Trong khi các kẻ thù của Tổng thống Dilma Rousseff đang ra sức tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo này thì những người ủng hộ bà lại mạnh mẽ chỉ trích phe đối lập âm mưu tiến hành một “cuộc đảo chính” chống lại một tổng thống cánh tả được bầu một cách dân chủ.
Bê bối nối tiếp bê bối
Bê bối tại Petrobas cùng các cáo buộc của phe đối lập đã cản trở hiệu quả của những chính sách thắt lưng buộc bụng mà Tổng thống Rousseff triển khai. Kết quả là người dân đã đổ hết sự bực tức lên hai mục tiêu điển hình: đương kim tổng thống và người tiền nhiệm Lula da Silva. Nguy cơ mất quyền lực khiến bà Rousseff có hành động tự vệ là tái bổ nhiệm cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva làm “Bộ trưởng Quốc vụ”. Tuy nhiên, một bê bối mới lại bị phanh phui khi đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện của bà Rousseff bị tiết lộ cho thấy mục đích chính của việc làm này là giúp người tiền nhiệm, và cũng là người cố vấn quan trọng của bà, tránh khỏi việc bị truy tố hình sự về các cáo buộc liên quan tại Petrobas.
Những cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra trên khắp Brazil đòi luận tội Tổng thống Rousseff. Ảnh: Reuters |
Ông Delcidio do Amaral, một thượng nghị sỹ cũng vướng vào bê bối tại Petrobas, nói rằng bà Rousseff "biết rõ" mọi chuyện tại công ty dầu khí quốc doanh này. Tuyên bố của ông Amaral càng khoét sâu cuộc khủng hoảng tại doanh nghiệp dầu khí hàng đầu Mỹ Latinh. Tờ “Les Echos” (Pháp) nhận định ngắn gọn: “Tổng thống Brazil đi xuống ‘địa ngục’ vì cú điện thoại tỏ ý dùng thẩm quyền tổng thống để bảo vệ người tiền nhiệm tránh bị pháp luật truy xét tội tham ô”.
Ngày 18/3, Ủy ban Quốc hội mới được bầu cũng đã có phiên họp đầu tiên để thảo luận về việc có nên luận tội tổng thống về các cáo buộc liên quan đến gian lận tài chính hay không. Quyết định của ủy ban này sau đó sẽ được đệ trình Hạ viện, nơi 513 nhà lập pháp sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu. Nếu 2/3 số Hạ nghị sỹ đồng thuận với việc luận tội bà Rousseff, vụ kiện này sẽ tiếp tục được chuyển lên Thượng viện. Trong trường hợp này, bà Rousseff sẽ bị đình chỉ công tác trong 180 ngày, và nếu 2/3 số Thượng nghị sỹ tại Thượng viện 81 ghế cho là bà có tội thì tổng thống sẽ bị phế truất.
Những giọt nước tràn ly
Cuối tuần trước, cảnh sát Brazil ước tính số người đổ xuống các đường phố để biểu tình phản đối bà Rousseff đã lên tới khoảng 3 triệu người. Người dân Brazil như đang sục sôi trong giận dữ. Bê bối tại Petrobas là nguyên nhân trực tiếp, nhưng còn những mồi lửa vẫn âm ỉ từ lâu.
Trong báo cáo mới nhất, hãng xếp hạng tín dụng Credit Suise dự báo tốc độ tăng trưởng tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Brazil trong giai đoạn 2015 - 2017 sẽ lần lượt là -3,7%; - 3,5% và -0,5%. Đây sẽ là lần đầu tiên nền kinh tế nước này suy giảm 3 năm liên tiếp kể từ năm 1901. Năm 2015 là năm GDP của Brazil giảm mức kỷ lục trong vòng 25 năm trở lại đây.
Trong khi đó, giá cả hàng hóa ở quốc gia này trong suốt vài năm trở lại đây cũng liên tục tăng, và nợ công hiện đang tương đương mức 65,1% GDP - mức cao nhất kể từ năm 2006 và tăng 8% so với cuối năm 2014.
Kinh tế suy yếu, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Brazil đều bị cắt giảm chi tiêu, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng. Mức xếp hạng tín nhiệm của Brazil đã bị hãng Standard&Poor’s đánh tụt xuống mức BB+ từ tháng 9/2015 và là lần đầu tiên quốc gia này bị hạ bậc xuống mức “rác” kể từ năm 2008.
Tình hình kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và những bê bối về tài chính, tham nhũng là nguyên nhân khiến xã hội Brazil quay lưng lại phía chính quyền. Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với bà Rousseff hiện chỉ còn khoảng 10% và có hơn 60% người Brazil ủng hộ vụ kiện mà phe đối lập đang thúc đẩy nhằm vào chính quyền Rousseff.