Chìa khóa giúp Ai Cập thoát khủng hoảng

Việc chính quyền quân sự mới của Ai Cập coi Anh em Hồi giáo là tổ chức khủng bố cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại đất nước này đã bị đẩy lên cao trào mới, dẫn các bên đối đầu đi đến kết thúc chiến thắng hoặc đầu hàng mà không có lựa chọn thứ ba.

 

Sự đối đầu giành quyền lãnh đạo đất nước giữa Anh em Hồi giáo và chính quyền lâm thời do quân đội hậu thuẫn ở Ai Cập diễn ra kể từ khi cựu Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ vào tháng 7/2013. Trong khi Anh em Hồi giáo tuyên bố đảng này có quyền lãnh đạo hợp pháp do được bầu thì chính phủ lâm thời lại khẳng định quyền trị nước kể từ sau cuộc nổi dậy chống lại cựu Tổng thống Morsi.

 

Xung đột tại quận Heliopolis, thủ đô Cairo ngày 27/12.THX/TTXVN


Việc loại bỏ sự tồn tại pháp lý của Anh em Hồi giáo là bước đi táo bạo đầy nguy hiểm của chính phủ lâm thời, khẳng định quyền lực và vị thế như đại diện duy nhất của người dân Ai Cập chống lại một tổ chức có phương tiện và khả năng đối kháng với chính phủ.


Vụ đánh bom khủng bố ngày 24/12 vừa qua nhằm vào cơ quan an ninh ở thành phố Mansoura - cách thủ đô Cairo hơn 100 km về phía đông bắc, làm thiệt mạng ít nhất 16 người - là cú sốc đối với lực lượng an ninh và quân sự Ai Cập. Cuộc tấn công chứng minh rằng các phần tử cấp tiến của tổ chức Ansar Beit Al-Maqdis có trụ sở ở bán đảo Sinai - đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ nổ - có thể chạm tới đại bản doanh và gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng an ninh, bất chấp tuyên bố của quân đội rằng đã nhổ tận gốc chủ nghĩa khủng bố ở Sinai. Vì vậy, tuyên bố Anh em Hồi giáo là tổ chức khủng bố có thể là phản ứng cơ học của chính phủ lâm thời Ai Cập đối với vụ đánh bom Mansoura và che đậy thất bại của lực lượng an ninh.


Ngoài ra, động thái mạnh mẽ của chính phủ Ai Cập được xây dựng dựa trên một số tính toán trong nước và khu vực. Trước hết, quân đội (Ai Cập) cảm nhận được một phần đáng kể công chúng Ai Cập đang ngày càng thất vọng trước những thách thức của Anh em Hồi giáo. Thứ hai, động thái này là một chiến thuật phân tâm hoàn hảo, khiến công chúng và các nhà quan sát chuyển từ bàn thảo về các chi tiết của bản hiến pháp mới sang chủ nghĩa khủng bố. Thứ ba, chính quyền Ai Cập nhận thấy Anh em Hồi giáo hiện dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết, đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ - nước ủng hộ tổ chức này - đang bận tâm với các vấn đề trong nước.


Trong năm 2014, phép thử quan trọng đối với chính phủ Ai Cập sẽ là cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp sửa đổi dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 1/2014. Nếu các cơ quan chức năng Ai Cập thành công trong việc điều hành một cuộc bỏ phiếu tự do và công bằng mà không có bất kỳ sự cố an ninh nào và với tỉ lệ cử tri đi bầu cao, họ có thể tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Anh em Hồi giáo. Ngược lại, nếu các nhóm cấp tiến phá vỡ cuộc trưng cầu hoặc ám sát các nhân vật chính trị cấp cao cũng như các lãnh đạo an ninh và quân đội, niềm tin vào chiến thuật mạnh tay của các nhà chức trách Ai Cập sẽ bị lung lay.


Ai Cập đang chứng kiến một chương mới và có thể đẫm máu trong thời kỳ hậu Mubarak. Giải pháp hòa giải lý tưởng không dễ thực hiện tại quốc gia không theo chủ nghĩa duy lý như Ai Cập, những người ủng hộ của cả hai bên - Anh em Hồi giáo và chính quyền - đều công khai từ chối bất kỳ thỏa hiệp nào. Chỉ khi Anh em Hồi giáo hiểu rằng hy vọng sự tan rã của nhà nước sẽ giúp họ giành lại quyền lực là “ngốc nghếch” và bộ máy lãnh đạo lâm thời Ai Cập đủ thông minh để không đẩy hàng nghìn thành viên Anh em Hồi giáo vào tuyệt vọng và chủ nghĩa cực đoan, Ai Cập mới thoát khỏi tương lai khủng hoảng với bạo lực leo thang.


Viên T. Luyến(Theo báo "Thư tín địa cầu")

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN