm phán gia nhập với Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ khiến tình hình khu vực Trung Đông trở nên bất ổn nghiêm trọng hơn. Bất ổn ở khu vực này tác động trực tiếp tới an ninh và sự ổn định trong EU. Các chiến dịch chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể sẽ gây ra các làn sóng người nhập cư mới tìm cách vào EU. Cùng với đó, hàng trăm tay súng nước ngoài ở Iraq và Syria cũng sẽ trở lại quê nhà ở châu Âu. Ngoài ra, chấm dứt đàm phán gia nhập với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy Ankara xích lại gần hơn trong quan hệ với Moskva. Trong trường hợp này, cái giá phải trả trong việc để mất Ankara sẽ rất đắt đối với EU.
Hơn nữa, việc chấm dứt đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ cũng không phải là nhiệm vụ đơn giản. Theo Điều 2, Hiệp ước Lisbon, tiến trình này cần phiếu ủng hộ của ít nhất 55% tổng số thành viên chiếm 65% dân số EU. Yêu cầu đối với tỉ lệ ủng hộ sẽ cao hơn, lên tới 72% tổng số thành viên của Hội đồng châu Âu, chiếm 65% dân số EU, nếu đề xuất này không do Ủy ban châu Âu hoặc cơ quan đối ngoại của Liên minh đệ trình. Đây rõ ràng là thách thức không nhỏ đối với EU khi trong cuộc họp của các ngoại trưởng ngày 14/11, không có tuyên bố hoặc quyết định liên quan nào được thông qua.