Cuộc họp thượng đỉnh giữa 5 nước thuộc Nhóm BRICS (gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã kết thúc ngày 9/7 tại thành phố Ufa của Nga. Ngoài các vấn đề thời sự “nóng” được thảo luận như cuộc khủng hoảng Ukraine, nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ, cuộc xung đột ở Syria và mối đe dọa của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, thì việc Ngân hàng Phát triển BRICS chính thức được công bố đi vào hoạt động cũng là một sự kiện thu hút sự chú ý lớn của dư luận quốc tế.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị BRICS ngày 9/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngân hàng Phát triển BRICS - đặt trụ sở tại Thượng Hải - sẽ hoạt động từ ngày 30/7 với số vốn ban đầu là 50 tỷ USD và sẽ tăng lên khoảng 100 tỷ USD trong vài năm tới. Ngoài ra, các nước thành viên của nhóm còn lập một quỹ dự trữ ngoại tệ chung trị giá 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỷ USD; Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, trong khi Nam Phi đóng góp 5 tỷ USD. BRICS hy vọng hai định chế tài chính này sẽ là sự lựa chọn thay thế cho các định chế tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà các nước phương Tây luôn chi phối, nhằm mục tiêu hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Các nước BRICS cũng coi hai định chế mới thành lập là "sân chơi riêng" và là nhân tố quan trọng giúp các nước thành viên nâng cao khả năng chống đỡ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo dự kiến, một loạt dự án khổng lồ về giao thông, năng lượng và sản xuất công nghiệp sẽ nhận được vốn vay của Ngân hàng Phát triển BRICS từ năm tới.
Mặc dù quy mô của hai định chế tài chính mới của BRICS chưa thể sánh ngang với WB và IMF, nhưng những động thái trên được coi là nằm trong những bước đi đầu tiên của các thành viên là các nước đang phát triển nhằm hướng tới thiết lập trật tự thế giới mới công bằng và bình đẳng hơn, dần loại bỏ vị thế độc quyền của phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin rất thích ý tưởng về nhóm BRIC (gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và năm 2006, ông đã đề nghị lãnh đạo 4 quốc gia nên gặp gỡ thường xuyên. Nhóm BRIC đã nhanh chóng được chính thức hóa với các hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hàng năm. Nam Phi gia nhập vào năm 2011, góp phần củng cố thêm sự hiện diện của nhóm BRICS trên trường quốc tế. Bằng việc tận dụng ý tưởng thành lập nhóm BRICS từ ban đầu, Tổng thống Putin muốn xây dựng một hệ thống toàn cầu khác.
Những năm qua, quan hệ giữa các thành viên nhóm BRICS liên tục được làm sâu sắc thêm. Ngoài các hội nghị thượng đỉnh thường niên - sự kiện cho ra đời những tuyên bố chung về mọi vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề hòa bình và an ninh đến việc cải tổ Liên hợp quốc, nhóm BRICS đã tổ chức các hội nghị bộ trưởng ngoại giao và tiến hành các cuộc tham vấn giữa các viện nghiên cứu chính sách.
Sự nổi lên của nhóm BRICS vào thời điểm nhiều người ngày càng thiếu tin tưởng vào tương lai của hệ thống quốc tế vốn đã tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Trong hơn bảy thập niên qua, hệ thống đó nhìn chung đã đạt được các mục tiêu của mình trong các vấn đề như bảo đảm hòa bình, giảm bớt xung đột, thúc đẩy phát triển, cũng như tìm cách tạo chỗ đứng các quốc gia mới nổi. Tuy nhiên, dường như nó đã không còn phù hợp với thực tế hiện tại. Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm tầm ảnh hưởng toàn cầu tương xứng với sức mạnh kinh tế của hai quốc gia này. Brazil và Nam Phi đang nổi lên như những cường quốc của châu lục, trong khi nước Nga - với sức mạnh dầu khí - tỏ ra không hài lòng về vị trí bên lề hệ thống quan hệ quốc tế do phương Tây lập ra.
Việc ra đời Ngân hàng Phát triển BRICS và sắp tới là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á(AIIB) do Trung Quốc khởi xướng được dự báo sẽ làm thay đổi cấu trúc kinh tế thế giới vốn chịu sự tác động của các định chế tài chính lớn của Mỹ và châu Âu trong suốt nhiều thập kỷ qua. Đây cũng là những bước đi khởi đầu hướng tới tầm nhìn về một trật tự thế giới đa cực, vì lợi ích đa số và tránh tình trạng hậu thuẫn đơn phương chỉ phục vụ lợi ích của một số nước.