Căn cứ Incirlik là con bài của Thổ Nhĩ Kỳ

"Ông Erdogan đang mặc cả với Mỹ và EU. Khi ông Erdogan nhận được những thông tin về việc một số nước có ý định giúp đỡ người Kurd, ngay lập tức có thông báo về việc Ankara sẵn sàng đóng cửa căn cứ Incirlik đối với các đồng minh".

Căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Sputniknews, lực lượng không quân Đức đang chuẩn bị rời căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà các máy bay của liên minh phương Tây sử dụng để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.  Thật vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết lực lượng không quân nước này “có thể được chuyển sang Jordan".

Trước đó, các phương tiện thông tin đại chúng cho biết Ankara dự kiến “trục xuất” lực lượng không quân Mỹ khỏi căn cứ này. Các chuyên gia nhìn nhận đây chính là sự cảnh cáo của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các đồng minh của nước này. Nhưng liệu Thổ Nhĩ Kỳ có dám đóng cửa hoàn toàn căn cứ Incirlik đối với các lực lượng không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)?

Thủ tướng Merkel đã đưa ra thông báo về việc rút quân đội Đức khỏi căn cứ không quân Incirlik sau khi Thổ Nhĩ Kỳ không cho phép nhóm nghị sĩ của Đức tới thăm căn cứ này mà theo kế hoạch chuyến thăm được dự định vào ngày 16/5. Bà Merkel tuyên bố: “Chúng tôi sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng song song với đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu các lựa chọn khác trong việc triển khai quân đội Đức. Điều này có nghĩa rằng chúng tôi đang tìm một căn cứ không quân khác để thay thế Incirlik, ví dụ tại Jordan”.

Có thể thấy phát biểu này của bà Merkel rất ngoại giao và đồng thời cũng là một chỉ dấu cho Thổ Nhĩ Kỳ rằng Incirlik là một sân bay tiện lợi nhất đối với liên minh phương Tây.

Tuy nhiên, nếu như bà Merkel đã quyết định dứt khoát “đoạn tuyệt” với căn cứ không quân này của Thổ Nhĩ Kỳ thì điều này cũng đồng nghĩa chiến dịch của lực lượng không quân Đức tại Trung Đông sẽ chấm dứt tại đây, bởi vì những trận đánh chủ đạo chống lại IS đang diễn ra ở phía Bắc và phía Đông của Syria, trong khi Jordan nằm ở phía Nam.

Biết rằng máy bay Đức phải bay một quãng đường 1.400km để đi và về đến Raqqa, 1.800 km đối với Mossol, trong khi quãng đường hoạt động liên tục của các loại máy bay Luftwaffe Eurofighter Typhoon và Panavia Tornado là 1.390 km.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép các máy bay của NATO sử dụng căn cứ Incirlik để tấn công IS từ ngày 24/7/2015. Ngày 4/12/2015, Quốc hội Đức đã đồng ý cho phép triển khai 6 máy bay trinh sát Tornado tại các khu vực xung đột và một lực lượng gồm 1.200 binh sĩ. Quốc hội Đức không cho phép tiến hành các cuộc không kích cũng như sự tham gia của binh sĩ nước này vào các chiến dịch quân sự.

Đầu tháng 5/2017, tờ Der Spiegel cho biết Washington trước đó đã yêu cầu Berlin tăng cường sứ mệnh tại Syria và Iraq. Ngày 11/5, trong một cuộc họp báo chung cùng với Tổng thư ký NANO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Angela Merkel đã làm cho mọi người hiểu rằng Đức không có ý định tuân theo các điều kiện của Mỹ.

Việc Đức rời bỏ căn cứ Incirlik có thể được giải quyết tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ankara rõ ràng muốn đánh đổi điều này với Đức để có lợi thế trong quá trình đàm phán với EU, trong khi đó Washington rõ ràng không hài lòng với sự “cứng đầu” của bà Merkel, người sẽ bước vào cuộc đua trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 9 tới đây.

Những vấn đề của Đức liên quan đến sự hiện diện của quân đội nước này tại căn cứ Incirlik đã bắt đầu từ cách đây khoảng 2 năm. Ngày 2/6/2016, Quốc hội Đức đã thông qua nghị quyết cho rằng cuộc thảm sát 1,5 triệu người Armenia dưới thời Đế chế Ottoman (nay là Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 1915 là tội ác diệt chủng. Ngay sau đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra phản ứng rất cứng rắn.

Một tuần sau, các phương tiện truyền thông đã đưa tin Ankara có ý định cấm lực lượng không quân Đức sử dụng căn cứ Incirlik. Tuy nhiên, phía Ankara không đưa ra những bình luận chính thức nào.

Cuối tháng 8/2016, Ankara đã từ chối đón tiếp các nghị sĩ Đức đến thăm căn cứ không quân này. Chính vì vậy, Đức đã đe dọa triển khai các máy bay của mình tại các căn cứ không quân khác ở Jordan và Cyprus. Cuối cùng, Đức vẫn chưa thực hiện lời đe dọa này trong khi mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tồi tệ hơn.

Thực chất mối bất hòa giữa Ankara và Berlin nằm ở sự khác biệt trong cách tiếp cận hội nhập châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan đã yêu cầu EU xóa bỏ chế độ visa và có những ưu đãi về mặt kinh tế để đối lấy việc chặn lại dòng người di cư đến từ Trung Đông. Từ nửa thế kỷ nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách gia nhập EU nhưng quan điểm của Đức và một số quốc gia châu Âu khác thể hiện thái độ không ủng hộ.

Các chính trị gia và nhà báo châu Âu đã chỉ trích kịch liệt cuộc trưng cầu  ý dân của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/6 nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan khi cho rằng chính ông Erdogan đã vi phạm dân chủ và cố gắng hợp thức hóa chế độ chuyên quyền. Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ nhất đối với Erdogan đó là phản ứng của EU và Mỹ với âm mưu đảo chính quân sự ngày 16/7/2016. Trong đó, Tướng Bekir Ercan Van, Chỉ huy căn cứ Incirlik bị tình nghi tổ chức cuộc đảo chính này, đã bị bắt giữ. Kết quả điều tra cho thấy căn cứ không Incirlik - nơi lực lượng không quân của các nước đồng minh NATO đóng quân - là sào huyệt của chiến dịch đảo chính quân sự.

Ông Erdogan đã đặc biệt tức giận với thái độ của Berlin đối với các cuộc biểu tình của người Kurd. Tháng 11/2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã ví Đức là một quốc gia tiếp tay cho chủ nghĩa khủng bố, và vào tháng 3/2017, sau khi Đức cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ có những phát biểu trước cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, ông Erdogan đã cáo buộc Đức là “quốc xã”.

Vấn đề người Kurd là một mầm mống bất hòa giữa Ankara và phương Tây, đặc biệt với Mỹ do nước này ủng hộ về mặt quân sự dành cho người Kurd tại Syria.

Ngày 1/3, tạp chí Teni Safak đã thông báo Ankara có thể yêu cầu lực lượng không quân Mỹ rời khỏi Incirlik do có sự hợp tác chặt chẽ giữa Lầu Năm Góc và Các đơn vị tự vệ nhân dân (YPG). Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa không phận đối với Mỹ.

Theo Ajdar Kourtov - Tổng biên tập tạp chí Những vấn đề chiến lược quốc gia, ông Erdogan biết rất rõ ý nghĩa quan trọng của căn cứ không quân đối với các nước đồng minh NATO và ông đang sử dụng sự hiện diện của lực lượng không quân của phương Tây tại Incirlik vào mục đích chính trị.

Ông Kourtov nhận xét “ông Erdogan đang mặc cả với Mỹ và EU. Khi ông Erdogan nghe thấy những sự chỉ trích nhằm vào mình hoặc nhận được những thông tin về việc một số nước có sự định giúp đỡ người Kurd, ngay lập tức có thông báo về việc Ankara sẵn sàng đóng cửa Incirlik đối với các đồng minh. Tình huống hiện nay với Đức đang khẳng định điều này không chỉ diễn ra một lần”.

Ông Kourtov cũng cho rằng cuối cùng ông Erdogan sẽ không quyết định yêu cầu Berlin hoặc Washington phải rời khỏi căn cứ không quân này bởi vì “tình đoàn kết châu Âu - Đại Tây Dương” tiếp tục đóng vai trò hàng đầu đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, không nên quên rằng Ankara nhận được tiền khi cho sử dụng căn cứ này. Những phát biểu của ông Erdogan chỉ mang tính chính trị. Ông Erdogan muốn duy trì các nước đồng minh dưới áp lực, đồng thời tăng cường hình ảnh của một nhà lãnh đạo có sức mạnh trong mắt người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

TTXVN/Tin Tức
Tiết lộ bất ngờ về nơi cất giữ  70 quả bom hạt nhân của Mỹ
Tiết lộ bất ngờ về nơi cất giữ 70 quả bom hạt nhân của Mỹ

Ở nơi này, người dân đã bỏ phiếu phản đối năng lượng hạt nhân tại cuộc trưng cầu ý dân năm 2011, nhưng vẫn có khoảng 70 quả bom hạt nhân của Mỹ được cất giữ tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN