Iran vẫn tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân của mình. Điều này chứng tỏ các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Iran đã không gây được áp lực cụ thể mà chỉ tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân, trong khi các nỗ lực ngoại giao cũng không kìm hãm được chương trình nguyên tử mà quốc gia Hồi giáo này đang theo đuổi.
Trong bối cảnh các bên đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc đàm phán mới trong tháng 2/2013, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cuộc đối đầu giữa Iran và cộng đồng quốc tế xung quanh vấn đề hạt nhân đã lên tới đỉnh điểm.
Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận hải quân mang tên "Velayat 91", ngày 1/1/2013. Ảnh: THX/TTXVN |
Trên lý thuyết, Iran có thể nhượng bộ. Nhưng vì nước này khăng khăng rằng tất cả các hoạt động hạt nhân của họ đều vì mục đích hòa bình và tuân thủ các điều luật quốc tế, nên có lẽ họ sẽ chỉ tiếp tục nhắc lại chỉ đạo của Đại giáo chủ nước này là Têhêran không được sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời hối thúc quốc tế chấm dứt các lệnh trừng phạt. Do vậy, vòng đàm phán sắp tới chắc sẽ lại thất bại trong khi quốc tế ngày càng bị gây áp lực buộc phải có hành động quân sự nhằm ngăn chặn Têhêran trở thành một cường quốc vũ khí hạt nhân.
Các bên đều muốn đối phương có sự nhượng bộ tại bàn đàm phán dự kiến diễn ra vào ngày 25/2 tới ở Cadắcxtan. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ cả hai đều muốn đối phương là người nhượng bộ trước.
Đối với nhóm P5+1 - gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng Đức - trách nhiệm thuộc về Iran. Họ yêu cầu Têhêran ngừng quá trình làm giàu urani ở mức 20% - gần với mức được sử dụng để chế tạo đầu đạn hạt nhân. Bởi vậy P5+1 muốn Iran chuyển kho urani đã làm giàu đến 20% ra khỏi đất nước, đồng thời yêu cầu quốc gia Hồi giáo này đóng cửa căn cứ Fordo - một boong-ke tránh bom ngầm nơi Iran sử dụng để làm giàu urani ở cấp 20%. Chỉ sau khi Iran thực hiện các yêu cầu này, P5+1 mới chấp nhận thảo luận về khả năng giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa và giao dịch tài chính của Iran.
Tuy nhiên, Iran khẳng định rằng họ chỉ làm giàu urani để làm nguyên liệu cho các lò phản ứng, cũng như phục vụ các chương trình khoa học và y tế - một quyền lợi mà tất cả các quốc gia khác được hưởng. Iran phủ nhận cáo buộc họ có tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, và cho rằng việc HĐBA yêu cầu Têhêran ngừng làm giàu urani là hành động vô lý và tất cả các biện pháp trừng phạt của LHQ cũng như của các quốc gia khác là bất hợp pháp. Têhêran muốn có một sự đảm bảo rằng chí ít tất cả các biện pháp trừng phạt không phải của LHQ được dỡ bỏ, nếu họ đưa ra các cam kết dù là nhỏ nhất đối với hoạt động làm giàu urani.
Trước thềm các cuộc gặp sắp tới, có vẻ như không bên nào có các đề xuất mới hơn so với những gì đã được đưa ra trong cuộc đàm phán trước đó vào tháng 6/2012 tại Mátxcơva. Thậm chí, triển vọng đàm phán thành công có vẻ còn u ám hơn bởi tuyên bố gần đây của Iran, khẳng định họ sẽ đẩy nhanh hoạt động làm giàu urani, và cùng với đó là một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 6/2 tới. Trước khi các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có hiệu lực, doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Iran đã sụt giảm 45% so với trước đây. Điều này cùng với các hạn chế khắt khe đối với quyền tham gia hệ thống ngân hàng quốc tế đã khiến đồng nội tệ rial của Iran hiện đang mất giá 45% so với năm 2012.
Iran có thể làm giàu urani ở mức đủ để sản xuất được một vũ khí hạt nhân trong vòng nửa năm tới, mặc dù các nhà phân tích cho rằng sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để Iran thực sự chế tạo được một vũ khí hạt nhân hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama có lẽ sẽ chỉ có một hoặc hai năm để quyết định xem liệu Iran có thực sự đang bắt tay vào việc chế tạo vũ khí hạt nhân, hay họ chỉ mới đạt tới khả năng để làm điều này. Nếu thực tế rơi vào trường hợp thứ hai, Tổng thống Obama sẽ phải cân nhắc xem liệu Iran có "bằng lòng" với việc chỉ trở thành "một mối đe dọa" và liệu Mỹ có thể chấp nhận điều này hay không.
Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, cho rằng để các biện pháp ngoại giao có hiệu quả và thành công, "cả hai phía cần nỗ lực và linh hoạt hơn nữa để tiến tới một giải pháp bền vững. Có vẻ như Iran chưa có đủ các nguyên liệu cần thiết để xây dựng một kho hạt nhân quy mô, song khả năng của họ đang ngày một gia tăng".
Một Iran đủ khả năng chế tạo bom hạt nhân có thể sẽ không dấn bước thêm vào tham vọng này. Iran có thể đi theo mô hình của Nhật Bản - một quốc gia có đủ phương tiện kỹ thuật hạt nhân, bao gồm cả khả năng tạo ra các nguyên liệu cấu thành đầu đạn hạt nhân, song nước này đã ngừng các hoạt động chế tạo vũ khí. Và điều này đã biến Nhật Bản đã trở thành một cường quốc hạt nhân trên thực tế, song lại không thực sự sở hữu hoàn chỉnh thứ vũ khí đe dọa này.
Lời tuyên bố gần đây của Lãnh tụ tinh thần Iran là Đại Giáo chủ Ali Khamenei khẳng định đạo Hồi cấm các loại vũ khí hạt nhân có thể là một cách nhấn mạnh về các mục tiêu hạt nhân của Iran, nghĩa là họ sẵn sàng để lắp ráp vũ khí hạt nhân nhưng chỉ thực sự làm vậy nếu bị đe dọa.
TTK (Theo AP)