Khi cánh cửa của năm 2013 dần khép lại, người dân châu Phi vẫn phải chứng kiến những đoàn xe bọc thép tiến vào Cộng hòa Trung Phi, những chuyến bay hối hả chở các lực lượng tăng cường của Liên hợp quốc tới Nam Sudan... Với những diễn biến tích cực ở một số nước này nhưng lại tiêu cực ở một số nước khác, châu Phi vẫn phải bước qua ngưỡng cửa năm mới 2014 với một gánh nặng trên vai.
Người dân Nam Sudan tại trại tị nạn của LHQ ở Juba ngày 29/12/2013. Ảnh: THX/TTXVN |
Hiện có khoảng 1/3 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi đang phải chịu ảnh hưởng của các cuộc xung đột, trong đó các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề là Mali, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và mới đây nhất là Nam Sudan.
Tháng 1/2013, được sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an LHQ, Pháp đã điều 4.500 binh sĩ tới Mali để giải quyết cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 3/2012, khi phiến quân Tuareg li khai liên kết với các nhóm vũ trang Hồi giáo có quan hệ với mạng lưới al-Qaeda tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure. Cuộc khủng hoảng đã khiến 500.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Lực lượng phiến quân bị truy quét khắp sa mạc Sahara, cuối cùng đã phải ký hiệp định hòa bình với chính phủ Mali vào tháng 6/2013, tạo tiền đề cho việc tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2013.
Tháng 3/2013, một nhóm phiến quân ở Cộng hòa Trung Phi, được gọi là Seleka, đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống Francois Bozize, khiến ông này phải chạy trốn ra nước ngoài. Sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài dưới sự lãnh đạo của Pháp từ hơn một tháng nay đã mang lại sự ổn định tại nhiều khu vực, trong khi phiến quân đang cố gắng thương lượng về một lệnh ân xá để đổi lấy việc họ hạ vũ khí. Tuy nhiên, cuộc tấn công bất thành vào dinh tổng thống ngày 26/12/2013 là bằng chứng mới nhất cho thấy quốc gia nghèo đói và tả tơi vì nội chiến này vẫn đang tiếp tục trượt vào hỗn loạn, chứ không phải là dần đi vào ổn định như nhiều người hy vọng.
Tại CHDC Congo, các hoạt động bạo lực do phiến quân M23 tiến hành chống lại chính phủ từ tháng 4/2012 ở miền đông đã lên đến mức nguy hiểm, khiến LHQ phải triển khai một lữ đoàn can thiệp đặc biệt, lần đầu tiên được giao chức năng tấn công. Bị đẩy lùi khỏi miền đông đất nước hồi tháng 11/2013, lực lượng M23 đã phải ngồi vào bàn đàm phán mà kết quả là một hiệp định hòa bình được ký kết một tháng sau đó. Tuy nhiên, cuộc tấn công mới đây của tàn quân M23 vào một ngôi làng ở miền đông nước này, khiến ít nhất 40 dân thường thiệt mạng, là bằng chứng cho thấy trật tự vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn tại quốc gia này.
Cuộc khủng hoảng mới nhất mà cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao là cuộc xung đột tại Nam Sudan. Vào ngày 15/12/2013, xung đột đã bùng nổ tại thủ đô Juba sau khi Tổng thống Salva Kiir tuyên bố cựu Phó Tổng thống Riek Machar đứng đằng sau âm mưu đảo chính lật đổ ông. Cuộc xung đột phe phái dẫn đến xung đột mang màu sắc tôn giáo trong những tuần qua đã lan ra khắp đất nước, khiến hơn 1.000 người thiệt mạng và hơn 126.000 người phải rời bỏ cửa nhà, trong đó có 62.000 người đang nằm trong các trại tị nạn của LHQ.
Năm 2013, Liên minh châu Phi (AU) đã tiến hành nhiều nỗ lực hòa giải nhưng không mấy thành công, chủ yếu do sự phức tạp của cuộc khủng hoảng và những thách thức trong việc lựa chọn đối tác đàm phán. Thực tế cho thấy việc sử dụng các biện pháp can thiệp quân sự, do châu Phi lãnh đạo với một thành phần quốc tế hùng hậu, để giải quyết một số cuộc xung đột phức tạp tại châu Phi là một sự lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu một giải pháp quân sự là không thể tránh khỏi để ổn định tình hình trong hiện tại thì một giải pháp chính trị là cần thiết để xây dựng một nền tảng vững chắc cho tương lai. Vấn đề của châu Phi phải do người châu Phi giải quyết.
Minh Đức