Lãnh đạo cánh tả của Italia, ông Pier Luigi Bersani, hôm 26/2 thừa nhận rằng ông "dẫn đầu song không giành chiến thắng" trong cuộc tổng tuyển cử. Ông cũng kêu gọi các đảng phái khác giúp ông tiến hành cải cách trong bối cảnh thế bế tắc chính trị làm chao đảo các thị trường.
Ông Pier Luigi Bersani phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Rôma sau bầu cử ngày 26/2. |
Ông Bersani cũng tuyên bố rằng, cuộc biểu tình chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng khổng lồ đã đẩy quốc hội Italia vào tình thế bế tắc đồng thời là lời cảnh báo cho những nhà lãnh đạo trên khắp châu lục: "Đây cũng chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho châu Âu". Trong bài phát biểu đầu tiên sau cuộc bầu cử, ông Bersani cho biết: "Chúng ta nhận thức được rằng chúng ta đang ở trong hoàn cảnh nguy kịch và chúng ta có thể nhận thức được những rủi ro mà Italia đang phải đối mặt".
Kết quả cuối cùng của cuộc tổng tuyển cử hôm 24/2 cho thấy liên minh của Bersani đã giành chiến thắng ở Hạ viện, còn tại Thượng viện, không đảng nào giành được đa số ghế. Để thành lập một chính phủ mới, một chính đảng hoặc một liên minh phải đạt được đại đa số ghế ở cả 2 viện trong quốc hội. Điều này khiến Italia rơi vào tình trạng bế tắc chưa từng xảy trong lịch sử sau Thế chiến Thứ II với một quốc hội mà tại đó không có đảng nào chiếm đa số ghế.
Ông Bersani đã kêu gọi các đảng phái khác nhằm đạt được thỏa thuận về những cải cách cơ bản mà tất cả đều nhất trí - như cắt giảm chi tiêu chính phủ, cải cách thị trường lao động và trợ cấp cho những người nghèo nhất Italia trong khi đất nước đang trải qua cuộc khủng hoảng kéo dài nhất trong 2 thập kỷ qua. Các nhà phân tích cho rằng đề nghị này của ông Bersani có thể được xem là lối thoát cho Phong trào 5 Sao (M5S) của cựu danh hài Beppe Grillo, đảng giành được khá nhiều số ghế ở cả 2 viện. Theo Hiến pháp Italia, quốc hội phải họp trong vòng 20 ngày sau bầu cử, sau đó sẽ chính thức hội ý với Tổng thống Giorgio Napolitano về việc thành lập chính phủ mới.
Trong khi đó, các nước châu Âu khác cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại. Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia Margallo nói: "Kết quả bầu cử báo trước điềm xấu cho cả Italia lẫn châu Âu". Ủy ban châu Âu cho biết họ đã lắng nghe "những mối bận tâm" từ các cử tri Italia, nhưng vẫn hy vọng rằng nước này vẫn giữ cam kết cắt giảm ngân sách và cải cách kinh tế. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy tỏ ra lạc quan hơn, ông nói: "Rõ ràng là vẫn còn khả năng các nhà lãnh đạo thỏa hiệp và tiếp tục những công việc của năm trước".
Các cường quốc châu Âu như Đức và Pháp cũng có phản ứng lo lắng. Bộ trưởng Tài chính Đức Guido Westerwelle kêu gọi thành lập một chính phủ mới "càng sớm càng tốt". Ông nói: "Các chính trị gia ở Rôma biết rằng Italia vẫn cần một chính sách cải cách, một chính sách của sự thống nhất (về ngân sách)".
Giới phân tích cho rằng sẽ có hai sự lựa chọn - phái trung tả sẽ thành lập liên minh lỏng lẻo với M5S tại Thượng viện, hoặc một chính phủ khẩn cấp để thông qua các cải cách quan trọng và kêu gọi bầu cử mới. James Walston, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại trường Đại học Mỹ ở Rôma, nói: "Một đất nước đang rất cần sự ổn định sẽ không thành lập một chính phủ chỉ tồn tại trong hơn vài tháng".
TTK