Các nghị sĩ hiện nay đối mặt với 3 lựa chọn: Brexit có thỏa thuận, Brexit không thỏa thuận và không có Brexit nữa.
Chính phủ Anh đã thuyết phục cả bên ủng hộ nước Anh ở lại EU (Remainers) và bên ủng hộ rời EU (Brexiters) bằng cả hứa hẹn lẫn cảnh báo, hy vọng những người "nổi loạn" chống lại kế hoạch Brexit của chính phủ sẽ thay đổi ý định và quay sang bỏ phiếu ủng hộ, nhưng đến giờ phút này chiến thuật "củ cà rốt và cây gậy" trên dường như không có mấy tác dụng.
Bên "Remainers" hy vọng sẽ kêu gọi thành công để tiến hành trưng cầu dân ý lần hai đối với việc Anh có nên rời khỏi EU hay không, trong khi phe "Brexiters" thì nghĩ họ có thể đạt được mong muốn sẽ xảy ra Brexit không thỏa thuận, nước Anh không còn dính dáng lệ thuộc gì đến các nguyên tắc, quy định luật pháp của EU nữa. Tuy nhiên, "hy vọng" và "mong muốn" của cả hai phe này đều khó trở thành hiện thực, căn cứ vào số lượng lớn các nghị sĩ phản đối những dự định trên tại Hạ viện.
Với những tiến triển trong mấy ngày gần đây, có thể thấy rõ khả năng cao dự thảo thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May khó lòng nhận được đủ số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh dự kiến diễn ra ngày 15/1. Một loạt "kịch bản" cũng được chuẩn bị, song xem ra mọi cái kết đều mơ hồ và có quá nhiều vướng mắc.
Nếu như Thủ tướng May nhận được sự hậu thuẫn tối đa từ phía EU, thì vẫn có cửa để dự thảo này được thông qua. Tuy nhiên, điều đó rất khó thực hiện, ít nhất là tới ngày 15/1.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra cảm thông với việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cố gắng giúp đỡ Thủ tướng May tìm kiếm sự ủng hộ tại Hạ viện Anh, bằng cách đưa ra thêm một số giải thích rõ hơn đối với kế hoạch dự phòng đường biên giới Ireland.
Ngược lại, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại phản đối bổ sung thêm các câu chữ đi quá xa so với nội dung thỏa thuận hoặc làm ảnh hưởng đến kế hoạch dự phòng, một kế hoạch nhằm đảm bảo tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland.
Bất đồng trong nội bộ EU khiến Thủ tướng May khó mà đáp ứng được những yêu cầu của một số nghị sĩ Anh đối với dự thảo thỏa thuận Brexit khi Hạ viện bỏ phiếu vào ngày 15/1.
Nếu như dự thảo thỏa thuận Brexit thất bại tại Hạ viện ngày 15/1, thì kế hoạch B của chính phủ là gì hiện vẫn chưa được tiết lộ.
Theo những đánh giá nội bộ của đảng Bảo thủ, có hai khả năng xảy ra, dựa vào số phiếu cụ thể phản đối/ủng hộ tại Hạ viện.
Trường hợp "thất bại" với tỉ lệ chêch lệch giữa phản đối và ủng hộ dưới 100 phiếu, được đánh giá là "thành công" đối với chính phủ, và Thủ tướng May có thể sẽ phải thuyết phục EU đưa ra thêm những cam kết đảm bảo, để hy vọng việc bỏ phiếu thông qua lần hai trong vài tuần tới sẽ làm hài lòng các nghị sĩ.
Ở đây yếu tố EU rất quan trọng, và EU cũng hiểu nếu không giúp Thủ tướng May bằng cách đưa ra "những cam kết" theo yêu cầu của bà, thì kết quả đàm phán 2 năm với Anh có thể sẽ bị " đổ xuống sông, xuống biển", uy tín của EU cũng bị sứt mẻ.
Để có thể thuyết phục các nghị sĩ Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit, EU sẽ phải đảm bảo rằng kế hoạch dự phòng đối với đường biên giới Ireland chỉ là tạm thời, thậm chí có thể sau này phải nói rõ đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh sẽ kết thúc vào năm 2021. Tuy nhiên, bối cảnh rối ren và bất đồng hiện nay tại Hạ viện lại tạo rào cản khiến các nghị sĩ khó thay đổi quyết định.
Trường hợp "thất bại" với số phiếu phản đối chênh với số phiếu ủng hộ lên đến gần 200, sẽ là cú sốc kéo theo nhiều nguy cơ đối với Thủ tướng May và cả đảng Bảo thủ. Khi đó tình hình sẽ trở nên khó kiểm soát hơn rất nhiều bởi những chỉ trích và hành động của Công đảng đối lập và cả từ những nghị sĩ nổi loạn trong đảng Bảo thủ, rồi liên minh các nghị sĩ liên đảng... sẽ nổi lên mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Có thể thấy trước "viễn cảnh" quyền lực kiểm soát đàm phán Brexit sẽ được chuyển dần từ chính phủ sang quốc hội. Đó là điều đáng lo ngại nhất bởi nó sẽ tạo ra tiền lệ, quyền điều hành của chính phủ sẽ bị suy yếu khi phải chịu sự can thiệp mạnh mẽ từ quốc hội.
Trong bối cảnh đó, "kế hoạch B" được đề cập nhiều nhất hiện nay là Thủ tướng May sẽ yêu cầu EU lùi ngày trước đây dự kiến rời EU (29/3) sang tháng 7/2019 để có thêm thời gian thuyết phục trong nước.
Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk đã lên tiếng sẵn sàng chuẩn bị cuộc họp khẩn cấp nếu nhận được đề nghị của Thủ tướng May. Điều này rất có thể xảy ra, song việc lùi thời gian rời EU cũng đồng nghĩa nước Anh đặt mình vào tương lai bấp bênh.
Một thực tế nữa cũng sẽ xảy ra nếu thỏa thuận Brexit bị bác, đó là Công đảng kêu gọi Hạ viện tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ Anh. Tuy nhiên, những nhân vật cao cấp trong Công đảng cũng thừa nhận việc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhiều khả năng sẽ không đạt kết quả như ý vì đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland, vốn giúp đảng Bảo thủ có số phiếu ủng hộ quá bán trong các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, tuyên bố sẽ ủng hộ chính phủ.
Dù vậy, thực tế này cũng bộc lộ rõ tình cảnh "mong manh" của bà May trên chiếc ghế quyền lực hiện nay khi khủng hoảng Brexit ngày càng trở nên trầm trọng. Mục tiêu tiếp theo của Công đảng nếu việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ không thành, là hướng tới kêu gọi tiến hành trưng cầu dân ý lần hai về Brexit. Tất cả những chính sách sắp tới của Công đảng, tuy không thực sự "thách đố" vai trò lãnh đạo đất nước của đảng Bảo thủ, nhưng khiến xã hội Anh càng rối ren, đất nước càng bị chia rẽ sâu sắc.
Một bầu không khí chính trị đặc quánh, ngột ngạt đang bao trùm nước Anh những ngày này, báo hiệu một cơn bão lớn sắp xảy ra. Quyết định của Hạ viện Anh ngày 15/1 có thể mở màn cho một "cuộc chiến Brexit" trong lòng nước Anh. Thủ tướng Anh sẽ lại tiếp tục hành trình vượt "dốc đá thẳng đứng" mà không biết khi nào mới vượt qua được.