Sau một năm bị dịch bệnh tàn phá, bức tranh kinh tế thế giới đang được điểm tô thêm những mảng màu tươi sáng nhờ các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế quy mô lớn, đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được đẩy mạnh ở nhiều quốc gia. Dù kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đang hướng đến đà tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 50 năm qua, song vẫn còn đó những nguy cơ rình rập, đe dọa làm chệch đà phục hồi hiện có.
Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 6%, thay vì 5,5% hồi tháng 1. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ những năm 1970. Đối với năm 2022, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 4,4%, cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó.
Các yếu tố chính dẫn tới sự điều chỉnh này, theo IMF, là việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD và tín hiệu tốt từ các nền kinh tế lớn khác nhờ nỗ lực tiêm vaccine ngừa COVID-19. Chính phủ các nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nhờ các chính sách hỗ trợ tài chính với tổng trị giá 16.000 tỷ USD và việc các ngân hàng trung ương “bơm” lượng tiền mặt lớn vào lưu thông để hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Thế nhưng, khác với thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi của kinh tế thế giới lần này lại không đồng đều và có sự chênh lệch rõ rệt giữa các nước, một phần do sự khác biệt trong tiến độ tiêm vaccine và các gói hỗ trợ tài chính. Sự mất cân đối này được thể hiện trong dự báo của IMF đối với các nền kinh tế và các nhóm nền kinh tế cụ thể. Mỹ cùng với Trung Quốc là những nước có GDP không những đang trên đà phục hồi mà còn được dự báo sẽ sớm vượt qua mức tăng trưởng đã đạt được trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế trong nhóm các quốc gia phát triển phải đến năm 2022 mới khôi phục mức tăng trưởng trước đại dịch.
Được đánh giá là một trong những động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho 1 năm đột phá, khi các gói kích thích tài khóa khổng lồ và chính sách nới lỏng tiền tệ chuyển thành tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng. IMF dự báo nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ phục hồi vững chắc với tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,4%, mức tăng nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980. Con số này cao hơn 1,3% so với dự báo IMF đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp dự báo sẽ giảm từ 8,1% năm ngoái xuống còn 5,8% năm nay và 4,1% trong năm 2022. Chính gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD để ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã kéo Mỹ thoát khỏi “vũng lầy” suy thoái. Ngoài ra, chương trình tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai trên quy mô lớn và tốc độ thần tốc - bỏ xa châu Âu và châu Á - cũng được xem là một lực đẩy quan trọng “tiếp sức” cho hoạt động kinh tế Mỹ khôi phục nhanh chóng. Nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Oxford Economics Gregory Daco nhận định: “Nền kinh tế Mỹ một lần nữa sẽ trở thành động lực tăng trưởng, là đầu tàu kéo phần còn lại của thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19”.
Với đà phục hồi ấn tượng của Mỹ, triển vọng tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển, trong đó có Đức, Pháp và Nhật Bản, cũng được cải thiện đáng kể. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế tiên tiến sẽ đạt 5,1% trong năm nay so với mức 4,3% đưa ra hồi tháng 1. Riêng nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm nay, chỉ cao hơn 0,2% so với dự báo trước đó. IMF cho rằng châu Âu sẽ mất nhiều thời gian hơn Mỹ để phục hồi sau cú sốc đại dịch trong bối cảnh các nền kinh tế cả trong lẫn bên ngoài khu vực Eurozone đang phải vật lộn với làn sóng dịch mới, các chương trình tiêm chủng chậm trễ và thiếu định hướng chính sách.
Dự báo cho các nền kinh tế mới nổi dù cũng được cải thiện nhưng không mạnh như ở các nền kinh tế phát triển. IMF chỉ nâng mức dự báo tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi thêm 0,4% lên 6,7% với Trung Quốc và Ấn Độ được xem là những điểm sáng. Nền kinh tế Trung Quốc đã hoàn tất quá trình phục hồi khi quay trở lại mức tăng trưởng trước thời điểm đại dịch. Theo IMF, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8,4% trong năm nay, tăng 0,3% so với dự báo hồi tháng 1. Khả năng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả đã giúp nền kinh tế tỷ dân phục hồi nhanh hơn nhờ xuất khẩu mạnh mẽ, nhu cầu gia tăng và các biện pháp kích thích của chính phủ. Nền kinh tế Ấn Độ ước tính sẽ tăng trưởng 12,5% năm nay, cao hơn 1% so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của IMF lưu ý triển vọng tăng trưởng của Ấn Độ đi kèm với những rủi ro lớn do làn sóng COVID-19 đang trở lại càn quét khắp nước này.
Sự chênh lệch trong tốc độ phục hồi kinh tế giữa các nước được xem là một yếu tố cản trở kinh tế thế giới nói chung sớm đạt được các mức như thời kỳ trước đại dịch. Nhiều nền kinh tế thậm chí phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi hoàn toàn. Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan Chase & Co. Bruce Kasman nhận định ông chưa từng thấy một sự chênh lệch nào lớn đến vậy trong 20-25 năm qua giữa Mỹ cũng như các nước phát triển khác và các thị trường mới nổi. Bản thân Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva từng nhận định dù triển vọng nhìn chung đã cải thiện, nhưng giữa các nước đang có sự chênh lệch đáng báo động. Bà nhấn mạnh không phải ai, không phải nơi nào cũng được tiếp cận vaccine, quá nhiều người vẫn đang bị mất việc làm và rơi vào nghèo đói, quá nhiều quốc gia đang bị tụt lại phía sau.
Theo nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath, ngay bên trong các nước phát triển, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, tình trạng bất bình đẳng thu nhập cũng có xu hướng đi lên do nhóm lao động trẻ tuổi và những người không có tay nghề cao là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu còn bị kìm hãm do tình trạng mất cân bằng trong khả năng tiếp cận và tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước, song song với đó là sự lây lan của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đe dọa làm giảm hiệu quả của các vaccine hiện tại. Chuyên gia kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Laurence Boone cảnh báo các gói kích thích tài chính có nguy cơ bị suy yếu nếu các quốc gia không đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Đó là chưa kể tới mức độ hiệu quả trong chính sách hỗ trợ mà các nước triển khai cũng như khả năng tài chính hạn hẹp ở các nước thu nhập thấp.
Mặt khác, tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ hỗ trợ sự phục hồi kinh tế ở nhiều quốc gia bằng cách thúc đẩy thương mại, song cũng có thể kích hoạt lãi suất tăng nhanh. Thời gian gần đây, các thị trường tài chính ngày càng lo ngại sự phục hồi mạnh mẽ của Mỹ có thể dẫn đến "vòng xoáy" lạm phát khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Điều này đồng nghĩa các điều kiện tài chính có thể sẽ được thắt chặt hơn và kích hoạt làn sóng thoái vốn từ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Viễn cảnh này sẽ đặt ra những thách thức lớn, đặc biệt là đối với các quốc gia thu nhập trung bình có nợ công cao và cần các khoản tài trợ lớn từ bên ngoài.
Trước mắt, IMF cho rằng các chính phủ nên tiếp tục tập trung nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, bao gồm cả hệ thống chăm sóc y tế. Trong giai đoạn thứ hai, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần khống chế không để “vết sẹo kinh tế” kéo dài sau cuộc khủng hoảng và thúc đẩy đầu tư công. Việc đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine phòng COVID-19 cũng được xem là chìa khóa then chốt để đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng. Điều này đòi hỏi phải huy động nỗ lực toàn cầu nhằm giúp người dân ở mọi quốc gia sớm được tiêm phòng. Bà Gopinath nhấn mạnh: “Nếu không có những nỗ lực bổ sung để mang lại cho tất cả mọi người một cơ hội công bằng, khoảng cách giữa các quốc gia về mức sống có thể gia tăng đáng kể và xu hướng giảm nghèo toàn cầu kéo dài hàng thập niên có thể bị đảo ngược”.
Nhìn chung, bức tranh kinh tế năm 2021 đã dần tươi sáng hơn sau khi trải qua năm 2020 lao đao. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bị phủ bóng bởi "nhiều bất trắc" khi hoạt động kinh tế vẫn phụ thuộc vào tình hình đại dịch, tiến độ tiêm chủng và sự xuất hiện của các biến thể mới. COVID-19 sẽ nới rộng khoảng cách giàu nghèo nếu các nhà hoạch định chính sách không có các biện pháp đủ mạnh nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế cho đến khi đại dịch kết thúc. Như nhận định của Giáo sư Eswar Prasad thuộc Viện Brookings: “Công thức cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững vẫn tương tự như trong năm qua – các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh kết hợp với các gói kích thích tài chính và tiền tệ cân bằng”.