NATO đang hướng Đông. Ảnh: Die Welt |
Nhân Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Brussels trong các ngày 15 và 16/2, tờ Die Welt (Đức) đã phỏng vấn hai cựu quan chức ngoại giao Mỹ và Đức về việc cải cách NATO và thiết lập mối quan hệ với Nga.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Jack Matlock nói: "NATO đã già cỗi? Dĩ nhiên!". Ông là một trong những đại sứ cuối cùng của Mỹ tại Liên Xô và là tác giả của một số cuốn sách viết về hồi kết của cuộc chiến tranh lạnh cũng như hậu quả của nó. Ông cho rằng NATO được thành lập "để ngăn chặn sự xâm lấn của Liên Xô cộng sản vào Tây Âu". Theo ông, nước Nga hiện nay không có khả năng đối chọi với phần còn lại của châu Âu và không thể giữ vai trò thống soái tại đây.
Matlock đại diện cho nước Mỹ tại Moskva từ năm 1987 đến 1991 và đóng vai trò then chốt trong việc làm giảm căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây dưới thời Tổng thống Ronald Reagan. Ông nói: "Sự cạnh tranh quân sự hiện nay giữa NATO và Nga khiến tôi nhớ lại trò chơi địa chính trị mà các cường cuốc đã chơi trong năm 1914. Chả lẽ các vị lãnh đạo của chúng ta không thể thuộc các bài học lịch sử?".
Khi NATO được thành lập năm 1949 thì mục tiêu của tổ chức này là không để Liên Xô tràn sang châu Âu, bảo đảm sự có mặt của Mỹ tại châu Âu và kiềm chế nước Đức. Bây giờ thì Liên Xô không tồn tại nữa, Mỹ đang xem xét lại vai trò của mình còn nước Đức thì đã trở thành thủ lĩnh không có đối thủ trong nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) và là một tay chơi toàn cầu chủ chốt trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế.
Ông Joachim Bitterlich, Đại diện Thường trực của Đức tại NATO trong thập niên 90, cho rằng người Đức vẫn chưa làm gì nhằm cưỡng lại tình trạng để cho người khác cao giọng trong vấn đề an ninh. Sự thay đổi lập trường của Mỹ về NATO có nghĩa là các nước châu Âu buộc phải tự chất lên vai mình gánh nặng quốc phòng chính yếu.
Ông Bitterlich cũng từng là cố vấn của Thủ tướng Helmut Kohl về chính sách đối ngoại. Ông cho biết: "Có thể tranh cãi lâu dài về câu nói của Trump rằng NATO "già cỗi", nhưng tôi khẳng định là tổ chức này cần được cải tổ".
Theo ý kiến của ông Bitterlich, Tổng thống Donald Trump sẽ ép các đồng minh của mình ở châu Âu tăng cường tiềm lực quân sự. Trong triển vọng trung hạn điều này sẽ dẫn đến sự hình thành trong nội bộ NATO một "nền tảng châu Âu" và sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU với NATO. Do nước Đức có quá khứ "tì vết" nên tiện nhất là để Pháp giữ vai trò dẫn dắt trong các vấn đề quân sự.
Nhiệm vụ đầu tiên của châu Âu trên phương diện này là chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Trump. Có khả năng ông sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Italy và Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Brussels vào tháng 5 tới. Sự chuẩn bị bao gồm cả việc lập ra kế hoạch cải thiện và củng cố tiềm năng quốc phòng của các nước châu Âu và các luận điểm về cấu trúc tổ chức và chỉ huy, đẩy mạnh sự chuyên nghiệp hóa và các chương trình vũ trang chung.
Ông Bitterlich nhấn mạnh: "Theo mạch suy nghĩ này thì tôi cho rằng chủ đề quân đội chung châu Âu không phải là sự ảo tưởng và câu chuyện trà dư tửu hậu. Chúng ta luôn luôn làm việc với Mỹ, chúng ta luôn luôn hợp tác với Mỹ nhưng chúng ta buộc phải tự mình gánh lấy trách nhiệm lớn hơn, mà điều này có nghĩa là cuối cùng chúng ta phải trở nên mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn".
"Chiến tranh giữa Mỹ và Nga là ý tưởng điên rồ"Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và những lời buộc tội triền miên về việc Moskva ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine gây mối lo ngại trong các nước NATO. Tháng 1 năm nay Mỹ bố trí hàng trăm xe tăng và hàng nghìn binh sĩ tại các nước Baltic, Ba Lan, Hungary và Romania để làm nhân tố kiềm chế phòng khi xảy ra "cuộc xâm lược của Nga".
Tuy nhiên, các ông Bitterlich và Matlock bác bỏ mối lo ngại rằng Nga có thể mở màn cuộc xâm lăng các nước thành viên NATO. Ông Matloc dự báo: "Nga sẽ không tấn công vào một nước láng giềng nhỏ bé đã gia nhập NATO, và Mỹ trong bất cứ bối cảnh nào cũng không nên tham gia vào một cuộc chiến tranh với Nga. Đây là ý tưởng điên rồ".
Về cuộc xung đột ở Đông Ukraine, ông nói rằng các hành động của Moskva làm tổn hại "các lợi ích đích thực của Nga". Tuy nhiên, ông cũng lại nói: "Giả sử phương Tây va Mỹ không can dự vào các sự kiện ở Ukraine trong thời gian diễn ra các cuộc Maidan thì có thể đã không có việc Nga sáp nhập Crimea, không có sự ủng hộ cuộc nổi dậy ở Donbass".
Ông Matloc cũng chỉ ra rằng việc bố trí các căn cứ quân sự của NATO trên phần biên giới phía Đông của tổ chức này đã "vi phạm tinh thần" Hiệp định Căn bản quy định quan hệ Nga – NATO, theo đó Mỹ không được triển khai quân ở Đông Âu.
Ông Bitterlich phủ định nguy cơ Nga tấn công các nước Baltic và Ba Lan. Ông nói: "Đối với Putin thì các nước Baltic không tồn tại. Thực sự là ông không hề nghĩ về khu vực này. Với Ba Lan cũng vậy". Tổng thống Nga coi vùng Caucasus và Ukraine là "giới hạn đỏ", song điều này cả Mỹ và châu Âu đều không hiểu. Theo ông, "Mỹ và châu Âu đã phạm quá nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga, không đánh giá đúng nước Nga, dồn nước này vào chân tường một cách không cần thiết".
Ông Bitterlich khẳng định, NATO đã đến lúc phải xây dựng mối quan hệ sáng suốt hơn với Moskva. Điều này sẽ không diễn ra trong một đêm. Những việc như thế đòi hỏi thời gian và hai bên đều cần giữ thể diện. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ tìm cách thiết lập mối quan hệ với Nga và đối với châu Âu tốt hơn hết cũng nên làm điều này và đi trước Mỹ.
Ông Matloc đồng tình với quan điểm này: "Châu Âu không bao giờ toàn vẹn, tự do và hòa bình nếu xa lánh Nga và biến nước này thành kẻ thù".