Các quan chức Mỹ đang bắt đầu chấp nhận rằng chiến lược ép Niger và các nước châu Phi bị chiến tranh tàn phá khác cắt đứt quan hệ với Nga và "đi theo các chuẩn mực dân chủ phương Tây" không còn hiệu quả nữa, theo nhận định của tờ Politico (Mỹ) mới đây.
Nguồn tin trên dẫn lời hai quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề này cho biết, sự rạn nứt gần đây trong quan hệ với Niger, nơi quân đội Mỹ chuẩn bị rút lui, đã buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải tính toán lại về cách tiếp cận của họ nhằm duy trì các đồng minh của mình tại những khu vực đầy biến động ở châu Phi.
Các quốc gia trên khắp lục địa châu Phi, bao gồm Chad, CH Trung Phi, Mali và Libya, đã quay sang Nga để được hỗ trợ an ninh. Một quan chức Mỹ cho biết hiện tại, tại Niger đã "gạt Mỹ sang một bên" và buộc 1.100 lính Mỹ phải rút lui khỏi đó trong vài tháng tới. Mới nhất, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder ngày 24/4 cho biết Mỹ sẽ di dời hầu hết trong số khoảng 100 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt mà nước này đã triển khai ở Chad.
Trong khi Washington bày tỏ lo lắng về mối quan hệ của Niger với Iran, thì các quan chức Mỹ lại đặc biệt lo ngại về việc hoạt động tại một quốc gia mà chính phủ có quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ với Nga.
Chính quyền quân sự ở Niger vào tháng 3 đã kêu gọi hủy thỏa thuận liên quan đến sự hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này, nhưng ngày rời đi của họ vẫn chưa được ấn định.
Nếu quân đội Mỹ rời đi, Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận căn cứ quân sự quan trọng mà nước này dựa vào để chống lại các nhóm như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Căn cứ máy bay không người lái của Mỹ ở Niger được sử dụng để thu thập thông tin tình báo, chìa khóa để nhắm vào các thành trì khủng bố trong khu vực.
Cameron Hudson, cựu nhân viên tình báo của CIA về châu Phi, cho biết: “Khi tất cả các quốc gia này đuổi Pháp và hướng nội, chúng tôi đã tìm cách ‘xoay trục’ để trở thành nhà hòa giải với hy vọng có thể duy trì sự hiện diện của mình ở đó, đặc biệt là với các nước có đảo chính ở châu Phi. Nhưng tất cả những điều đó rõ ràng là không hiệu quả. Bây giờ chúng tôi đã bị gạt sang một bên, trong khi Nga lại đang tăng cường sự hiện diện”.
Luật pháp Mỹ cấm Washington cung cấp tiền cho các chính phủ đảo chính, trong đó có Niger. Nhưng các quan chức Mỹ đã cố gắng duy trì quan hệ ngoại giao với những quốc gia đó – nhiều quốc gia trong số này có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào – nhằm nỗ lực một ngày nào đó sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính khác.
Chiến lược của chính quyền Biden là tìm cách lôi kéo các chính phủ đảo chính và "đàm phán về lộ trình cũng như thời gian biểu cho các cuộc bầu cử dân chủ".
Nhưng các nhà lãnh đạo châu Phi, trong khi nói với các nhà ngoại giao và các quan chức Mỹ rằng họ muốn duy trì quan hệ với Washington, phần lớn đã bác bỏ những đề xuất rằng đất nước họ "cần thực hiện dân chủ (kiểu phương Tây) một cách đầy đủ hơn".
Một quan chức Mỹ thứ ba nêu rõ: “Với hầu hết các chính phủ này, họ thực sự không muốn bị sai bảo phải làm gì. Có một lịch sử lâu dài về việc phương Tây dạy các nước châu Phi cách cai trị và đến nay họ nói ‘đủ rồi’”.
Những người khác đã phản đối yêu cầu cải cách của Mỹ, cho rằng phương Tây không có quyền thuyết giảng về dân chủ ở châu Phi khi họ phớt lờ những vấn đề tương tự với các đồng minh ở những nơi khác trên thế giới.
Những lời từ chối đó, bao gồm cả ở Niger, đã thử thách các quan chức Mỹ khi họ cố gắng tìm cách giữ vững mối quan hệ đối tác lâu dài của Washington với các quốc gia có nhiều khoáng sản.
Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo châu Phi đã hoan nghênh sự hiện diện của Nga, cho rằng Moskva có thể cung cấp hỗ trợ an ninh nhanh chóng khi Mỹ không thể.
Theo một quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ, đằng sau hậu trường, Washington tin rằng việc rút lui hoàn toàn khỏi các quốc gia "đang gặp thách thức về dân chủ" có thể là điều không khôn ngoan và làm như vậy “sẽ để lại một khoảng trống lớn cho các đối thủ cạnh tranh” như Nga hay Trung Quốc nhảy vào.
Do đó, chiến lược gần đây nhất của Mỹ "nhấn mạnh vào các vấn đề tiêu cực của lực lượng quân sự tư nhân Nga ở châu Phi nhằm ngăn cản các nước liên minh với Moskva".
Tuy nhiên, cho đến nay, nỗ lực đó vẫn chưa đảo ngược được quyết định hợp tác với Nga của các nhà lãnh đạo châu Phi. Quan chức Mỹ trên thừa nhận, nhu cầu trước mắt của họ về sự hỗ trợ và an ninh là quá lớn và Mỹ không thể cung cấp loại trợ giúp đó.
Quan chức cấp cao Mỹ này nói: “Nga có lợi thế thực sự so với Mỹ là họ có vũ khí và sẵn sàng bán vũ khí, từ vũ khí nhỏ đến cả máy bay trực thăng. Có rất nhiều thách thức về an ninh ở châu Phi và các nước ở lục địa này cần có vũ khí”.
Rõ ràng, Nga đã nắm bắt cơ hội để giúp đảm bảo an ninh cho các nước châu Phi. Ví dụ, giờ đây lần đầu tiên tại Niger, Bộ Quốc phòng Nga đang giám sát một nhiệm vụ an ninh mới, triển khai các cố vấn quân sự đến giúp huấn luyện quân đội Niger. Các động thái của Nga đã làm dấy lên cảnh báo đối với các quan chức chính quyền Tổng thống Biden, những người đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận với chính quyền quân sự để cuối cùng sẽ cho phép quân đội Mỹ ở lại nước này.
Hiện vẫn chưa rõ lực lượng Mỹ sẽ rời Niger trong bao lâu hoặc liệu có cách nào để đàm phán để họ ở lại hay không. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết có khả năng Mỹ vẫn giúp huấn luyện quân đội ở Niger.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder mới đây xác nhận đã “bắt đầu các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Niger về việc rút lực lượng Mỹ khỏi nước này một cách có trật tự” và cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đang cử một phái đoàn tham gia các cuộc thảo luận, nhưng không đưa ra khung thời gian phái đoàn đến hoặc quân Mỹ rời khỏi Niger.