Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby nói với các phóng viên rằng lực lượng Mỹ đã tiêu diệt một loạt tên lửa của Houthi chuẩn bị bắn về phía Biển Đỏ. Ông Kirby cho biết các cuộc tấn công của Mỹ diễn ra vào ngày 17/1 và 18/1.
Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu của Houthi có hiệu quả hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hồi đáp: “Nếu ý bạn hiệu quả là ngăn chặn được Houthi. Câu trả lời là không. Có duy trì các cuộc tấn công không? Có”.
Đài BBC (Anh) đưa tin Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) xác nhận đã nhắm vào các tên lửa chống hạm mà Mỹ cho rằng lực lượng Houthi định sử dụng để tấn công tàu chở hàng trên Biển Đỏ. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ nhấn mạnh đã tiêu diệt các tên lửa này để phòng vệ.
Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh sau đó nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo: "Chúng tôi không hướng đến chiến tranh. Chúng tôi không có chiến tranh với Houthi. Các hành động chúng tôi đang thực hiện mang tính chất phòng thủ”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết, chiến lược của Tổng thống Biden trong các diễn biến gần đây tại Yemen là nhằm mục đích làm suy yếu lực lượng Houthi nhưng không cố gắng đánh bại nhóm này làm tăng nguy cơ xung đột kéo dài.
Chiến lược kết hợp giữa tấn công quân sự hạn chế và các biện pháp trừng phạt dường như nhằm ngăn chặn một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông.
Nhưng chưa rõ liệu nó có hoàn thành được mục tiêu chính của Tổng thống Biden là ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi hay không. Ông Seth Jones tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) cho biết: “Tôi nghĩ chiến lược này là bền vững. Tôi chỉ không chắc nó sẽ hiệu quả. Tấn công hạn chế nhằm vào mục tiêu Houthi sẽ không ngăn chặn được các cuộc tấn công quanh Biển Đỏ”.
Là cầu nối quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải, Biển Đỏ là tuyến đường thương mại quan trọng cho vận tải biển và cung cấp năng lượng toàn cầu. Kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát, các lãnh đạo Houthi khẳng định Israel là mục tiêu của họ. Houthi mô tả các cuộc tấn công tại Biển Đỏ từ tháng 11/2023 là chiến dịch đoàn kết với 2,2 triệu người Palestine ở Gaza sống dưới bao vây và bắn phá của Israel.
Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về lạm phát và viễn cảnh hậu quả từ xung đột Israel-Hamas có thể gây bất ổn ở Trung Đông. Sau nhiều tháng cảnh báo, tuần trước Tổng thống Biden đã cho phép thực hiện một đợt không kích nhằm vào các mục tiêu tên lửa, máy bay không người lái và trạm radar của Houthi. Nhưng Houthi vẫn tiếp tục tấn công tàu trên Biển Đỏ.
Ngày 19/1, lực lượng Houthi tuyên bố đã tiến hành tấn công bằng tên lửa nhằm vào một tàu Mỹ ở Vịnh Aden. Người phát ngôn của Houthi Yahya Sarea nêu rõ lực lượng này đã bắn trúng tàu M/V Chem Ranger của Mỹ. Tuy nhiên, ông Sarea không nêu cụ thể thời gian cũng như các chi tiết khác về vụ tấn công này.
Ông Sarea chỉ khẳng định động thái này nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Mỹ và Anh nhằm vào Houthi trong thời gian gần đây. Người phát ngôn này đồng thời tuyên bố Houthi sẽ duy trì các cuộc tấn công cho đến khi một lệnh ngừng bắn được thiết lập ở Gaza và phong tỏa được dỡ bỏ.
Vào ngày 17/1, chính quyền Tổng thống Biden đưa Houthi vào danh sách phần tử Khủng bố Toàn cầu Đặc biệt (SDGT). Nhưng Mỹ cũng không xếp Houthi vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài (FTO). FTO bao gồm các biện pháp chặt chẽ hơn nhiều so với SDGT.
Ông Gregory Johnsen tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Arab bày tỏ nghi ngờ bước đi này sẽ có hiệu quả. Ông nói: “Đây phần lớn là một hành động mang tính biểu tượng và sẽ gây ra một số hậu quả nhân đạo, nhưng nó sẽ không làm được gì để ngăn chặn Houthi thực hiện các cuộc tấn công”.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Biden cho biết Washington vẫn “cam kết giải quyết xung đột ở Yemen” và đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài giữa Saudi Arabia và lực lượng Houthi. Ông Jonathan Lord tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhận định Tổng thống Biden hy vọng có thể ngăn chặn Houthi và đạt được đàm phán hòa bình nào đó hiệu quả ở Yemen.