Giữa lúc chiến sự vẫn tiếp diễn ở Ápganixtan và quân đội Mỹ cũng như các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút quân vào năm 2014, có thông tin cho biết các bên liên quan trong cuộc xung đột ở đất nước này đã có mặt ở Pari (Pháp) để tiến hành các cuộc đàm phán mang tính thăm dò.
Taliban tuyên bố hiến pháp hiện nay của Ápganixtan là vô giá trị. |
Cuộc gặp gỡ này rõ ràng là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các bên liên quan và phe tham chiến ở Ápganixtan để thảo luận về tương lai của nước này. Dưới sự chủ tọa của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, một tổ chức cố vấn của Pháp, cuộc họp tại Pari có sự tham gia của các đại diện từ chính phủ Ápganixtan, các nhóm chống đối vũ trang bao gồm lực lượng Taliban, nhóm Hồi giáo cực đoan Hizb-e-Islami và các nhóm chính trị đối lập Ápganixtan ở trong nước. Đặc biệt, tham gia cuộc gặp lần này có các gương mặt cấp cao của Taliban như Shahabuddin Dilawar và Naeem Wardak, một động thái được coi là dấu hiệu cho thấy nhóm Hồi giáo này có ý định nghiêm túc sau các cuộc thảo luận mang tính thăm dò.
Mặc dù chưa có thông báo chính thức nào từ phía chính phủ của Tổng thống Hamid Karzai, song sáng kiến do một tổ chức độc lập đưa ra này đã được hoan nghênh ở Ápganixtan. Trước đó, Tổng thống Karzai nói rằng chính phủ của ông ủng hộ bất cứ nỗ lực thực sự nào nhằm đạt được hòa bình ở Ápganixtan, trong đó có sáng kiến ở Pari này.
Theo phát ngôn viên của Liên minh Dân tộc - bao gồm một số nhóm chính trị đối lập với chính quyền của ông Karzai, Liên minh này đã gửi đại diện của mình tới Pari. Phát ngôn viên Sayed Muzafar Daraisufi cho biết: "Một đoàn đại biểu của Liên minh Dân tộc, do ông Mohammad Yunus Qanooni dẫn đầu, đã tới Pari đại diện cho Liên minh tham dự cuộc đàm phán". Song phát ngôn viên này từ chối tiết lộ chi tiết.
Các nhà quan sát chính trị Ápganixtan cũng thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc gặp này ở Pari song không hi vọng sẽ đạt được kết quả đối với những nỗ lực hòa giải dân tộc và hòa bình. Nhà cựu ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị Ahmad Sayedi nói: "Những nỗ lực của chính phủ nhằm đạt được hòa bình (ở Ápganixtan) sẽ không được kết quả như mong muốn trừ phi quan điểm của phe Taliban trở nên mềm mỏng hơn". Tuy nhiên, ông cho rằng Taliban và các nhóm tay súng khác nên được tạo cơ hội để giải thích quan điểm riêng của mình nếu các cuộc đàm phán chính thức trong tương lai được tổ chức.
Còn nhà phân tích Mohammad Asim lại không lạc quan lắm về triển vọng Taliban tham gia các nỗ lực hòa bình. Ông Asim cho rằng mặc dù Taliban chấp thuận tham gia đối thoại ở Pari, song họ không muốn tiến hành đàm phán trực tiếp với chính phủ Ápganixtan.
Trong một thông báo đăng trên trang web của mình, Taliban đã khẳng định việc tham dự cuộc đối thoại ở Pari. Nhóm này cho biết hai đại biểu của Tiểu vương quốc Hồi giáo Ápganixtan (tên của chế độ Taliban) tham dự cuộc họp để giải thích quan điểm của mình về tình hình ở Ápganixtan. Song trong thông báo trên, Taliban cũng tuyên bố dứt khoát rằng họ không tiến hành đàm phán với đoàn của chính phủ Ápganixtan, rằng "sẽ không có một thỏa thuận chính trị nào với những kẻ ngoại bang và chính quyền Cabun". Trong các tuyên bố trước đây, nhóm vũ trang này coi Mỹ và Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do NATO dẫn đầu là quân xâm lược và ra điều kiện rằng họ chỉ tham dự các cuộc đàm phán hòa bình nếu các lực lượng ngoại bang rút ngay khỏi Ápganixtan, một điều kiện mà cả Cabun và Oasinhtơn không chấp thuận ít ra là tại thời điểm này.
Theo một tuyên bố đưa ra sau cuộc thảo luận ở Pari (Pháp), lực lượng Taliban đã kêu gọi thông qua một hiến pháp mới như một điều kiện để tham gia tiến trình đàm phán hòa bình với chính phủ nước này. Trong tuyên bố, Taliban cho biết: "Hiến pháp hiện nay của Ápganixtan không có giá trị gì với chúng tôi vì nó được soạn thảo dưới bóng của những chiếc máy bay B52 của những kẻ xâm lược". Lực lượng này nhấn mạnh "vì sự thịnh vượng của quốc gia, Ápganixtan cần một bản hiến pháp dựa trên các nguyên tắc của đạo Hồi linh thiêng, lợi ích quốc gia và các thành tựu lịch sử và công lý xã hội".
Mặc dù đa số các nhà theo dõi tình hình Ápganixtan không trông đợi một kết quả tích cực từ cuộc đàm phán tại Pari, song họ tin rằng việc người Ápganixtan cùng ngồi vào bàn đối thoại có thể phá tan tình trạng bế tắc và mở đường cho các cuộc hòa đàm chính thức ở Ápganixtan trong tương lai.
TTK (theo THX)