Trong một động thái chuyển đổi hiệp ước hòa bình vốn kéo dài nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình cùng với việc đánh giá nhu cầu quân sự trong tương lai. Chiến lược này sẽ góp phần tăng cường thế trận quốc phòng của Nhật Bản trong việc bảo vệ các hòn đảo đang tranh chấp và nó ra đời chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông, trong đó bao phủ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà phía Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.Quân đội Nhật Bản trong một cuộc diễn tập đổ bộ lên các đảo ngày 20/8/2013. Ảnh: AP |
Chính phủ Nhật Bản đã rất vui mừng về phản ứng “cơ bắp” của Mỹ đối với ADIZ của Trung Quốc sau khi đồng minh của Tokyo điều 2 máy bay ném bom B-52 bay qua ADIZ trên mà không thông báo cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, Mỹ đã không tiến thêm một bước nữa như mong muốn của các quan chức Nhật Bản, mà chỉ dừng lại ở mức yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ tuyên bố về ADIZ của nước này. Điều này càng làm dấy lên lo ngại bấy lâu nay của Nhật Bản rằng Mỹ có thể sẽ không hành động mạnh mẽ hơn trong việc giúp bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khi có xung đột với Bắc Kinh xảy ra. Mặc dù, quần đảo này chỉ là một vài hòn đảo không có người ở và chúng vẫn nằm trong khu vực phòng thủ theo hiệp ước an ninh chung Mỹ-Nhật, nhưng vì sự lo sợ trên, Tokyo phải nhanh chóng tự “tăng cường khả năng phòng thủ và mở rộng vai trò” của riêng mình- xây dựng một chiến lược an ninh mới ngay cả khi có quan hệ quân sự gần gũi với Mỹ.
Ngay cả trong cuộc họp với lãnh đạo các nước ASEAN vào cuối tuần qua ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị các đối tác của mình nên xem xét đến việc Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ của nước này ở Biển Đông, một vấn đề gây quan ngại đến tất cả các nước trong khu vực ASEAN (và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng lại vào ngày 15/12 rằng hành động này của Nhật Bản là “sự vu khống hiểm độc”).
Cho dù có bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì mục đích chiến lược trên của Nhật Bản là tăng cường tiềm lực quốc phòng trong vòng 5 năm tới. Theo đó, Nhật Bản sẽ tìm kiếm vai trò an ninh "chủ động" hơn cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) ở nước ngoài và sẽ vạch ra các phương hướng chỉ đạo mới về hoạt động xuất khẩu vũ khí, báo hiệu một sự chuyển đổi lớn từ chính sách hạn chế trước đó của Nhật Bản. Đặc biệt là những bổ sung tiếp theo sẽ tập trung vào khả năng kiểm soát vùng trời và vùng biển xung quanh các đảo đang tranh chấp.
Cụ thể, Nhật Bản sẽ chi khoảng 24.700 tỷ yên (khoảng 240 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng giai đoạn 2014-2019. Khoản ngân sách này sẽ được dùng cho việc mua 3 máy bay không người lái phục vụ hoạt động giám sát, mua 99 xe chiến đấu diễn tập, 52 xe đổ bộ và 17 máy bay vận tải Osprey của Mỹ cho các Lực lượng Phòng vệ mặt đất và trên biển, trang bị 28 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, 3 máy bay tiếp liệu trên không và 4 máy bay cảnh báo sớm cho Lực lượng Phòng vệ trên không. Bên cạnh đó, Nhật Bản sẽ thành lập đơn vị đổ bộ có khả năng tác chiến ở các đảo xa và phối hợp các chiến dịch của SDF nhằm tăng cường giám sát và phản ứng nhanh trước các biến cố.
Quần đảo tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc, Senkaku/Điếu Ngư. |
Ngoài ra, một phi đội máy bay chiến đấu gồm 20 chiếc F-15 sẽ được triển khai tại căn cứ không quân Naha trên đảo Okinawa, gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Máy bay cảnh báo sớm sẽ được triển khai đến Naha từ một căn cứ phía bắc của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng nước này cũng có kế hoạch bổ sung thêm các máy bay không người lái và máy bay chiến đấu mới nhằm tăng cường cho lực lượng không quân, sẵn sàng lấy lại những hòn đảo bị đánh chiếm. Nhật Bản cũng thành lập một đơn vị Thủy quân Lục chiến của riêng mình, theo phiên bản của Mỹ. Shigeru Ishiba, Tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) và một cựu bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản gần đây đã nói rằng thật là khó tin khi nước này không thể có một đơn vị đổ bộ như vậy.
Trước đó, ông Abe đã cho thấy động thái đầu tiên của mình trong việc muốn tăng cường thế trận quốc phòng của Nhật Bản. Trong cuốn sách trắng được công bố vào tháng 7 vừa qua, Nhật Bản đã cáo buộc Trung Quốc đang thực hiện “những hành động nguy hiểm” ở khu vực biển Hoa Đông.
Động thái trên được xem là quyết sách quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nhật Bản chính thức thành lập Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) theo mô hình của Mỹ hôm 4/12 vừa qua. Việc Trung Quốc mới đây tuyên bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông đã làm dấy lên quan ngại về những tình huống bất trắc có thể xảy ra giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh đang xảy ra tranh cãi liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Việc khởi động NSC được coi là một trong những trụ cột chính của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm chỉnh đốn lại thế trận quốc phòng và tăng cường các năng lực quốc phòng của SDF.
Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu quan trọng thể hiện sự kìm chế của Nhật Bản. Theo như một số nhà quan sát nhận định, trong thời gian tới, Tokyo sẽ không có kế hoạch phát triển khả năng phòng thủ tên lửa bằng cách tấn công phủ đầu, mục đích là nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng từ CHDCND Triều Tiên, vốn được nhiều chính trị gia của đảng LDP ủng hộ và coi đây như một biện pháp phòng thủ. Nhưng chiến lược mới trên cũng là một tín hiệu báo động đối với các nước láng giềng của Tokyo - Trung Quốc và cả Hàn Quốc, vì chiến lược này có vẻ như là một kế hoạch 5 năm và quan điểm quốc phòng có thể được xác định lại mỗi năm, có nghĩa là ý tưởng tấn công phủ đầu vẫn còn nằm trên bàn thảo luận của các quan chức Nhật trong năm 2014.
Công Thuận (Theo The Economist)