Báo "Bưu điện Tài chính" (Canađa) số ra mới đây cho biết, mặc dù không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (nhóm BRIC)....
Với tư cách các cường quốc đang nổi lên và các động cơ tăng trưởng kinh tế, nhưng ngay cả nhà kinh tế Jim O’Neill thuộc tập đoàn Goldman Sachs Group Inc., cha đẻ của thuật ngữ "BRIC", cũng cho rằng đã đến lúc các nhà đầu tư không nên chỉ tập trung vào BRIC, mà nên mở rộng sang các nền kinh tế thuộc "Câu lạc bộ 7%".
Khái niệm "Câu lạc bộ 7%" xuất phát từ công ty Standard Chartered Plc, khi họ lập danh sách các nền kinh tế đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trên 7% trong một thời gian nhất định, và tất nhiên trong danh sách này có Trung Quốc và Ấn Độ.
Quan trọng hơn, bản chất của việc lập nhóm này cho phép tận dụng sự năng động rất cần thiết tại châu Á, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Đây là một sự khích lệ các nước như Việt Nam, Inđônêxia, Mông Cổ, Bănglađét và Campuchia cố gắng nhiều hơn để có thể được kết nạp vào "Câu lạc bộ 7%".
Theo John Calverley, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu thuộc Standard Chartered, tiêu chí gia nhập câu lạc bộ này không có gì phức tạp: Các thành viên có thể gia nhập hoặc bị khai trừ tùy thuộc vào thành tích kinh tế vĩ mô của họ.
Các nước có thu nhập cao thường có khuynh hướng đảm bảo sự tăng trưởng bền vững tốt hơn các nước nghèo. Cũng dường như các nước đang phát triển lại nhiệt tình thúc đẩy tăng trưởng hơn là cắt giảm lượng khí thải cácbon.
Do vậy, vấn đề của tăng trưởng nhanh hơn là các nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 7%/năm thì có thể tăng gấp đôi quy mô sau mỗi thập kỷ và tăng gấp hơn 4 lần trong một thế hệ.
Sau ba thập kỷ đạt mức tăng trưởng này, một nền kinh tế có thể có quy mô lớn gấp đôi một nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 5%. Ông Calverley đã dẫn các kinh nghiệm của Trung Quốc, Hồng Công, Inđônêxia, Nhật Bản, Malaixia, Xinhgapo, Hàn Quốc và Thái Lan trong 50 năm qua.
Các nhà đầu tư đang học cách để phân biệt giữa các nền kinh tế đang đi đúng hướng với những nền kinh tế cũng đạt mức tăng trưởng 7% khác. Inđônêxia và Philíppin là một ví dụ điển hình. Các khoản đầu tư dài hạn đang được đổ vào Inđônêxia, bởi vì chính phủ đang tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm bớt tham nhũng và thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
Các nhà đầu tư thường ít ưa chuộng Manila hơn Giacácta. Hiện vẫn còn sự nhận thức rụt rè về Philíppin do cho rằng các nhà hoạch định chính sách nước này cần phải cải cách một hệ thống kinh tế đã bị bỏ bê trong nhiều thập kỷ.
Mặt hàng xuất khẩu chính của Philíppin chính là những người lao động của nước này. Số tiền mà những người lao động ở nước ngoài gửi về nước chiếm tới hơn 10% nền kinh tế Philíppin.
Đây không phải là một dấu hiệu tốt. Nhưng trên thực tế, Philíppin đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn Inđônêxia, 7,1%/năm so với 6,9%/năm. Và lý do khiến Inđônêxia nổi tiếng hơn Philíppin là do nhiều người cho rằng nước này có tiềm năng lớn hơn nhiều so với Manila.
Trở lại khái niệm BRIC. GDP của Nga cao gấp đôi của Inđônêxia, nhưng Nga luôn bị coi là một cơ hội kinh doanh ít hứa hẹn hơn. Nga là một thành viên đáng tự hào của BRIC; còn người ta không biết trao cho Inđônêxia danh hiệu gì.
Một số người đưa ra luận cứ tương tự về Braxin. Mặc dù nước này đạt thành tích tăng trưởng cao trong thập kỷ qua, nhưng liệu những thay đổi cơ cấu có đưa Braxin lên mức phát triển mới khả thi? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.
Như vậy là xuất hiện khả năng những cường quốc mới nổi nhưng nằm ngoài BRIC. Một số người đã đề xuất việc mở rộng nhóm này để kết nạp thêm Nam Phi, Inđônêxia, Hàn Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ, biến BRIC thành BRICS, BRIIC, BRICK hay BRICT.
Nhưng điều này không giúp các nhà đầu tư biết rõ hơn việc nên đầu tư vào đâu và vào những ngành gì. Báo “Bưu điện tài chính” cho rằng, đã đến lúc suy nghĩ về bức tranh lớn hơn của các thị trường đang nổi lên. "Câu lạc bộ 7%" có thể là một khởi đầu tốt.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)