Đảo chính hay nổi dậy?
Trên trang mạng cá nhân, nhà lãnh đạo cánh tả Bolivia nói ông là nạn nhân của đảo chính và ông buộc phải từ chức để tránh đổ máu không cần thiết và vì sự bình yên của đất nước, lợi ích của nhân dân. Ông Morales khẳng định chính phủ của mình đã giúp cho đất nước có nhiều tiến bộ xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện, tăng trưởng kinh tế ổn định, tự do và có tương lai tươi sáng. Ông Morales cũng khẳng định sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cùng với nhân dân Bolivia để bảo vệ những thành quả mà chính phủ của ông đã tạo dựng được trong hơn một thập niên qua.
Theo tờ The Conversation, việc ông Morales từ chức là sự kiện đỉnh điểm sau nhiều tuần bất ổn kể từ khi Bolivia tổ chức bầu cử quốc hội và tổng thống ngày 20/10. Trong cuộc bầu cử đó, ông Morales thắng vòng đầu nhưng toàn bộ quá trình bầu cử vướng phải nhiều cáo buộc gian lận và bị quân đội can thiệp. Người dân Bolivia thuộc nhiều tầng lớp xã hội đã biểu tình rầm rộ.
Theo tờ New York Times, sau khi ông Morales từ chức, đã có một cuộc tranh luận ở nhiều nước về cuộc khủng hoảng ở Bolivia: Đây là đảo chính hay cuộc nổi dậy?
Một số nhấn mạnh phong trào biểu tình mạnh mẽ phản đối ông Morales. Một số khác lại quan tâm tới việc lực lượng vũ trang can thiệp trắng trợn. Hai cách nhìn nhận về khủng hoảng ở Bolivia cho thấy một điều quan trọng: ranh giới giữa đảo chính và nổi dậy lật đổ có thể mờ nhạt, thậm chí không tồn tại.
Thông thường, đảo chính và nổi dậy là một và tương tự nhau: người dân nổi dậy hàng loạt cùng với việc một nhóm quân sự quay lưng lại chính quyền và buộc lãnh đạo một quốc gia từ chức. Tuy nhiên, việc dùng từ nào để mô tả tình hình ở Bolivia có ý nghĩa quan trọng: Đảo chính sẽ bị chỉ trích còn nổi dậy lại được bảo vệ. Quá trình chiếm quyền chính trị có thể được coi là hợp pháp nếu đó là cuộc nổi dậy của nhân dân, còn nếu không, nó sẽ bị coi là phi pháp nếu đó là đảo chính.
Sau vài tuần biểu tình leo thang, vì lợi ích của nhân dân, Tổng thống Morales đã đồng ý tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình-ổn định cho đất nước và đây cũng là đề xuất sau quá trình thanh tra kết quả bầu cử của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS).
Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng lớn của lực lượng vũ trang và phe đối lập, hàng loạt quan chức cấp cao của Bolivia - từ Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện, Phó Tổng thống cho tới các bộ trưởng - đã lần lượt xin từ chức.
Ngày 11/11, sau khi trở về "cái nôi chính trị" của mình tại vùng Cochabamba, nhà lãnh đạo Morales đã thông báo từ chức, đồng thời chỉ trích hai thủ lĩnh phe đối lập là Carlos Mesa và Luis Fernando Camacho là những người đi vào lịch sử Bolivia với tư cách là "những kẻ đảo chính" và phân biệt chủng tộc.
Dư luận về khủng hoảng chính trị ở Bolivia
Dư luận quốc tế tiếp tục phản ứng về khủng hoảng chính trị ở Bolivia. Tại Pháp, các lãnh đạo và các tổ chức cánh tả đã lên án sự dính líu của các thế lực bên ngoài trong cuộc đảo chính ở quốc gia Nam Mỹ này.
Trong một tuyên bố ngày 11/11, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel cho rằng phe cánh hữu ở Bolivia đã "thêu dệt" về sai sót trong bầu cử tổng thống để làm cớ kích động bạo lực.
Trong khi đó, nhóm Francia-América Latina Insumisas tuyên bố cuộc đảo chính ở Bolivia là một phần trong phản ứng của Mỹ và OAS - tổ chức bị coi là sân sau của Washington tại Mỹ Latinh, chống lại tiến trình dân chủ và xã hội đang phát triển tại khu vực này. Trên mạng xã hội, tổ chức này nêu rõ: "Đây là cách thức họ tìm cách ngăn cản người dân, những người lựa chọn một con đường dân chủ, môi trường và xã hội như một lựa chọn thay thế cho chủ nghĩa tự do mới".
Tổ chức ALBA-TCP France cũng lên án "sự can thiệp của nước ngoài và đế quốc vào Bolivia" và yêu cầu chấm dứt hành động này. Ngày 11/11, nhà chức trách Brazil cho biết nước này vẫn sẽ đóng cửa biên giới với Bolivia cho tới khi quốc gia láng giềng có tổng thống mới.
Nguồn tin ngoại giao Brazil cho biết tình hình Bolivia sẽ là một trong những chủ đề thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) dự kiến diễn ra ngày 13/11 tới tại Brasilia, Brazil. Bộ Ngoại giao Mỹ đã hối thúc bắt đầu một tiến trình chuyển tiếp dân sự để lấp khoảng trống chính trị tại Bolivia.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục kêu gọi các bên ở Bolivia kiềm chế, đồng thời khẳng định khối này sẵn sàng cử các quan sát viên đến theo dõi bất kỳ cuộc bầu cử mới nào nếu được yêu cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 12/11 thẳng thừng cáo buộc chính Mỹ đứng đằng sau cuộc đảo chính nhằm vào Tổng thống hợp hiến Evo Morales của Bolivia. “Chúng tôi lên án cuộc đảo chính do Mỹ chỉ đạo và chống lưng nhằm chống lại ông Morales", hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn phát biểu của ông Maduro trên truyền hình quốc gia Venezuela nêu rõ.
Liệu có bàn tay của Mỹ và OAS?
Tờ The Hindu cho rằng Mỹ và OAS đóng vai trò quan trọng trong đảo chính ở Bolivia. Từ lâu, ông Evo Morales đã bị Mỹ phản đối và muốn ông từ bỏ quyền lực. Khi ông Morales nhậm chức tổng thống Bolivia, Đại sứ quán Mỹ ở La Paz đã lên tiếng chỉ trích. Kế hoạch gây bất ổn Chính phủ Bolivia bắt đầu ngay lập tức.
Mỹ cho biết sẽ trì hoãn mọi khoản vay và bàn bạc về giảm nợ cho Bolivia cho tới khi ông Morales thể hiện “hành vi tốt”. Nếu ông rút lại chính sách phản đối trồng cây coca, ông sẽ bị trừng phạt. Tuy nhiên, lời đe dọa của Washington không ảnh hưởng tới ông Morales.
Bolivia đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính. Lực lượng vũ trang Bolivia bị Mỹ gây tác động và sẵn sàng chực chờ kịch bản để lật đổ Tổng thống Morales. Tuy nhiên, nhờ sự ủng hộ của dân chúng và Phong trào Xã hội chủ nghĩa (MAS) mà các động thái vũ trang chống lại ông Morales đã được ngăn chặn. Âm mưu đảo chính trước đây đều bị đánh bại.
Đến cuộc bầu cử ngày 20/10 vừa qua, tình hình ở Bolivia khá căng thẳng. Ông Morales muốn làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa, tức là nhiệm kỳ thứ 4. Ông đã đánh bại đối thủ là ứng cử viên của phe đối lập Carlos Mesa – người không chấp nhận kết quả.
OAS, vốn chịu ảnh hưởng của Mỹ, cho rằng có bất thường trong hoạt động kiểm phiếu, nghi ngờ kết quả nhưng không có bằng chứng. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế không phát hiện thấy gì bất thường trong bầu cử. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ chủ chốt và giới chính trị đầu sỏ ở Bolivia đã tìm cách vô hiệu hóa kết quả bầu cử. Dựa vào cáo buộc gian lận, phe cánh hữu kêu gọi người ủng hộ tràn xuống đường và cảnh sát quyết định binh biến.
Sau khi ông Morales từ chức, đối thủ của ông là Carlos Mesa đã đề nghị tổ chức bầu cử mới mà không có sự tham gia của ông Morales. Thành trì ủng hộ phong trào MAS của ông Morales đã xuống đường phản đối bằng biểu tình bạo lực.
Khi ông Morales không có tên trong danh sách ứng cử viên trong cuộc bầu cử tương lai, một khu vực bầu cử lớn với nhiều cử tri ủng hộ sẽ không thể bỏ phiếu cho ông. Tình trạng này sẽ khiến nhiều cử tri bị tước quyền bỏ phiếu. Sự giận dữ nảy sinh từ đó sẽ có thể gây thêm nhiều bạo lực và khó giải quyết.
Ông Morales từ chức đã để lại khoảng trống quyền lực ở Bolivia. Dù Phó Chủ tịch Thượng viện Jeanine Anez đã được phê chuẩn là tổng thống lâm thời, nhưng con đường dẫn tới bầu cử mới vẫn còn chưa rõ ràng.