Theo trang mạng của Nga, Kiev đã tuyên bố ngừng hoạt động của không quân ở miền Đông Ukraine sau khi một máy bay vận tải An-26 bị bắn hạ mới đây tại tỉnh Lugansk. Điều này cũng có nghĩa trên thực tế phe ly khai đã loại khỏi cuộc chơi toàn bộ lực lượng không quân Ukraine, dù chỉ là tạm thời. Yếu tố này có thể rất quan trọng đối với diễn tiến tiếp theo của cuộc xung đột.
Những người ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng tối 14/7 cho biết họ đã bắn hạ thêm một máy bay cường kích Su-25 của Không quân Ukraine. Người đứng đầu trung tâm thông tin “Mặt trận Đông-Nam” Konstantin Knyrik thông báo: “Su-25 bị bắn hạ khi đang không kích thành phố Snheznoe”.
Trước đó sáng 14/7, bộ chỉ huy Ukraine thông báo ngừng ra lệnh thực hiện hầu như tất cả các chuyến bay của Không quân. Vẫn chưa rõ tuyên bố này có là mánh khóe quân sự, hay Kiev đã quyết định làm mới hoạt động của không quân vào ngày đó.
Lực lượng dân quân tại miền Đông Ukraine. |
Theo thông tin trước đó, dân quân Đông Nam Ukraine trong ngày 14/7 đã bắn hạ tới 2 máy bay trong đó có 1 máy bay vận tải An-26 và 1 cường kích Su-25. Kiev khẳng định chiếc máy bay vận tải bị bắn hạ do tên lửa từ lãnh thổ LB Nga. Những người ủng hộ DNR đã bác bỏ thông tin này, cho biết thêm chiếc máy bay bị bắn hạ bằng tên lửa phòng không 9K37M1 (còn hay gọi là Buk). Đêm 14/7, chỉ huy dân quân ở Gorlovka thuộc tỉnh Donetsk cho biết dân quân đã bắn hạ 2 máy bay cường kích Ukraine.
Kiev chưa đưa ra kết luận
Theo giới chuyên gia, đây là lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc xung đột gần đây – ví dụ cuộc nội chiến ở Libya – quân nổi dậy có thể loại lực lương không quân của chính phủ khỏi cuộc chơi, dù chỉ tạm thời.
Giáo sư Học viện Khoa học quân sự Nga, Vadim Kozyulin bình luận: “Quân đội Ukraine từ lâu đã dự đoán ‘vùng cấm bay’ trong khu vực tiến hành chiến dịch chống khủng bố”. Trong quá trình giao tranh, dân quân đã chiếm được khu vực quân sự A-1402 mà ở đó có các hệ thống tên lửa phòng không Buk. Tầm bắn của các hệ thống tên lửa phòng không tự hành đó là hơn 20km. Việc sử dụng nó trên thực tế chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ngoài ra theo Kozyulin, Kiev vẫn chưa đưa ra kết luận các trường hợp mất máy bay trên bầu trời khu vực tiến hành chiến dịch chống khủng bố.
Xác máy bay vận tải quân sự AN-26 ở gần Davido-Nikolsk thuộc Lugansk ngày 14/7. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo giáo sư này, Buk không phải là hệ thống mới, và trong hàng ngũ dân quân, có lẽ có người biết sử dụng chúng. Thêm vào đó Buk có thể hoạt động theo chế độ tự động, từ thời điểm bắn cho tới lúc phá hủy mục tiêu trên không. Trong cuộc xung đột năm 2008, chính những tính toán của người Ukraine điều khiển hệ thống Buk, chiến đấu bên phía Georgia, đã bắn hạ một máy bay ném bom tầm xa Tu-22 của Nga.
Chủ tịch Viện các vấn đề địa chính trị, Thượng tướng Leonid Ivashov cho rằng các chuyến bay bị ngừng là để xác định nguyên nhân rơi máy bay, cũng như các hệ thống phòng không của dân quân. Ông phân tích: “Trước tiên là vô hiệu hóa tên lửa phòng không vác vai. Ngoài ra phi công lái máy bay, chủ yếu là cường kích, cần có thêm các bài học. Họ sẽ thay đổi chiến thuật để không bị tổn thất. Tôi cho rằng không quân (Ukraine) sau một thời gian nữa sẽ lại hành động, song thận trọng để tránh tổn thất”.
Ông Ivashov tin tưởng quân đội Ukraine "khó có thể từ bỏ sử dụng sức mạnh trên không – các cường kích Su-25”. Ông lưu ý: “Việc ngừng (hoạt động của máy bay) diễn ra với tất cả các quân đội trên thế giới, nếu xảy ra tai nạn. Một ủy ban sẽ được thành lập để tìm hiểu nguyên nhân rơi máy bay, và sau đó đưa ra khuyến cáo, danh sách các biện pháp”.
Về phần mình, phi công kỳ cựu của Liên Xô Oleg Smirnov cho rằng đối với dân quân, việc loại bỏ không quân Ukraine là rất quan trọng, vì đó là “yếu tố nguy hiểm và khó chịu nhất” và nay “cơ hội của dân quân sẽ tăng đáng kể” vì “không quân là đòn bẩy mạnh trong chiến tranh”. Chuyên gia Ivashov không loại trừ khả năng động thái này của quân đội Ukraine là nhằm thay đổi chiến thuật, tuy nhiên điều này chưa chắc sẽ đem lại những thay đổi lớn.
Phi công đánh thuê
Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho rằng lực lượng an ninh Ukraine dường như đang thiếu máy bay vận tải quân sự. Ngoài ra không loại trừ khả năng việc ngừng không kích là do không đủ tiền trả cho lính đánh thuê.
Phó Thủ tướng DPR, Andrei Purgin nói: “Kiev hiểu mọi thứ trong cuộc sống cần phải trả tiền. Nay Ukraine rất cần tìm ra máy bay có thể hoạt động, tương tự như chiếc AN-26 đã rơi. Không chỉ có thế. Vẫn còn cần tìm các phi công chấp nhận bay trên bầu trời Đông Nam và tham gia chiến dịch tiễu phạt. Tìm được những người này đối với Poroshenko còn khó hơn tìm máy bay có thể hoạt động. Thậm chí là mất tiền”.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường vụ không kích ở Snizhne, cách Donetsk 100km, ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông tin Kiev gửi các phi công đánh thuê tới chiến đấu ở vùng Đông Nam xuất hiện cuối tháng 5. Ngày 26/5, đơn vị của DPR tấn công sân bay Donetsk đã bị không kích. Chỉ huy tiểu đoàn “Vostok”, Alexander Khodakovsky, tham gia cuộc tấn công, sau khi phân tích đã đưa ra kết luận lái cường kích Su của Ukraine là người nước ngoài.
Trong khi đó trên các trang blog xuất hiện thông tin nhiều phi công Không quân Ukraine đã đồng ý chiến đấu tại Donbass vì tiền. Trên mạng xuất hiện mức giá từ 900-9.000 hryvnia cho một chuyến xuất kích, phụ thuộc vào độ phức tạp của nhiệm vụ.
Purgin bình luận: “Không có sĩ quan trung thành nào của Không quân Ukraine thực hiện mệnh lệnh ném bom các khu dân cư. Kiev phải tìm những người làm vì tiền. Thực tế Kiev ra lệnh ngừng bay có thể cho thấy họ không có tiền trả cho phi công.
Kolomoyskyi có tiền song chỉ chi cho Vệ binh Quốc gia. Phi công đánh thuê mỗi tháng chiến đấu chống DPR nhận được có 900 hryvnia (khoảng 85 USD). Ukraine là quốc gia vỡ nợ.
Duy Trinh (P/v TTXVN tại Nga)