Kể từ khi xe tăng Nga bắt đầu tiến vào Ukraine, khoảng 1 triệu người Ukraine đã bỏ chạy sang thành phố phía đông nam Ba Lan, nằm cách biên giới chỉ 100 km.
Là “bến đỗ” đầu tiên của hầu hết người Ukraine chạy trốn khỏi chiến tranh, Rzeszów đã chuyển sang chế độ khẩn cấp: Đội ngũ tình nguyện viên chào đón người tị nạn tại nhà ga bằng một bữa ăn nóng hổi; chính quyền địa phương đã biến khu phức hợp thể thao thành kho viện trợ nhân đạo và trung tâm mua sắm địa phương trở thành nơi trú tạm.
Elżbieta Sobusiak, người đồng sở hữu một nhà trẻ tư nhân nhỏ, cho biết cô được nhiều phụ huynh Ukraine tìm đến tới mức cô đã mở một nhóm mới - thuê một cô trông trẻ người Ukraine - để chăm sóc con cái cho họ.
“Nhờ những nỗ lực to lớn, thành phố đã không bị ‘sập’, không xảy ra lùm xùm gì, không trại tị nạn, mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát,” thị trưởng Rzeszów, Konrad Fijołek, nói với tờ Politico.
Nhưng bây giờ khi bầu không khí khẩn cấp đã qua đi, Rzeszów lại phải đối mặt với một thách thức mới: làm thế nào để hòa nhập xã hội cho những người quyết định ở lại.
Trong khi nhiều người tị nạn đã chuyển đến các thành phố khác ở Ba Lan hoặc các nước khác thuộc EU, hoặc quay trở lại Ukraine, nhiều người vẫn ở lại Rzeszów, gây thêm áp lực cho thị trường nhà ở vốn đã căng thẳng và ngân sách địa phương eo hẹp.
Rzeszów là một ví dụ điển hình về thách thức đối với các thành phố trên khắp đất nước Ba Lan. Trong số 3,2 triệu người Ukraine chạy sang Ba Lan, 2,2 triệu người sống ở các thành phố. Dân số thủ đô Warsaw của Ba Lan đã tăng 15%, ở Kraków tăng 23% còn ở Gdańsk là 34%.
Một cuộc thăm dò gần đây của tổ chức thăm dò độc lập ARC Rynek i Opinia, cho thấy 58% người Ukraine ở Ba Lan nói rằng họ có ý định ở lại chừng nào chiến tranh còn tiếp tục, trong khi 27% nói có kế hoạch ở lại mãi mãi.
Điều đó có nghĩa là chính quyền địa phương cần đưa ra các chiến lược dài hạn để hoà nhập người mới đến, bao gồm việc mở rộng các trường học và tạo việc làm mới - Marek Wójcik, một chuyên gia quản lý tại Hiệp hội các thành phố Ba Lan cho biết.
Ông Wójcik nói: “Ban đầu là việc đảm bảo an ninh cơ bản: viện trợ, thực phẩm, quần áo, căn hộ. Nhưng bây giờ chúng tôi đã chuyển sang giai đoạn thứ hai."
Nhờ cơ chế khẩn cấp do EU khởi xướng, những người tị nạn Ukraine có thể sinh sống và làm việc hợp pháp trên toàn khối. Họ cũng được hưởng các quyền lợi như công dân Ba Lan: bảo hiểm y tế, giáo dục công cộng miễn phí, trợ cấp cho trẻ em.
Ở cấp địa phương, thị trưởng Fijołek cho biết trọng tâm của ông là cung cấp cho người tị nạn việc làm, tiếp cận giáo dục và chỗ ở lâu dài.
Hầu hết sinh viên Ukraine đang kết thúc năm học của họ từ xa, nhưng nếu ở lại Ba Lan, họ sẽ phải hòa nhập vào hệ thống tiếng Ba Lan và học ngôn ngữ. Điều đó có nghĩa là cần mở nhiều lớp học hơn và nhiều giáo viên hơn.
“Chúng ta có thể vượt qua được năm học này… nhưng sau đó ta sẽ cần hành động thực sự”, ông Fijołek nói.
Ông Wójcik, tại Hiệp hội các thành phố Ba Lan, cho biết các thành phố khác của Ba Lan cũng đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự. Ông nói: “Có những thành phố có nhiều trẻ em mới đến mức cần phải xây thêm vài hoặc chục trường học và nhà trẻ.
Tại Warsaw, nơi có khoảng 100.000 người tị nạn Ukraine, “nếu tất cả trẻ em Ukraine muốn học [trực tiếp], thì chúng tôi sẽ cần cơ sở hạ tầng tăng gấp bốn lần để phục vụ người tị nạn trẻ tuổi”, ông Wójcik bổ sung.
Vấn đề còn tồn tại khác là nhà ở. Trên khắp đất nước, người dân Ba Lan đã đón khoảng 700.000 người tị nạn vào nhà riêng của họ, và nhiều người tị nạn sống trong các căn hộ dùng chung tạm thời.
Những giải pháp ngắn hạn đó nói lên một vấn đề sâu sắc hơn: Thị trường cho thuê nhà ở tại hầu hết các thành phố của Ba Lan đã bão hòa - cầu vượt quá cung và giá cả đang tăng.
Theo ông Fijołek, ở Rzeszów, mọi bất động sản cho thuê đều đã có người thuê: “Chúng tôi đã hết chỗ”.
Các thị trưởng Ba Lan không ngại công khai thực tế rằng họ cần nhiều tiền hơn để giải quyết vấn đề người tị nạn Ukraine. Trong tháng đầu tiên của cuộc chiến, chính phủ Ba Lan đã thiết lập một quỹ khẩn cấp trị giá 500 triệu zoty (tương đương 109 triệu euro) để giúp đỡ chính quyền địa phương.
Thị trưởng Fijołek cho biết, khoản hỗ trợ đó vẫn chưa tạo ra nhiều khác biệt vì nó chỉ mới được phân phối từ từ. “Chúng tôi sẽ xem liệu có nhận được các loại tiền: cho trường học, cho chăm sóc xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng mới, cho giao thông, nhà ở”, ông nói.
Nhưng chính phủ ở Warsaw cũng đang vật lộn để tìm nguồn tài chính để trang trải những chi phí phụ trội đó, và họ đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Liên minh Châu Âu.
Cho đến nay, Brussels đã phân bổ 144,6 triệu euro cho Ba Lan như một phần của quỹ giúp đỡ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn. Brussels cũng cho biết Ba Lan có thể khai thác 1,2 tỷ euro tiền chưa sử dụng từ quỹ “REACT EU”.
Nhưng theo ông Paweł Szefernaker, Bộ trưởng Ba Lan chịu trách nhiệm về viện trợ cho Ukraine, chừng đó là "không đủ."
Hôm 1/6, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt kế hoạch phục hồi quốc gia của Ba Lan, theo đó nước này có thể nhận được khoảng 24 tỷ euro viện trợ không hoàn lại, 12 tỷ euro cho các khoản vay siêu rẻ. Động thái này dự kiến sẽ tăng cường khả năng của Warsaw trong ứng phó với dòng người tị nạn Ukraine.
Một số chính trị gia địa phương - trong số đó có Rafał Trzaskowski, thị trưởng Warsaw - đã kêu gọi EU gửi tiền trực tiếp cho chính quyền khu vực thay vì chính phủ quốc gia.
Ông Trzaskowski nói với các phóng viên ở Brussels sau cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, nếu việc gửi tiền đến các thành phố là không thể, thì Ủy ban nên đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt về cách phân bổ các khoản tiền mà họ cung cấp cho Ba Lan để đảm bảo rằng chúng không bị sử dụng sai mục đích.