Đầu tháng 8, trong lúc rạn nứt giữa hai nước láng giềng ngày càng lớn, Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng”, gồm 27 quốc gia được ưu tiên thương mại, khiến các lô hàng Nhật Bản trước khi xuất sang Hàn Quốc phải được phê duyệt nghiêm ngặt. Hàn Quốc cũng đáp lại bằng tuyên bố sẽ loại Nhật Bản khỏi bản danh sách tương tự.
Các công ty phải gánh những hậu quả rõ ràng nhất của căng thẳng thương mại Nhật - Hàn sẽ là các tập đoàn gia đình như Samsung, LG và Huyndai - được gọi là chaebol theo tiếng Hàn - vốn từ lâu được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu.
Theo tờ Nikkei Asian Review, mặc dù sẽ chịu những nỗi đau ngắn hạn từ cuộc chiến thương mại ở cấp độ doanh nghiệp và vĩ mô, nhưng trong dài hạn, các chaebol Hàn Quốc có thể sẽ dễ dàng hơn để vượt qua bão táp thương mại, ngay cả khi những căng thẳng như vậy trở thành một đặc điểm vĩnh viễn của thương mại toàn cầu.
Tự do thương mại và thời hoàng kim của các gia tộc tài phiệt Hàn Quốc
Từ những năm 1970, nhiều ngành công nghiệp Hàn Quốc đã bắt đầu bằng cách tìm một thị trường thích hợp ở cuối chuỗi giá trị và thay thế hàng nhập khẩu từ Nhật Bản bằng các sản phẩm địa phương.
Cuối cùng, được sự hỗ trợ của chính phủ dưới dạng các khoản vay chính sách, trợ cấp và một đồng nội tệ có tỉ giá thấp, các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đã ráo riết theo đuổi những ngành công nghiệp như ô tô, máy móc và công nghệ thông tin. Lợi thế chi phí thấp, cùng với việc cải thiện chất lượng, đã tạo ra những "người khổng lồ" như Samsung, Hyundai và LG.
Sự tăng giá mạnh mẽ của đồng Yen Nhật so với đồng Won Hàn Quốc từ những năm 1980 đã hoạt động như một máy gia tốc thúc đẩy các thương hiệu Hàn Quốc thiết lập vị thế của họ trong nền thương mại toàn cầu.
Trong thời gian đó, các tập đoàn Hàn Quốc thường bị cáo buộc sao chép các sản phẩm Nhật Bản và vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vấn đề này hiếm khi gây ra sự quan tâm toàn cầu vì thị phần thương mại toàn cầu của Hàn Quốc khi đó không đe dọa đối với các quốc gia khác.
Nhưng các tập đoàn tài phiệt gia đình đã không thoát khỏi sự chú ý ở trong nước. Kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in đắc cử hai năm trước, các tập đoàn này đã chịu sự giám sát chặt hơn của chính phủ vì quyền lực thống trị của họ đối với nền kinh tế. Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu Ủy ban Công bằng Thương mại xử phạt nặng các hành vi của các tập đoàn tài phiệt về giá cả, tuyển dụng và giao dịch nội bộ.
Tình trạng bị “soi” là một trong những lý do dẫn đến sụt giảm đầu tư của các tập đoàn. Dự báo tăng trưởng GDP 2019 hồi đầu năm là 2,8% đang có xu hướng giảm xuống mức thấp nhất là 1,8%, theo một số nhà kinh tế.
Chuyển áp lực thành sức mạnh
Nhưng hiện tại, khi Nhật Bản đang áp dụng kịch bản chiến tranh thương mại Mỹ-Trung - đưa Hàn Quốc vào danh sách đen, cắt giảm chuỗi cung ứng, cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ - thì áp lực từ cuộc đối đầu này có thể lại giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa chính quyền Seoul và các tập đoàn lớn.
Tổng thống Moon gần đây đã lên tiếng rằng Hàn Quốc cần theo đuổi đường lối độc lập khỏi hàng hoá nhập khẩu từ Nhật Bản.
Trên thực tế, căng thẳng Nhật Bản - Hàn Quốc đã nhanh chóng nâng cao ý thức cho người Hàn Quốc và các tập đoàn lớn của nước này về tinh thần tự lập tối đa. Trong vài thập kỷ qua, các tập đoàn đã rơi vào tâm lý tự mãn rằng - với toàn cầu hóa và thương mại tự do - kỷ nguyên của các hiệp định thương mại đa quốc gia là vĩnh viễn và không thể đảo ngược.
Nhưng các sự kiện gần đây đã làm lung lay suy nghĩ đó, khi thương mại và chính trị đã đan xen, dẫn đến một tương lai bất ổn. Bất chấp các cuộc đàm phán, thương mại toàn cầu đang chuyển từ một nền tảng đa phương sang các lớp thỏa thuận song phương được tổ chức lại bởi sự liên kết chính trị.
Các công ty lớn của Hàn Quốc như Samsung và Hyundai hiện tại duy trì chính sách không phụ thuộc vào một nhà cung cấp cho bất kỳ bộ phận, linh kiện nào. Do áp lực từ các cuộc chiến thương mại, họ càng tăng cường chính sách này và hướng tới sự độc lập cao hơn.
Một điểm yếu của các tập đoàn lớn Hàn Quốc giờ đây có vẻ như là một thế mạnh. Trong nhiều thập kỷ, các tập đoàn gia đình Hàn Quốc bị chỉ trích vì cấu trúc nhóm đa dạng, trải rộng và tích hợp theo chiều dọc thay vì tập trung nguồn lực vào các phân khúc mà họ có khả năng cạnh tranh cốt lõi.
Tuy nhiên, những căng thẳng thương mại gần đây cho thấy lợi ích của việc có càng nhiều nguồn lực ngay “trong nhà” càng tốt. Cuộc chiến thương mại thậm chí có thể còn dẫn đến một loạt các thương vụ mua lại của các tập đoàn lớn để tìm kiếm sự kiểm soát lớn hơn đối với chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, việc theo đuổi tự cung tự cấp chắc chắn sẽ có những hậu quả tiêu cực trong ngắn hạn, trong đó rủi ro nằm ở tình trạng giảm chất lượng hoặc năng lực do việc chuyển đổi nhà cung cấp.
Một ảnh hưởng tiêu cực khác sẽ là sự thất vọng của các nhà đầu tư muốn các chaebol giải phóng việc tích trữ tiền mặt của họ thông qua cổ tức. Trong hơn một thập kỷ qua, các công ty của Hàn Quốc đã tích trữ tiền mặt và khiến các nhà đầu tư thiểu số không hài lòng về lợi tức cổ đông và quản trị doanh nghiệp kém.
Với việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại và tương lai không ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu, ít có khả năng các tập đoàn tài phiệt gia đình Hàn Quốc sẽ áp dụng văn hóa cổ tức trong những năm tới. Thay vào đó, sự bất ổn của chiến tranh thương mại sẽ khuyến khích họ tích trữ thêm tiền mặt.
Trong hai năm qua, Tổng thống Moon Jae-in đã theo đuổi các chính sách ưu tiên công bằng xã hội so với tăng trưởng kinh tế. Nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại và xung đột thương mại gia tăng với Nhật Bản có thể làm điểm tựa cho các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Với việc ông Moon kêu gọi "tự cung tự cấp" và nhấn mạnh tầm quan trọng của những "người khổng lồ" Hàn Quốc, lợi ích của chính phủ và các tập đoàn lớn sẽ xích lại gần nhau hơn trong những tháng tới.