Quân đội Mỹ đang bao vây Trung Quốc với một chuỗi các căn cứ không quân và cảng quân sự tại Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 20/8. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Không quân Mỹ đang có kế hoạch thuê 33 mẫu đất trên đảo Saipan – một hòn đảo nhỏ bé ở tây Thái Bình Dương vốn là một căn cứ không quân cũ thời Chiến tranh Thế giới II - trong 50 năm tới để xây dựng một "sân bay trung chuyển".
Saipan có lẽ được sử dụng cho các máy bay phản lực của Mỹ trong trường hợp “quá cảnh” đến các siêu căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam "hay trong trong trường hợp các sân bay khác ở Tây Thái Bình Dương khác bị hạn chế hoặc bị từ chối".
Cụ thể, Không quân Mỹ muốn mở rộng sân bay quốc tế hiện tại Saipan để chứa hàng hóa, máy bay chiến đấu và máy bay tiếp dầu, các thiết bị quân sự cùng với lực lượng hỗ trợ lên đến 700 người phục vụ cho "đồn trú, tập trận chung, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai".
Kế hoạch thuê và mở rộng sân bay cũ này là một phần của chiến lược mới với quy mô lớn của Lầu Năm Góc trong thế kỷ 21, được gọi là Air-Sea Battle (Chiến trận Không – Biển), một khái niệm mà trên danh nghĩa là sự kết hợp giữa lực lượng hải quân và không quân để chọc thủng hệ thống phòng thủ ngày càng kiên cố của các quốc gia như Trung Quốc hay Iran.
Nghe có vẻ như một chiến lược vô hình - và thật sự mà nói, chiến lược này vẫn còn trong giai đoạn khái niệm. Nhưng một phần rất cụ thể của khái niệm này đang được thực hiện ở Thái Bình Dương.
Một phần quan trọng không thể bỏ qua của chiến lược này là tác chiến tại những căn cứ nhỏ, có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng tại Thái Bình Dương và có thể phân tán lực lượng trong trường hợp các căn cứ chính bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo của đối thủ.
Vị trí các căn cứ quân sự của Mỹ xung quanh Trung Quốc tại Thái Bình Dương. Ảnh: FP. |
Ngoài Saipan, Không quân Mỹ cũng có kế hoạch đưa tàu sân bay triển khai thường xuyên tại các căn cứ khác nhau, từ Australia đến Ấn Độ như một phần của việc tăng cường hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương.
Các kế hoạch này bao gồm việc đồn trú luân phiên tại căn cứ quân sự Darwin và Tindal của Australia, căn cứ không quân Đông Changi tại Singapore, căn cứ không quân Korat ở Thái Lan, Trivandrum ở Ấn Độ, và có thể sắp tới là Cubi Point và Puerto Princesa của Philippines cũng như các sân bay ở Indonesia và Malaysia, theo một viên tướng không quân cấp cao Mỹ tiết lộ hồi tháng trước.
Tướng Herbert "Hawk" Carlisle, Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương nói rằng nước này đang có kế hoạch triển khai tàu chở dầu, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom từ các căn cứ ở Nam Thái Bình Dương và Tây Nam Á đến các căn cứ như Tinian và Saipan. "Chúng ta sẽ không xây dựng thêm căn cứ mới ở Thái Bình Dương để tăng cường hỗ trợ sự hiện diện của không quân Mỹ ở đó, chỉ cần mở rộng sân bay hiện có và nâng cấp các sân bay bị bỏ rơi như Saipan và Tinian”, tướng Carlisle nói.
Tuyên bố của Mỹ về việc nâng cấp sân bay Saipan thành căn cứ quân sự được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đang có chuyến công du đến Washington hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Tuy nhiên, chủ đề về các căn cứ quân sự của Mỹ đã không được đưa ra trong cuộc họp báo chung giữa hai lãnh đạo cao cấp nhất của quân đội hai nước Mỹ - Trung Quốc ngày 20/8.
Khi trả lời về việc Mỹ tăng cường tập trung lực lượng quân sự trên Thái Bình Dương, tướng Thường Vạn Toàn nói: "Trung Quốc là một quốc gia yêu chuộng hòa bình. Và chúng tôi hy vọng rằng chiến lược [của Mỹ] không nhằm vào một quốc gia cụ thể trong khu vực".
Công Thuận(Theo FP)