EU và Mỹ muốn nhân hai hội nghị thượng đỉnh trong những ngày sắp tới để thúc đẩy các cải cách liên quan tới hai trụ cột an ninh chính của phương Tây, nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Washington trong hoạt động ở các khu vực lân cận. Một quan chức quốc phòng cấp cao phương Tây cho biết: “Mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn. NATO muốn kết nối với một EU mạnh mẽ hơn, chứ không phải là một khối yếu ớt và bị chia rẽ”.
Trước hàng loạt các vấn đề về an ninh mà EU đang phải đối mặt, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Fererica Mogherini, nhấn mạnh EU cần phải “hành động độc lập nếu cần thiết”. Bước đi có ý nghĩa biểu tượng này, kêu gọi các chính phủ hợp tác, chia sẻ chi tiêu quốc phòng, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đức và Pháp. Tuy nhiên, giới ngoại giao cho rằng nỗ lực trên có thể sẽ là vô nghĩa nếu không có Anh, nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quân sự của EU. Anh cũng là nước đóng góp nhiều nhất cho các hoạt động quân sự mà EU dẫn đầu, chi trả khoảng 15% chi phí và cung cấp các khí tài quân sự.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Brussels ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những đề xuất của bà Mogherini với giới lãnh đạo EU bao gồm cả việc triển khai một lực lượng bảo vệ biên giới EU mới nhằm kiểm soát dòng người di cư. Điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không có hạm đội của Anh. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng: “Những gì Anh làm có ảnh hưởng lớn, Anh là nước bảo trợ và cung cấp nguồn lực đảm bảo an ninh lớn nhất trong châu Âu”.
Tuy nhiên, vì lo ngại những kế hoạch thành lập quân đội EU, Anh đã phản đối kế hoạch hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn trong khối. Trả lời một cuộc phỏng vấn gần đây của hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói: “Không ai muốn quân đội của mình bị kiểm soát bởi Brussels”. Một số người hy vọng rằng, khi không có sự cản trở của London, Pháp và Đức có thể dẫn đầu một “liên minh phòng vệ chung” để cùng phát triển và chia sẻ khí tài quân sự. Pháp đã thúc đẩy ý tưởng về việc thành lập một sở chỉ huy quân đội của EU, độc lập với NATO, để thực hiện các nhiệm vụ quân sự của khối.
Sau khi các cuộc khủng hoảng tài chính buộc các nước EU phải cắt giảm ngân sách quốc phòng và việc Crimea ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga, chính phủ các nước EU nói rằng họ sẽ hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo an ninh cho chính mình và EU không thể phụ thuộc mãi vào Mỹ. Chính phủ các nước EU đang thảo luận việc xây dựng quỹ quốc phòng chung nhằm đầu tư và nâng cấp máy bay trực thăng chiến đấu, máy bay không người lái, tàu chiến và vệ tinh.
Trước khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, Mỹ vẫn luôn muốn Anh, đồng minh chính của Mỹ ở châu Âu, đóng vai trò như là cầu nối giữa NATO và EU. Điều này cho phép Washington có thể tập trung vào các mối lo ngại khác, trong đó có cả sự trỗi dậy của lực lượng Taliban ở Afghanistan và hành động quân sự hóa nhiều hòn đảo ở Biển Đông của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh hôm 27/6: “Mỹ thích một EU mạnh mẽ”.
Ngay sau cuộc bỏ phiếu hôm 23/6, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg cho biết Anh cam kết sẽ có trách nhiệm đối với sự ổn định của phương Tây. Giới chuyên gia cho rằng Anh vẫn có thể tham gia các nhiệm vụ của EU, ngay cả khi nước này nằm ngoài khối, tương tự những gì mà Canada và Na Uy - quốc gia không phải thành viên của EU - đã làm, mặc dù London sẽ không có “tiếng nói” trong việc xây dựng các chiến lược dài hạn.
Hiện nay, trọng tâm của Mỹ nhiều khả năng là kêu gọi Anh đóng một vai trò lớn hơn trong NATO và tránh bị cô lập. Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw sắp tới sẽ là cơ hội đầu tiên để London khẳng định lại cam kết với các nước Đại Tây Dương.