Cựu Ngoại trưởng Boris Johnson và đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt đã công kích nhau trực tiếp trên một loạt các vấn đề, từ quan điểm về tính cách, tham vọng cá nhân cho đến mối quan hệ với đồng minh đặc biệt Mỹ, và quan trọng nhất là cách thức đưa nước Anh thoát khỏi bế tắc chính trị hiện tại xoay quanh Brexit.
Nếu cuộc chạy đua thực sự được quyết định bởi kết quả tranh luận trên truyền hình, thì Ngoại trưởng Jeremy Hunt hoàn toàn có cơ hội trở thành chủ nhân mới của "nhà số 10 phố Downing" thay thế bà Theresa May chèo lái con thuyền Brexit và đưa nưowsc Anh thoát khỏi tình trạng hiện tại. Ở giai đoạn đầu của cuộc đua trong nội bộ đảng Bảo thủ, đã có những thông tin dạng “thuyết âm mưu” cho rằng phe ủng hộ ứng cử viên Boris Johnson đánh giá Bộ trưởng Môi trường Michael Gove mới là đối thủ đáng gờm hơn ông Jeremy Hunt trong giai đoạn cuối cùng.
Do đó, phe ủng hộ cựu Ngoại trưởng Johnson đã dồn phiếu cho ứng cử viên Hunt để loại bỏ ông Gove trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng của các nghị sĩ Bảo thủ tại hạ viện. Tuy nhiên, nếu tính toán tinh vi trên mà có thật, thì sau màn tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 9/7, hẳn những nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ ông Johnson đã phải "thót tim" chứng kiến ứng cử viên Jeremy Hunt tỏ ra sắc sảo đến thế nào khi dồn ép cựu Ngoại trưởng trong từng vấn đề cụ thể.
Nếu chỉ xét trên từng màn “giao chiến” riêng lẻ, từ vấn đề quan hệ tương lai với Mỹ cho đến đường hướng giải quyết Brexit với Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh hạn chót 31/10/2019 đang đến rất gần, đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt đều chứng tỏ mình nắm rõ vấn đề và chuẩn bị rất cẩn thận, trong khi sự hoạt ngôn cũng không đủ giúp đối thủ của ông này là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson giấu đi được sự thiếu nhất quán và mơ hồ về quan điểm cũng như cương lĩnh tranh cử của mình trong các nội dung tranh luận.
Nhưng thực tế thì các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, ít nhất là tại Anh, hầu như không có tác động thực sự đến các cuộc bầu cử như truyền thông vẫn kỳ vọng. Công chúng Anh có thể quan tâm theo dõi màn thể hiện của hai ứng cử viên trên truyền hình và sau tối 9/7, nhiều người từng ủng hộ ông Boris Johnson rất có thể sẽ nhận thấy ông Jeremy Hunt, với quan điểm sắc sảo và tính cách ôn hòa, mới là sự lựa chọn an toàn hơn cho nước Anh. Tuy nhiên, 160.000 đảng viên Bảo thủ trên toàn quốc, chỉ chiếm chưa đầy 0,25% dân số Anh, mới là những người quyết định ai sẽ trở thành lãnh đạo mới của đất nước.
Hầu hết các đảng viên Bảo thủ đều đã nhận được lá phiếu của mình qua đường bưu điện từ vài ngày trước và rất nhiều trong số đó có lẽ đã kịp điền tên ứng cử viên mà họ ủng hộ. Ông Boris Johnson và ông Jeremy Hunt sẽ còn một cuộc tranh luận khác trên truyền hình vào cuối tuần tới với hình thức lần lượt trả lời những câu hỏi phỏng vấn của một người dẫn chương trình, nhưng có lẽ kết quả cuộc bỏ phiếu đã an bài từ trước khi các lá phiếu được gửi đi cuối tuần trước. Tính cách hoặc quan điểm của ông Johnson, cả điểm mạnh và điểm yếu, như thế nào thì chắc chắn không còn là điều lạ lẫm với các đảng viên Bảo thủ, nên khó có khả năng một hoặc hai cuộc tranh luận trên truyền hình có thể làm thay đổi sự ủng hộ mà ông Boris Johnson có được.
Ông Johnson dù sao cũng thể hiện rõ quan điểm ưu tiên hàng đầu cho quan hệ với Mỹ khi từ chối chỉ trích Tổng thống Donald Trump cũng như không loại trừ khả năng sẽ cách chức Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch vì bê bối “rò rỉ” điện mật với những đánh giá không hề “ngoại giao” về ông chủ Nhà Trắng. Và ông Johnson thậm chí còn làm tốt hơn đối với vấn đề then chốt nhất trong cuộc chạy đua, vấn đề Brexit, khi khẳng định rõ ràng quan điểm chấp nhận mọi rủi ro và tác động của việc rời EU mà không cần thỏa thuận sau ngày 31/10 tới.
Hầu hết các thành viên Bảo thủ, những người có quyền nắm lá phiếu quyết định, đều có quan điểm ủng hộ Brexit, và các cuộc thăm dò đều cho thấy những người này cho rằng các nguy cơ của kịch bản Brexit không thỏa thuận đã bị “phóng đại”. Liên quan cả đến Tổng thống Mỹ Donald Trump và Brexit, ông Johnson đã nhấn mạnh được quan điểm rằng chiến lược đàm phán của bà Theresa May là một “thảm họa” - một nhận định được rất nhiều đảng viên Bảo thủ ở cấp cơ sở ủng hộ mạnh mẽ.
Do vậy, xét về tổng thể, cuộc tranh luận trực tiếp tối 9/7 có thể xem như một “thắng lợi kỹ thuật” cho ông Jeremy Hunt, nhưng hầu như không làm thay đổi triển vọng kết quả bỏ phiếu được công bố sau ngày 22/7 tới. Gần như không gì có thể ngăn cản được việc cựu Ngoại trưởng Boris Johnson sẽ trở thành thủ tướng mới của nước Anh, cho dù điều này cũng ít có khả năng tạo ra được đột phá trong tiến trình Brexit hiện tại.
Việc đầu tiên của ông Boris Johnson trên cương vị Thủ tướng Anh có lẽ sẽ là tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit. Mục tiêu của ông Johnson sẽ là đặt thời hạn cụ thể - hoặc loại bỏ hoàn toàn - điều khoản về kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, một cơ chế mà EU muốn triển khai nhằm bảo đảm tránh thiết lập một biên giới cứng có trạm kiểm soát giữa Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU trên đảo Ireland, trong trường hợp Anh và EU không đạt được thỏa thuận thương mại trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, gần như chắc chắn EU sẽ không nhượng bộ yêu sách này từ phía Anh, xuất phát từ quyền phủ quyết của Cộng hòa Ireland do lo ngại sự quay trở lại của một biên giới cứng với Bắc Ireland, cũng như sự “hết kiên nhẫn” chung của EU đối với Anh.
Triển vọng Anh sẽ phải tổ chức bầu cử sớm vào ngay cuối năm 2019 hoặc 2020 đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Sau khi không đạt được những nhượng bộ như mong muốn từ phía EU, thủ tướng mới của Anh sẽ buộc phải sử dụng đến biện pháp đe dọa thực hiện Brexit không thỏa thuận sau ngày 31/10/2019.
Tuy nhiên điều này chắc chắn sẽ làm bùng lên xung đột gay gắt giữa chính phủ và hạ viện Anh. Hạ viện đã kiên quyết đòi phải có tiếng nói cuối cùng về Brexit, trong khi một loạt các cuộc bỏ phiếu thăm dò thực hiện vào tháng 4/2019 cho thấy không có nhóm đa số nào tại hạ viện ủng hộ phương án Brexit không thỏa thuận. Các nghị sĩ hạ viện, với nhiều người từng bỏ phiếu ủng hộ ông Boris Johnson làm thủ tướng, có thể sẽ bỏ phiếu thông qua điều luật nhằm ngăn chặn việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, hoặc thậm chí bãi nhiệm thủ tướng và nội các thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Trong trường hợp xảy ra đối đầu và bế tắc chính trị giữa chính phủ và hạ viện, mà cũng không có sự nhượng bộ nào từ phía EU, thủ tướng mới sẽ buộc phải tổ chức bầu cử sớm với kết quả rất khó dự báo. Các cuộc thăm dò dư luận do một loạt hãng tư vấn tại Anh thực hiện trên toàn quốc thời gian qua cho thấy tỷ lệ ủng hộ rất sát sao giữa các chính đảng. Công đảng giành được 23% ủng hộ, đảng Bảo thủ giành được 22%, đảng Brexit có 21% ủng hộ, trong khi đảng Dân chủ Tự do được 19% ủng hộ.
Khả năng nhỉnh hơn là một chiến thắng sát sao cho các đảng có chủ trương phản đối Brexit cứng (như Công đảng và Dân chủ Tự do), với sự ra đời của một chính phủ thiểu số liên minh do Công đảng lãnh đạo (với sự hậu thuẫn của đảng Dân chủ Tự do), nhưng cũng chỉ chênh lệch không lớn so với nhóm ủng hộ Brexit cứng. Chính phủ mới của Anh nếu do Công đảng lãnh đạo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về Brexit trong năm 2020, với khoảng thời gian chuẩn bị có thể kéo dài khoảng 6 tháng.
Trong trường hợp các đảng theo đường lối Brexit giành thắng lợi, với kết quả là một chính phủ liên minh giữa đảng Bảo thủ và đảng Brexit, kịch bản cao nhất vẫn là Brexit “cứng”, hay còn gọi là Brexit không thỏa thuận. Kịch bản này nhiều khả năng sẽ đẩy kinh tế Anh vào suy thoái và đe dọa dẫn đến sự đổ vỡ toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, ngay cả kịch bản Công đảng giành thắng lợi cũng gây ra những biến động lớn về chính sách đối ngoại và đối nội của Anh, với những xáo trộn nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, vì cuộc trưng cầu dân ý lần hai với khả năng đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý lần một về Brexit chắc chắn sẽ gây biến động chính trị nghiêm trọng cho nước Anh. Sự chia rẽ và bất ổn trên chính trường Anh vì Brexit sẽ kéo dài vô thời hạn.