Theo bình luận của tờ Guardian (Anh), Tổng thống Erdogan cần cẩn trọng trong mọi động thái vì ông đang đối mặt với các lựa chọn khó khăn: Lính Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi xa đến đâu? Ai là kẻ thù? Một chiến dịch lớn như vậy sẽ kéo dài bao lâu? Đó có thể là canh bạc lớn nhất từ trước tới nay đối với vị chính trị gia này.
Lo ngại chiến dịch vượt tầm kiểm soát, giới chức Ankara đang phải xác định lại chiến dịch tấn công vừa được mở màn bằng loạt vụ không kích người Kurd trên lãnh thổ Syria ngày 9/10.
Suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ coi mục đích chiến dịch là để loại bỏ mối đe dọa khủng bố của người Kurd. Tuy nhiên, chiến dịch lại được đặt tên là “Mùa xuân Hòa bình” với mục đích chủ yếu là chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cố vấn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, giải thích về sự thay đổi: “Đây không phải động thái chống người Kurd. Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ vấn đề nào với người Kurd. Chúng tôi đang chiến đấu với một tổ chức khủng bố cũng áp bức và sát hại người Kurd”. Ông cho rằng với sứ mệnh chính là tiêu diệt IS, thế giới nên biết ơn Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ Guardian, dường như sự thay đổi chiến thuật đột ngột này chịu sự tác động từ Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút quân ở Syria về.
Ankara cũng thay đổi quan điểm về tham vọng hiện diện lâu dài ở Syria, cho dù Tổng thống Recep Erdogan từng tuyên bố về việc thành lập một “vùng an toàn” gần như vĩnh viễn rộng 32km và dài 483km tại nước láng giềng.
“Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định chiếm bất kỳ khu vực nào của Syria”, ông Kalin khẳng định. Ông nói các chiến dịch tấn công xuyên biên giới trước đây tại Jarablus và Afrin chỉ là những cuộc đổ bộ tạm thời.
Trong khi đó, Fahrettin Altun, Giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, lại nói vấn đề nhân đạo là quan trọng nhất: “Kế hoạch trên giúp Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ người vô tội. Gần 2 triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tự nguyện sống trong vùng an toàn mặc dù đa số họ trước đó chưa từng đến vùng đất này". Cố vấn Kalin cũng tuyên bố người dân Syria sẽ tự nguyện hồi hương hàng loạt.
Khi chuẩn bị đem quân tràn sang biên giới Syria, Tổng thống Erdogan đã đối mặt với nhiều điều mơ hồ. Một trong số đó là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khả năng chống lại IS hoặc kiểm soát các trại giam và trại tị nạn đang được người Kurd bảo vệ hay không. Trong một số giai đoạn, Ankara đã bị quy trách nhiệm gây cản trở cuộc chiến chống IS.
Giống như mọi người, Tổng thống Erdogan không biết tính toàn của Mỹ cũng như Nga. Moskva ủng hộ chiến dịch chống khủng bố nhưng gần đây đã đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ về các chiến dịch tại Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải tính tới việc Chính quyền Syria có thể nhân lúc hỗn loạn để giành lại lãnh thổ và đưa lực lượng vào cuộc.
Chưa rõ dư luận Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng thế nào về cuộc xung đột tốn kém, có thể không cần thiết này. Nếu hậu quả nhân đạo thảm khốc mà Liên hợp quốc dự đoán sẽ xảy ra, ông Recep Erdogan hiểu rõ mình sẽ chịu trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, cũng như phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tiềm tàng của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Vì tất cả những lý do trên, ông Erdogan sẽ phải xuất quân cờ thật thận trọng. Ông có thể sử dụng các tay súng Quân đội Quốc gia Syria (FSA) hỗ trợ từ trên không hơn là đưa binh sĩ nước này vào bất cứ hoạt động triển khai ban đầu nào.
Báo chí quốc tế đưa tin ngày 9/10 lực lượng FSA bắt đầu di chuyển vị trí. Giới chức Mỹ dự đoán không có chiến dịch tấn công quy mô lớn và những bước tiến đầu tiên sẽ chỉ giới hạn trong việc thiết lập vị trí chiến đấu trong lãnh thổ Syria.
Sau khi nhận thức đầy đủ về các mối nguy hiểm – về cá nhân, về chính trị và về quân sự - từ canh bạc Syria đầy rủi ro, Tổng thống Erdogan có thể sẽ nhân cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào ngày 13/11 để củng cố sự ủng hộ từ Mỹ rồi mới tung ra động thái dứt khoát.
Tuy nhiên, những gì xảy ra tiếp theo có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của ông. Các nhà lãnh đạo người Kurd khẳng định sẽ không rút lui. Nếu người Thổ Nhĩ Kỳ đến, họ sẽ chiến đấu với người Thổ Nhĩ Kỳ.