Chìa khóa bảo vệ gia đình trước cú sốc đại dịch COVID-19

Năm 2020 đánh dấu 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh về phụ nữ, văn kiện được thông qua tại Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ tư tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Một phần tư thế kỷ sau, văn kiện này vẫn chứng tỏ là lịch trình toàn cầu mang tính toàn diện nhất và đổi mới nhất trong mục tiêu đạt bình đẳng giới. Tầm nhìn lớn của văn kiện này trong việc thay đổi cuộc sống của phụ nữ và các em gái trong các gia đình, cộng đồng và các nền kinh tế, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

Chú thích ảnh
Trẻ em tại một trường mẫu giáo ở Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Cũng tròn 25 năm trước, Hội nghị thượng đỉnh về phát triển xã hội diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) đã ra tuyên bố xác định phát triển xã hội gồm 3 tiêu chí xóa đói giảm nghèo, việc làm và công bằng xã hội, đồng thời khẳng định phát triển, công bằng xã hội là nền tảng của hòa bình, an ninh bền vững và con người phải là trung tâm của phát triển. Tuyên bố của Hội nghị Copenhagen là cơ sở cho một loạt các cam kết quốc tế về phát triển, trong đó có Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và Các Mục tiêu phát triển bền vững.

Trong bối cảnh này, Liên hợp quốc (LHQ) đã chọn chủ đề cho Ngày quốc tế Gia đình 15/5 năm nay là “Các gia đình trong sự phát triển: Copenhagen & Bắc Kinh +25”, nhằm hối thúc thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, cũng như Tuyên bố Copenhagen để sớm đạt mục tiêu phát triển và bình đẳng ngay từ trong tế bào nhỏ nhất của xã hội là gia đình, bởi gia đình đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển. Hơn thế nữa, khi cả thế giới đang phải đương đầu với một trong những cuộc khủng hoảng y tế và xã hội nghiêm trọng nhất - đại dịch COVID-19 - tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống xã hội - vấn đề bảo vệ gia đình trước những cú sốc của đại dịch càng trở nên quan trọng.

Kể từ Tuyên bố Bắc Kinh 1995, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong thúc đẩy vai trò của phụ nữ và bảo đảm bình đẳng giới. Thêm nhiều trẻ em gái được đến trường hơn trước đây, tỷ lệ tử vong của phụ nữ khi sinh đã giảm đáng kể, và tỷ lệ nữ giới trong các cơ quan lập pháp đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1995. Tất cả những thành quả trên đều đóng góp cho sự phát triển xã hội trên toàn cầu.

Tuy nhiên, báo cáo của LHQ cũng cho thấy các thành quả trên vẫn là chưa đủ, còn mong manh và dễ bị đảo ngược. Nếu nhìn từ góc độ khác, khoảng 32 triệu trẻ em gái vẫn chưa thể được đến trường, hơn 300.000 phụ nữ tử vong mỗi năm khi sinh con, vì những nguyên nhân hoàn toàn có thể tránh khỏi, và tới năm 2020, vẫn chỉ có 1/4 số nghị sĩ trên thế giới là nữ giới.

Trong khi đó, dịch COVID-19, vô hình trung lại đang là một yếu tố gây cản trở nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới bởi trong những cuộc khủng hoảng như đại dịch lần này, phụ nữ luôn là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn về y tế, kinh tế và xã hội.

Theo đánh giá của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), phụ nữ chiếm 70% lực lượng lao động trong lĩnh vực y tế và xã hội trên toàn cầu, song luôn phải chịu sự phân biệt đối xử. Đơn cử như trong lĩnh vực chăm sóc y tế, thu nhập của nam giới cao hơn gần 30% thu nhập của nữ giới, mặc dù trên tuyến đầu ứng phó dịch COVID-19, trong hoàn cảnh vất vả, khắc nghiệt và thiếu thốn, cứ 10 điều dưỡng viên và y tá thì có 8 là phụ nữ.

Ðại dịch cũng ảnh hưởng rất lớn đến lao động nữ, vốn chiếm số đông trong lực lượng lao động của các ngành chịu tác động trực tiếp của đại dịch như du lịch, nhà hàng, sản xuất thực phẩm…. Phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong nền kinh tế phi chính thức và nông nghiệp trên toàn thế giới. Đại dịch đang dẫn đến tình trạng phụ nữ bị mất việc hoặc giảm thu nhập cũng như khả năng hỗ trợ tài chính cho gia đình. Bản thân việc các nước ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh hay đóng cửa tạm thời các trường học càng tăng thêm gánh nặng chăm sóc của người phụ nữ trong mỗi gia đình.

Ở một khía cạnh khác, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng bạo lực gia đình nhằm vào phụ nữ tăng vọt trong những ngày đại dịch, đặc biệt tại châu Âu. Theo WHO, các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp trên khắp châu Âu đã ghi nhận số cuộc gọi liên quan tới bạo lực gia đình tăng đột biến (60%) trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được áp đặt tại hầu khắp các nước. Các tổ chức xã hội ở  Tây Ban Nha nhận số cuộc gọi báo về bạo lực đối với phụ nữ tăng hơn 18% trong hai tuần đầu tiên phong tỏa quốc gia. Cảnh sát Pháp cũng đã báo cáo mức tăng đột biến tới 30% các bạo lực gia đình trên toàn quốc. Trong khi đó, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) ước tính sẽ có thêm 31 triệu trường hợp bạo lực gia đình trên thế giới nếu các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì trong 6 tháng tới.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách thường đặt mục tiêu phát triển và bình đẳng giới trong kinh tế và trên chính trị, thì những gì xảy ra trong quy mô nhỏ hơn  - các gia đình - đóng vai trò quan trọng không kém, nếu không nói là điều kiện tiên quyết. Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội (WSS) tại Copenhagen đã thừa nhận rằng gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, và ý thức rằng “hạt nhân” này đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển và xứng đáng được nhận sự bảo vệ và hỗ trợ toàn diện. Hơn nữa, các chính phủ thừa nhận rằng gia đình cần được củng cố, chú ý phát triển các quyền, các năng lực và trách nhiệm của từng thành viên. WSS cũng tiên phong nêu khái niệm sự chia sẻ cân bằng việc nhà, đồng thời thúc đẩy quan hệ bình đẳng nam - nữ trong gia đình….

Đại dịch COVID-19 hiện nay càng cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư cho các chính sách xã hội nhằm bảo vệ các cá nhân và gia đình dễ bị tổn thương nhất. Đó là những gia đình phải hứng chịu tác động lớn của khủng hoảng, đang phải tìm cách che chở cho các thành viên của mình tránh khỏi các tác động ấy, phải tìm cách chăm sóc những đứa trẻ không được đến trường, và cùng lúc vẫn phải tiếp tục các trách nhiệm nuôi sống gia đình. Gia đình là trung tâm tương tác giữa các thế hệ, trong thời khủng hoảng, khi sức ép gia tăng thường dẫn tới bạo lực gia tăng nhằm vào phụ nữ và trẻ em. Chính vì vậy, việc hỗ trợ các gia đình dễ bị tổn thương, những gia đình mất thu nhập vì khủng hoảng, có chỗ ở chưa phù hợp, có con nhỏ, người già và người tàn tật… trong thời buổi hiện nay cần thiết hơn bao giờ hết.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng cảnh báo “khi áp lực kinh tế, xã hội và nỗi sợ hãi tăng lên, chúng ta chứng kiến một sự gia tăng khủng khiếp về bạo lực gia đình trên toàn cầu”, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước trên toàn thế giới coi việc bảo vệ phụ nữ như một phần trong kế hoạch hành động nhằm chống lại đại dịch COVID-19. Thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh hiện nay chính là chìa khóa để bảo vệ các gia đình trước cú sốc đại dịch, để từ đó, bảo vệ những thành quả phát triển xã hội. Nói một cách khác, khi thế giới đang vất vả chống chọi với dịch COVID-19, đây chính là một cơ hội để nghĩ lại và thay đổi cách mà nền kinh tế và các xã hội của chúng ta vận hành nhằm thúc đẩy sự công bằng cho mọi người.

Bạch Dương (TTXVN)
Nhật Bản tụt 11 bậc trong bảng xếp hạng bình đẳng giới
Nhật Bản tụt 11 bậc trong bảng xếp hạng bình đẳng giới

Bất chấp cam kết của Thủ tướng Shinzo Abe là biến Nhật Bản thành một đất nước nơi phụ nữ tỏa sáng, quốc gia này đã tụt 11 bậc trên bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu năm 2019. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN