Khói bốc lên sau các vụ nã pháo của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ khu vực Gaziantep, giáp giới Syria ngày 24/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo hãng này nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đang triển khai can thiệp quân sự vào Syria một cách thận trọng do Ankara buộc phải cân bằng và duy trì quan hệ với cả hai cường quốc là Nga và Mỹ.
Hành động can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria - được giới phân tích dự đoán từ lâu - diễn ra sau đúng 500 năm sau trận chiến Marj Dabiq (gần Aleppo), khởi đầu việc đế chế Ottoman xâm chiếm phần lớn lãnh thổ Trung Đông.
Do sự nổi lên của lực lượng vũ trang người Kurd (YPG) ở khu vực Aleppo, việc Ankara tăng cường can dự vào Syria chỉ là vấn đề sớm hay muộn.
Tuy nhiên, dù quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới với Syria, vai trò của Ankara trong giải quyết xung đột ở Syria vẫn hạn chế, một phần do những nguy cơ của việc can dự sâu vào cuộc xung đột này, một phần do vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, Ankara buộc phải lựa chọn chiến thuật “can dự từng bước” vào cuộc xung đột ở Syria.
Giống như bất kỳ chiến dịch quân sự nào, hoạt động can dự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một mặt, hành động này sẽ gia tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các đơn vị vũ trang của người Kurd (YPG). Mặt khác, Ankara đã đưa quân đội vào lãnh thổ của quốc gia mà họ bị coi là kẻ thù lâu đời.
Các chiến dịch của quân đội Tổng thống Assad thời gian qua cũng nhằm vào các lực lượng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải đối mặt với bất ổn trong nước do hoạt động của phiến quân người Kurd và cuộc đảo chính bất thành vừa qua làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội nước này.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một số lợi thế trong việc triển khai hoạt động can dự vào Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với một số nhóm nổi dậy ở Syria chia sẻ lợi ích với Ankara, nhất là lực lượng “Quân đội Syria tự do” - đã và đang đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch “Lá chắn Euphrates” của nước này.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ có thể dựa vào ưu thế về pháo binh và không quân trong việc tấn công các mục tiêu của IS và khả năng là cả các mục tiêu của YPG mà không cần phải cử nhiều binh sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu.
Ngoại giao cũng đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở cho hoạt động can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria. Để chuẩn bị cho hoạt động can thiệp quân sự lần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã chủ động cải thiện quan hệ ngoại giao với các “đối thủ” trước đó.
Mặc dù các cuộc đàm phán với Nga và Iran không giúp giải quyết những bất đồng căn bản liên quan đến cuộc xung đột ở Syria nhưng tạo thuận lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng can dự vào Syria, hạn chế nguy cơ xung đột với quân đội của các nước này và các lực lượng ở Syria do Moskva và Tehran ủng hộ.
Xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch quân sự chống IS và các tay súng người Kurd tại khu vực biên giới với Syria ngày 27/8. Ảnh: EPA/TTXVN |
Chẳng hạn như trong việc triển khai chiến dịch “Lá chắn Euphrates”, các động thái ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn nguy cơ máy bay chiến đấu của nước này bị Moskva bắn hạ khi đi vào không phận của Syria.
Một trong những mục tiêu quan trọng khác của Thổ Nhĩ Kỳ khi can dự vào Syria là quan hệ của nước này với Mỹ. Mặc dù quan hệ song phương đang căng thẳng, nhất là liên quan đến cuộc đảo chính thất bại gần đây, người Thổ hiểu rằng quan hệ đồng minh với NATO và Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh của nước này.
Hơn nữa, các hoạt động ngoại giao vừa qua là chưa đủ để ngăn chặn hoàn toàn một cuộc xung đột với Nga do những bất đồng cơ bản liên quan đến Syria vẫn tồn tại. Ngoài ra, không loại trừ hoạt động can thiệp quân sự vào Syria có thể đi sai hướng và do đó, duy trì hợp tác quân sự với Mỹ đóng vai trò sống còn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, với mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Lực lượng Dân chủ Syria do YPG chi phối, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng việc tăng cường hỗ trợ các lực lượng nổi dậy tấn công vào các mục tiêu của IS để buộc Washington hạn chế các hoạt động mở rộng ảnh hưởng của YPG ở Aleppo.
Chiến thuật này dường như đang phát huy tác dụng. Gần đây, Lực lượng Dân chủ Syria đã tuyên bố sẽ dừng mở rộng các chiến dịch quân sự ở Jarabulus. Trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/8 Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo YPG rằng nước này sẽ ngừng các hoạt động hỗ trợ nếu YPG không rút lực lượng về bờ Đông sông Euphrates.
Nếu điều này xảy ra thì Lực lượng Dân chủ Syria khó có khả năng cạnh tranh với các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong chiến dịch giành lại thành phố al-Bab.
Thổ Nhĩ Kỳ đang thận trọng trong can thiệp quân sự vào Syria nhằm hạn chế bộc lộ những yếu điểm của nước này. Mặc dù tư cách thành viên NATO và mối quan hệ chặt chẽ với các nhóm nổi dậy ở Syria sẽ đem lại lợi thế cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nguy cơ Ankara bị sa lầy trong cuộc chiến ở Syria cũng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.