Trong bài phát biểu tại châu Âu vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Obama đã nói rõ rằng ông xem việc sáp nhập Crimea vào Nga là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, ông cũng xác định một điều lớn hơn: Mối đe dọa an ninh quốc gia, chẳng hạn như sự cạnh tranh Mỹ - Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, mà có thể chi phối tất cả các ưu tiên chính sách đối ngoại khác.Trong lần xuất hiện trước khi gặp các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, ông Obama kêu gọi một nỗ lực lâu dài để cô lập Nga nhằm ngăn cản sự can thiệp sâu hơn của Moskva vào Ukraine, nhưng nhấn mạnh rằng Nga không phải là thách thức địa chính trị hàng đầu của phương Tây.
Tổng thống Mỹ Obama (giữa). Ảnh: LATimes |
Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ về cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây ra một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia chính sách đối ngoại tại Washington, bao gồm cố vấn hiện tại và trước đây, về các biện pháp chủ động để kiềm chế “tham vọng hồi sinh của Nga”.
Nhóm 1, trong đó có cựu đại sứ Mỹ tại Nga, Michael McFau và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates, kêu gọi một cách tiếp cận đối kháng hơn. Ví dụ, McFaul đề nghị Mỹ nên chấm dứt bị "lôi cuốn bởi sự ràng buộc” từ các vấn đề quốc tế để "lãnh đạo thế giới tự do trong một cuộc chiến đấu mới".
Nhóm còn lại mà tiêu biểu là Anne-Marie Slaughter, Trưởng phòng Kế hoạch Bộ Ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama, cảnh báo rằng một phản ứng thái quá có thể chỉ mang lại lợi ích quá nhiều cho quân sự và quốc phòng.
Trong chuyến thăm châu Âu, ông Obama nói rằng Nga là “một cường quốc đang suy giảm trong khu vực” và việc sáp nhập Crimea bằng “lực lượng vũ trang” đã cho thấy điểm yếu của Moskva vì nước này đã mất ảnh hưởng ở Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác. Ông Obama cũng kêu gọi tăng cường sự đồn trú của quân đội Mỹ tại khu vực Đông Âu nhưng không làm ảnh hưởng đến kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng của Washington.
Tổng thống Mỹ còn đe dọa trừng phạt Moskva ở một số lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế Nga, chẳng hạn như năng lượng, ngân hàng, mua bán vũ khí, nhưng điều đó sẽ chỉ xảy ra nếu Nga can thiệp sâu hơn vào các khu vực miền đông Ukraine hoặc có những hành động khác khiến tình hình leo thang.
Cuộc khủng hoảng Ukraine "khiến giới chức Mỹ lo lắng và trằn trọc suốt đêm. Nhưng điều này không phải là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington", Julianne Smith, cố vấn chính sách đối ngoại của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama nói.
Mặc dù Ukraine được xếp vào "danh sách top 10" những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cùng với chương trình hạt nhân của Iran và tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng, "có sự quan tâm nhất định, nhưng so với một số vấn đề khác, khủng hoảng Ukraine vẫn không phải là mối đe dọa đến lợi ích an ninh cốt lõi của Washington", bà Julianne Smith cho biết.
Khi được hỏi liệu hành động sáp nhập Crimea vào Nga sẽ buộc chấm dứt chính sách "xoay trục tới châu Á" của Mỹ, Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes chỉ ra rằng Obama đã lên kế hoạch cho 2 chuyến công du đến Đông Á trong năm nay và hứa rằng chính sách này sẽ không bị hủy bỏ vì tình hình ở châu Âu.
"Chúng tôi đã có một chương trình nghị sự quan trọng ở châu Á và chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch đó. Nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi những gì chúng tôi đang làm ở châu Âu", ông Rhodes nói.
Nhưng nhiều chuyên gia ở Washington đang kêu gọi chính quyền phải suy nghĩ lại kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng của mình trong khi cần thiết có thể tăng cường lực lượng Mỹ tại châu Âu, vốn đã bị thu hẹp 85% kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh năm 1989.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gates đang thúc giục chính quyền Obama khôi phục lại ngân sách quốc phòng và R. Nicholas Burns, nhà ngoại giao hàng đầu trong cả hai chính quyền của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, viện lý do đặc biệt về sự hiện diện của quân đội Mỹ đang suy giảm ở châu Âu, cho biết: "Chúng ta hoàn toàn nên xem xét lại ngân sách đó".
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng hiện nay của Tổng thống Obama, vốn đang chịu áp lực nặng nề của việc cắt giảm chi tiêu, nói rằng họ sẽ không suy nghĩ lại kế hoạch tinh giản biên chế, trừ khi tình hình ở Ukraine trở nên tồi tệ hơn. Rõ ràng, các bất ổn an ninh gần đây tại châu Âu đã không nằm trong chiến lược quân sự của Lầu Năm Góc sắp được được công bố 4 năm 1 lần cũng như chính sách của Nhà Trắng sẽ công khai tới đây, Smith cho biết.
Tuần trước, Obama nói rằng Mỹ sẽ không chấp nhận việc sáp nhập Crimea vào Nga. Nhưng các quan chức tại Nhà Trắng cũng thừa nhận họ sẽ không tìm cách để đưa Crimea trở về hiện trạng ban đầu. Các quan chức Mỹ cũng không nói về việc NATO sẽ đóng quân mãi mãi gần biên giới Nga, vốn được coi là một "giới hạn đỏ" kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Hiện tại, Mỹ cũng đã loại trừ khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraina, một phần vì lo ngại rằng Nga có thể xem đó như là một sự khiêu khích và sẽ leo thang can thiệp quân sự.
Vũ Thanh(Los Angeles Times)