“Canh bạc” thành công của ông Tsipras

Trở lại nắm quyền giống như vừa vượt qua "canh bạc mạo hiểm", ông Tsipras có cơ hội củng cố được quyền lực, bắt tay vào thực hiện các cải cách khắc nghiệt.


Lãnh đạo Đảng Syriza Alexis Tsipras phát biểu trước những người ủng hộ sau khi kết quả bầu cử được công bố tại thủ đô Athens ngày 20/9. Ảnh: Reuter/ TTXVN


Đảng cánh tả Syriza của nhà lãnh đạo Alexis Tsipras đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Hy Lạp. Trở lại nắm quyền giống như vừa vượt qua "canh bạc mạo hiểm", ông Tsipras có cơ hội củng cố được quyền lực, bắt tay vào thực hiện các cải cách khắc nghiệt theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ông Alexis đã xác nhận thông tin đảng Syriza sẽ một lần nữa liên minh với đảng Người Hy Lạp Độc lập (ANEL) theo chủ nghĩa dân tộc. Liên minh Syriza - ANEL sẽ chiếm khoảng 155 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hy Lạp, một con số tuy mong manh nhưng vừa đủ để giúp ông Tsipras thực hiện các kế hoạch cải cách của mình.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem là các nhà lãnh đạo đầu tiên ở châu Âu chúc mừng thắng lợi của ông Tsipras.

"Canh bạc của ông Alexis Tsipras đã thành công", đó là nhận định chung của nhiều nhà phân tích, trong bối cảnh ông đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Trong 7 tháng cầm quyền ngắn ngủi trước đó, ông Tsipras đã nỗ lực đưa Hy Lạp chống lại các yêu cầu của chủ nợ nhằm tìm kiếm một thỏa thuận có lợi hơn cho người dân nước này, nhưng cuối cùng ông đã phải thất hứa với đông đảo cử tri, chấp nhận các yêu cầu khắt khe của các chủ nợ quốc tế để Hy Lạp thoát khỏi vỡ nợ và tránh được nguy cơ ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua cho thấy nhiều người dân Hy Lạp vẫn tin tưởng vào sự lựa chọn của ông Tsipras. Rõ ràng, ngay cả khi nhà lãnh đạo này đã "bội ước", nhiều cử tri vẫn tin rằng những điều ông làm rất trung thực và hoàn toàn vì lợi ích của người dân - điều mà họ không tìm thấy ở những nhà lãnh đạo tiền nhiệm, những người bị cho là mục ruỗng vì tham nhũng và tư lợi cá nhân.

Với thắng lợi vừa giành được, ông Tsipras sẽ trở lại ghế thủ tướng với một vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Syriza chống lại thỏa thuận mà ông đã ký với các chủ nợ.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước sẽ còn rất gian nan khi Hy Lạp phải thực hiện những cải cách khắt khe, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Lương hưu bị cắt giảm, thuế dịch vụ, thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp sẽ tăng lên, kèm theo đó là thêm nhiều người sẽ mất việc làm.

Với khoản giải ngân đầu tiên 23 tỷ euro vừa có được hồi tháng trước, Hy Lạp đã kịp trả được khoản nợ đến hạn 3,5 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và tái cấp vốn cho các ngân hàng đang cạn kiệt tiền mặt. Dù thừa nhận gói cứu trợ mới không phải là "liều thuốc thần kỳ", nhưng theo nhà lãnh đạo 41 tuổi này, nó sẽ giúp Hy Lạp giảm được nợ công, đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa, cải thiện mối quan hệ lao động và đặc biệt giải quyết những khoản nợ đọng của các ngân hàng.

Vào tháng 10 tới, các chủ nợ sẽ có cuộc đánh giá đầu tiên về những bước đi ban đầu của Hy Lạp theo thỏa thuận mới đổi cứu trợ lấy cải cách. Sau đó, chính phủ mới sẽ nhận thêm khoản giải ngân 3 tỷ euro. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải bãi bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát vốn được áp đặt từ hồi tháng 6 vừa qua khi người dân ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng, đồng thời phải hoàn tất các thủ tục về tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Ngoài ra, chính phủ mới cũng sẽ phải đối phó với mối lo ngại mới từ dòng người di cư đang tràn vào Hy Lạp. Ở biên giới phía Đông của EU, Hy Lạp là cửa ngõ chính cho hàng trăm nghìn người di cư tiến vào Liên minh châu Âu. Khủng hoảng kinh tế và gánh nặng của dòng người di đổ vào nước này chắc chắn sẽ gây ra những sức ép rất lớn đối với ông Tsipas.

Sau cuộc bầu cử ngày 20/9, người dân Hy Lạp dường như đã kiệt sức bởi đây là cuộc bầu cử thứ ba chỉ trong vòng một năm qua và là cuộc bầu cử thứ 5 kể từ năm 2010 khi “căn bệnh” nợ công bắt đầu phát tác. Ông Tsipras từng nhấn mạnh cuộc bầu cử lần này là cơ hội để truyền tải một “thông điệp quan trọng” đến châu Âu rằng người dân Hy Lạp phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và chống lại sự thao túng của những nước giàu có.

Trần Thanh Bình (TTXVN)
Những thách thức của Hy Lạp sau tổng tuyển cử
Những thách thức của Hy Lạp sau tổng tuyển cử

Chính phủ Hy Lạp mới đang đứng trước những thách thức khi vừa phải lèo lái nền kinh tế ốm yếu với món nợ khổng lồ, vừa phải xây dựng lòng tin với nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN