Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu bật vai trò ngày càng lớn của BRICS trên trường quốc tế, cho rằng nhóm này là một yếu tố quan trọng tạo sự ổn định không chỉ về mà mặt chính trị mà đối với cả nền kinh tế toàn cầu.
Nhóm BRICS bày tỏ cam kết đối với hệ thống thương mại đa phương, đồng thời kêu gọi các nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cần phải tránh các biện pháp đơn phương và bảo hộ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, đi ngược lại với tinh thần và nguyên tắc của tổ chức đa phương này.
Mặc dù có các mô hình phát triển kinh tế và quan điểm chính trị khác nhau, song các nước thành viên BRICS đều chung quan điểm rằng thương mại quốc tế và đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, tạo việc làm và phát triển, và để đạt được mục tiêu này thì sự đóng góp của hệ thống thương mại đa phương là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, BRICS nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ WTO để bảo đảm tính hiệu quả và vai trò nổi bật của tổ chức này.
Trong bối cảnh những căng thẳng thương mại và biến động chính trị đã gây ảnh hưởng tới lòng tin, thương mại, đầu tư và tốc độ tăng trưởng, các nhà lãnh đạo BRICS cho rằng cần phải có các biện pháp để tạo dựng các môi trường kinh doanh và thương mại công bằng và không có sự phân biệt đối xử.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định BRICS mong muốn mở cửa nền kinh tế, tăng cường xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi ở mỗi nước thành viên. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng chủ nghĩa bảo hộ là mối đe dọa lớn nhất đối với thương mại và đầu tư quốc tế, đồng thời cảnh báo điều đó có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.
Cùng quan điểm trên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng, với việc đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, BRICS cần phải đưa ra những mục tiêu có tham vọng hơn thông qua việc tăng cường hợp tác và đầu tư giữa các nước thành viên.
Trong tuyên bố chung của hội nghị, các bên cũng nhấn mạnh quyết tâm hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua những thách thức quan trọng mà chủ nghĩa đa phương đang phải đối mặt và cũng như giữ vững vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong các vấn đề quốc tế. BRICS cho rằng cần phải nỗ lực để xây dựng một trật tự quốc tế đa cực công bằng hơn, công minh hơn và mang tính đại diện hơn.
Các nước thành viên BRICS cũng nhất trí kêu gọi thực hiện những cải tổ mang tính toàn diện đối với Liên hợp quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an, tạo ra một cơ chế mang tính đại diện cao hơn và hiệu quả hơn với sự tham gia của các nước đang phát triển để có thể đáp ứng một cách phù hợp với những thách thức toàn cầu.
Liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, lãnh đạo các nước BRICS cam kết đóng góp nỗ lực chung vì sự thành công của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25), sẽ được tổ chức tại Tây Ban Nha vào tháng 12 tới, sau khi Chile rút lui không tổ chức, đặc biệt liên quan đến việc đạt được kết quả cân bằng và toàn diện về tất cả các vấn đề nổi bật trong chương trình làm việc của Hiệp định Paris. BRICS cho rằng văn kiện này là cam kết không thể đảo ngược, phản ánh trách nhiệm khác nhau, cũng như khả năng tương ứng tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia.
Các nhà lãnh đạo BRICS cũng đã thảo luận về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, kêu gọi các nước trên thế giới cùng nỗ lực đối phó với khủng bố dưới mọi hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế. BRICS cũng nhấn mạnh trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc ngăn chặn tài trợ cho các mạng lưới và các hành động khủng bố, cũng như kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng sự phát triển của công nghệ thông tin vào các hoạt động khủng bố.
Tuyên bố của BRICS khẳng định những thách thức và mối đe dọa mới trong cuộc chiến này đòi hỏi sự hợp tác quốc tế, bao gồm các cuộc thảo luận về các khuôn khổ hợp tác, trong đó Liên hợp quốc phải đóng vai trò trọng tâm với những công cụ mang tính ràng buộc.
Có thể nhận thấy, với việc chiếm tới 26% diện tích, 42% dân số và 16% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, BRICS không chỉ là một động lực thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển, mà còn có vai trò ngày càng lớn trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị cấp cao Nhóm BRICS lần thứ 11 này tiếp tục phát đi một thông điệp nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đối thoại và hợp tác, cùng nhau thúc đẩy kinh tế toàn cầu và bảo vệ lợi ích chung. Thông qua tinh thần "hợp lực" đó, BRICS đang tiếp tục khẳng định sức mạnh và tầm ảnh hưởng quốc tế của mình.