Người dân trèo vào chi nhánh ngân hàng Sberbank của Nga bị đốt cháy ở Lviv ngày 22/2/2016. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Kết quả là tình hình càng trở nên phức tạp hơn, theo đó, liên minh hợp pháp vẫn tồn tại, chính phủ được bổ nhiệm từ cuối năm 2014 vẫn tồn tại nhưng trên thực tế thì không còn một liên minh như trước đây, không còn lòng tin với chính phủ. Tức là không có khả năng thực thi pháp luật. Vào cuối tháng 2 vừa qua, quốc hội tuyên bố tạm nghỉ 3 tuần trong phiên họp toàn thể. Các nghị sỹ sẽ tập trung lại vào ngày 15/3.
Phe đối lập mới, bao gồm lãnh đạo phe đối lập Yulia Timoshenko, Thị trưởng tỉnh Lvov Andrey Sadovy, lãnh đạo đảng Cấp tiến Oleg Lyashko, Thống đốc Odessa Mikhail Saakashvili, tuyên bố cần phải cải cách lại bộ máy chính quyền. Tức là trong thời gian tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội trước hạn để hình thành liên minh mới, sau đó chỉ định chính phủ.
Tổng thống và thủ tướng Ukraine phản đối điều này. Ông Yatsenyuk cho rằng các cuộc bầu cử trước hạn có thể hủy hoại đất nước. Châu Âu cũng không ủng hộ ý tưởng một cuộc bầu cử trước hạn đột xuất tiếp theo. Lãnh đạo Khối Poroshenko trong quốc hội Lushenko thông báo sau khi từ Brussels trở về Kiev: “Chúng ta có 2 tuần để thành lập liên minh mới, chính phủ kỹ trị mới”. Theo lời ông này, trong vòng 2 - 3 tháng, chính phủ phải loại bỏ hoàn toàn tất cả những đại diện các đảng và các thế lực đầu sỏ chính trị nắm giữ các công ty độc quyền nhà nước, chi phối ngành thuế và kiểm soát các nguồn tài chính khác, được coi là nguồn gốc của nạn tham nhũng. Ông Lushenko giải thích những yêu cầu nghiêm túc của EU: “Tham nhũng và đầu sỏ chính trị chưa được khắc phục ở Ukraine. Không thể đàm phán về chiến lược quốc gia, nơi mà chính phủ đã mất đi sự ủng hộ của đa số quốc hội”.
Các chính trị gia ở Ukraine vẫn chưa thống nhất được cách nào thoát khỏi tình hình hiện nay. Viện trưởng Viện Chính trị Ukraine Konstantin Bondarenko nhận định một trong những phương án đang được thảo luận là hình thành một liên minh mới trong thành phần quốc hội hiện nay. Các chuyên gia không loại trừ khả năng đảng Tổ quốc và Tự lực rút lại tuyên bố rời khỏi liên minh. Nhưng điều này chỉ xảy ra nếu chính phủ cải tổ lại hoàn toàn. Ông Bondarenko cho rằng hòn đá cản đường hiện nay chính là vị trí thủ tướng. Chuyên gia này nói: “EU và Mỹ nhấn mạnh rằng Arseny Yatsenyuk vẫn phải tại vị. Sau tuyên bố của thủ tướng về dự định của ông ta bán hàng triệu hecta đất công thì có thể hiểu được tại sao những kẻ vận động hành lang ở phương Tây đang ủng hộ ông ta. Chính xác hơn, là kẻ liên quan đến tập đoàn xuyên quốc gia Monsanto. Họ cần Thủ tướng Yatsenyuk, người sẵn sàng bán đất đen Ukraine”.