Thép được sản xuất tại nhà máy ở Salzgitter, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN |
Động thái chống lại những đồng minh lâu năm của Mỹ dựa trên "cái cớ" an ninh quốc gia này đã châm ngòi cho một loạt biện pháp "ăn miếng, trả miếng" giữa những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo thông báo phát đi chiều 31/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố bắt đầu từ giữa đêm cùng ngày theo giờ Mỹ (tức 11h trưa 1/6 theo giờ Việt Nam), các nước thuộc EU, Canada và Mexico sẽ phải chịu mức thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm xuất khẩu sang Mỹ, chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài hai tháng. Ông Ross lý giải EU không đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ như đã thỏa thuận nên không thể tiếp tục được hưởng quyền miễn trừ. Trong khi đó, tiến trình đàm phán với Mexico và Canada về việc sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra lâu hơn so với kỳ vọng và "chưa biết khi nào sẽ chốt" nên hai nước này cũng chịu chung số phận với EU. Thông điệp cứng rắn này được Mỹ đưa ra sau khi Chính quyền Tổng thống Trump bất ngờ "khai quật" lời đe dọa áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lại "nóng" lên.
"Đây là một ngày tồi tệ đối với thương mại thế giới". Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã không giấu nổi thất vọng khi nói về quyết định trên của Mỹ. Ông chỉ trích việc Mỹ tăng mức thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu từ châu Âu là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", đồng thời cam kết sẽ có hành động đáp trả tương xứng nhằm vào các sản phẩm của Mỹ như rượu whiskey, xe mô-tô Harley Davidson và bơ đậu phộng. Đây đều là những sản phẩm chủ lực của các bang có tỷ lệ ủng hộ cao dành cho các nghị sỹ của dảng Cộng hòa.
Trong tuyên bố đe dọa sẽ khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom cáo buộc Mỹ đã sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để buộc châu Âu nhượng bộ. Bà nêu rõ: "Đó không phải là cách chúng ta làm ăn với nhau, chắc chắn không phải là cách mà các đối tác, bạn bè và đồng minh trong suốt thời gian dài đối xử với nhau".
Hòa chung tiếng nói phẫn nộ, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định cả châu Âu sẽ "đoàn kết và chung sức" đáp trả hành động của Mỹ. Từ Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích quyết định của Mỹ áp mức thuế nhập khẩu mới đối với mặt hàng nhôm và thép từ Liên minh châu Âu (EU) là "bất hợp pháp và sai lầm", đồng thời cảnh báo EU sẽ đáp trả "một cách mạnh mẽ và thích hợp".
Không khó để dự đoán phản ứng giận dữ và hành động nhanh tay đáp trả của Canada và Mexico, vốn từng là hai quốc gia đầu tiên được miễn trừ áp dụng biểu thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm của Mỹ. Canada, nhà cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ, tuyên bố áp thuế lên 12,8 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm các mặt hàng rượu whiskey, nước cam, thép, nhôm và các sản phẩm khác. Mexico cũng tuyên bố đáp trả tương xứng, với thuế quan được áp lên một loạt sản phẩm nông sản và công nghiệp của Mỹ, gồm giò lợn, táo, nho, pho mát, thép.
Không chỉ "chọc giận" các đồng minh, quyết định trên của Chính quyền Tổng thống Trump cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sỹ Cộng hòa và doanh nghiệp Mỹ. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Tom Donohue nói rằng chính sách thương mại hiện nay của nước này có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế và gây thiệt hại hơn 2 triệu việc làm, chủ yếu ở các bang ủng hộ Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa.
Có thể nói, việc Tổng thống Mỹ quyết định áp mức thuế mới đối với nhôm, thép của các đồng minh phản ánh quyết tâm hiện thực hóa chính sách "Nước Mỹ trước tiên" bất chấp các biện pháp trả đũa của các nước khác. "Ông chủ" Nhà Trắng Trump đã dựa trên một đạo luật hiếm khi được những người tiền nhiệm sử dụng từ năm 1962, cho phép tổng thống quyết định đánh thuế với các sản phẩm nhập khẩu có khả năng đe dọa an ninh quốc gia. Động thái quyết liệt của Tổng thống Trump có thể là bước đi chứng tỏ với cử tri Mỹ rằng ông "đã nói là làm", trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
Thực tế lâu nay, các công ty nhôm và thép của Mỹ không ngừng phàn nàn về việc phải đương đầu với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều đối thủ nước ngoài, khiến thị trường thế giới tràn ngập sản phẩm kim loại, giá cả hạ gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ. Bằng nhiều cách khác nhau, các quan chức thương mại Mỹ thời gian qua đã tìm cách sửa luật theo hướng có lợi hơn cho các công ty trong nước. Ví dụ như chính quyền của Tổng thống George Bush năm 2002 đã áp thuế thép lên đến 30%, thế nhưng phạm vi áp dụng khi đó hẹp hơn nhiều. Còn ở thời điểm hiện tại, chính quyền của Tổng thống Trump cho rằng, hoạt động sản xuất kim loại nội địa Mỹ đang chịu nhiều thiệt hại và quốc gia này dễ bị tổn thương trong bối cảnh có xung đột ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại. Do đó, việc áp mức thuế mới đối với nhôm, thép nhập khẩu được cho là phù hợp nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh quyết liệt từ nước ngoài.
Theo các chuyên gia, việc áp biểu thuế mới đối với nhôm, thép nhập khẩu được Washington công bố hồi tháng 3 một phần nhằm vào Trung Quốc cũng như làn sóng hàng hóa kim loại giá rẻ của nước này tràn vào thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, quyết định ngày 31/5 đã biến những nỗ lực cứng rắn của Tổng thống Trump với Trung Quốc thành hành động có nguy cơ hủy hoại mối quan hệ kinh tế lớn hơn với các đồng minh truyền thống là EU và các đối tác tham gia NAFTA. Ông Chad Bown, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế học quốc tế Peterson cho rằng mặc dù Trung Quốc xuất khẩu một lượng nhôm, thép không hề nhỏ sang Mỹ và phần lớn chịu thuế chống bán phá giá, song biểu thuế mới của Mỹ đối với các mặt hàng kim loại sẽ ít ảnh hưởng tới Trung Quốc hơn, thay vào đó, các đồng minh kinh tế và quân sự của Mỹ là EU, Canada, Mexico phải hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại của Mỹ và EU đạt gần 720 tỷ USD, so với 636 tỷ USD trong kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc. Kim ngạch thương mại với các đối tác NAFTA là Canada và Mexico cũng đạt hơn 1.100 tỷ USD. Những mối quan hệ này có nguy cơ bị "thử thách" hơn nữa trong thời gian tới sau khi Washington phát tín hiệu áp thuế đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu. Ông Edward Alden, một thành viên cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của Mỹ, đánh giá các biện pháp thuế mới sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hợp tác thương mại giữa Mỹ và các đồng minh. Ông nhận định: "Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong một cuộc chiến thương mại, theo như tôi định nghĩa là một cuộc xung đột leo thang bên ngoài khuôn khổ các luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các thỏa thuận thương mại khác".
Tương tự, ông Simon Lester, nhà phân tích chính sách thương mại thuộc Viện Cato, cũng nhất trí rằng quyết định trên của Mỹ sẽ khiến tiến trình đàm phán sửa đổi NAFTA "khó khăn hơn" và hủy hoại quan hệ EU - Mỹ bởi sẽ mất rất nhiều thời gian để WTO giải quyết các xung đột thương mại. Chuyên gia thương mại tại Viện Roosevelt ở Washington Todd Tucker lại cảnh báo với việc áp thuế nhôm, thép mới, Canada và Mexico khó mà nhượng bộ NAFTA và "đây thực sự là một liều thuốc độc cho các cuộc đàm phán về NAFTA phiên bản mới".
Trong khi đó, học giả Dan Drezner thuộc Đại học Tufts (Mỹ) cho rằng :"Chính quyền Tổng thống Trump đã thực sự sáng tạo khi tìm ra các biện pháp ngớ ngẩn nhất và thực thi chúng theo cách mang tính phá hoại nhất so với tưởng tượng". Giáo sư Paul Musgrave cũng nêu rõ: "Tổng thống Trump dường như thực hiện những cam kết trong chính sách 'Nước Mỹ trước tiên' theo cách kỳ quặc và tai hại". Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương quốc gia Mỹ Rufus Yerxa nhận định: "Thật vô nghĩa khi Mỹ lại gây chiến với các quốc gia đã là đồng minh tốt nhất và các đối tác an ninh của chúng tôi trong 70 năm qua". Ông nói thêm rằng lịch sử chưa bao giờ ghi nhận rằng chủ nghĩa quốc gia trên hết lại có thể kích thích nền kinh tế.
Giới phân tích cũng nhận định bằng việc viện dẫn lý do “an ninh quốc gia” để áp đặt rào cản thương mại, Tổng thống Mỹ đã “mở chiếc hộp Pandora”, tạo tiền lệ để nhiều nước khác áp dụng lý do tương tự khi họ muốn bảo hộ. Bên cạnh đó, trong trường hợp các đối tác thương mại bị Mỹ áp thuế "nói là làm", gần như chắc chắn Chính quyền Tổng thống Trump sẽ khiến căng thẳng thêm leo thang khi sẵn sàng áp đặt thêm các loại thuế mới nhằm vào những quốc gia có hành động trả đũa. Đây có thể được xem là "xuất phát điểm" của cuộc chiến thương mại với những hệ lụy nguy hiểm và thảm khốc đối với nền kinh tế toàn cầu.