Những bước đi mới từ Bắc Kinh được công bố vào cuối tuần trước, liền sau đó đã khuấy động thị trường tiền điện tử, buộc những người “đào tiền” tạm ngừng một số hoạt động ở Trung Quốc, gây ra bất ổn ở một bước đi quan trọng trong quy trình cần thiết để đưa nhiều tiền điện tử vào lưu thông hơn.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 21/5 nói với một nhóm quan chức tài chính rằng chính phủ sẽ "kiểm soát hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin" như một phần của mục tiêu đạt được sự ổn định tài chính. Tuy vậy, chính phủ Trung Quốc không nêu chi tiết các chính sách nhắm vào khai thác hoặc giao dịch.
Mặc dù Trung Quốc đã thực hiện các bước nhằm hạn chế việc sử dụng tiền điện tử trong nhiều năm qua, nhưng việc tập trung vào hoạt động “đào tiền” là mới. Sự hiện diện của ông Lưu Hạc và các thành viên nội các cấp cao khác tại cuộc họp trên, cùng với các bước được thực hiện vào đầu tuần trước để mở rộng sự kiểm soát đối với tiền điện tử, cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng quyết liệt hơn trong cách tiếp cận của mình.
Các trang trại "đào tiền" sẽ né Trung Quốc
Các công ty khai thác tiền điện tử lớn đã chú ý đến động thái của Trung Quốc. HashCow - công ty Trung Quốc sở hữu các trang trại “đào tiền” lớn nhất thế giới - cho biết họ sẽ ngừng bán máy cho khách hàng ở Trung Quốc và hoàn lại tiền cho bất kỳ ai đã trả tiền mua máy nhưng không nhận được máy. (Tuy nhiên, công ty nói thêm rằng họ sẽ duy trì các máy khai thác tiền điện tử hiện có.)
"Chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ tất cả các loại luật và quy định trong nước để tránh rủi ro về quy định", HashCow cho biết.
Một công ty khác của Trung Quốc là BIT.TOP cũng cho biết họ sẽ không cung cấp dịch vụ “đào Bitcoin” cho khách hàng ở Trung Quốc đại lục nữa. Jiang Zhuoer, Giám đốc điều hành của BIT.TOP, nói: “Tiếp theo, chúng tôi sẽ chủ yếu khai thác ở Bắc Mỹ. Không đáng phải chịu rủi ro về quy định”.
Những quyết định như vậy có thể gây ra hậu quả lớn với thị trường tiền điện tử. Bởi giá trị của Bitcoin một phần được xác định bởi số lượng hữu hạn đồng bitcoin có thể được tạo ra (21 triệu đồng). Không phải tất cả các đồng Bitcoin đều được lưu hành và các “thợ đào” phải sử dụng máy tính để giải được những câu đố phức tạp mới có thể khai thác được tiền. Các máy tính khủng cần thiết cho quy trình “đào” đó được vận hành bởi những công ty như HashCow và BIT.TOP. Trung Quốc hiện chiếm tới trên 75% hoạt động “đào" Bitcoin trên toàn thế giới, theo dữ liệu của tạp chí Nature Comnuncations.
CEO Jiang của BIT.TOP cho rằng, cuộc họp hôm 21/5 cho thấy chính phủ Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn dòng vốn khổng lồ đổ vào khai thác tiền điện tử. Ông dự báo một nửa số máy “đào tiền” ở nước này có thể bị ngừng hoạt động bởi chiến dịch “bàn tay sắt” sẽ tập trung vào các trang trại “đào tiền” lớn.
Bitcoin giảm giá gần 50% so với thời đỉnh cao
Bitcoin và cổ phiếu của các công ty liên quan đến tiền điện tử đã bị lung lay sau động thái của Trung Quốc. Giá Bitcoin đã giảm tới 13% vào ngày 23/5. Đồng tiền này được giao dịch lần cuối ở mức khoảng 36.000 USD - thấp hơn nhiều so với mức cao nhất là 64.000 USD mà nó đạt được một tháng trước, theo CoinDesk.
Cổ phiếu của công ty khai thác tiền điện tử Trung Quốc BIT Mining đã giảm mạnh 23% tại New York ngày 21/5. Và cổ phiếu của Huobi Technology, một sàn giao dịch tiền điện tử, đã giảm 22% vào 24/5 tại Hong Kong.
Huobi, công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ máy khai thác và các sản phẩm liên quan đến tiền điện tử khác, cho biết họ sẽ tạm dừng các dịch vụ liên quan đến “đào tiền” cho người dùng mới ở Trung Quốc đại lục "để tập trung hơn vào việc mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài”. "Huobi luôn cố gắng tuân thủ các chính sách và quy định đang được thiết lập của từng khu vực tài phán để tránh rủi ro và bảo toàn sức khoẻ cũng như tài sản cho người dùng của chúng tôi", công ty nói thêm.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Oanda Corporation, viết: “Trung Quốc một lần nữa cho thấy ai là con cá lớn, báo hiệu một cuộc trấn áp đối với các thợ đào tiền điện tử”. Ông Halley nói thêm rằng rủi ro pháp lý "hiện là mối đe dọa hiện hữu đối với không gian tiền ảo".
Trung Quốc từ lâu đã hạn chế giao dịch tiền điện tử trong nước, cảnh giác với những rủi ro tài chính liên quan đến loại tiền tệ này. Tuần trước, các cơ quan giám sát tài chính và ngân hàng Trung Quốc nói rằng các tổ chức tài chính và công ty thanh toán không nên tham gia vào bất kỳ giao dịch nào liên quan đến tiền điện tử, cũng như không nên cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử cho khách hàng của họ.
Lo ngại về môi trường
Các biện pháp mới của Trung Quốc không chỉ nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính. Các máy tính cần thiết để khai thác Bitcoin ngốn rất nhiều điện năng, làm dấy lên lo ngại về môi trường.
Riêng tại Trung Quốc, hoạt động “đào” Bitcoin được dự báo sẽ tạo ra hơn 130 triệu tấn khí thải carbon vào năm 2024, theo nghiên cứu của Nature Communications. Con số này nhiều hơn tổng sản lượng phát thải carbon hàng năm từ Cộng hòa Séc và Qatar vào năm 2016.
Lượng phát thải khí carbon lớn như vậy cũng là một tai hại cho các kế hoạch khí hậu đầy tham vọng của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ đưa Trung Quốc trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060, và hiện tại nước này đang phải vật lộn để kiềm chế lượng khí thải carbon từ các ngành công nghiệp khác.
Một số nhà chức trách ở Trung Quốc đã coi những lo ngại về môi trường là lý do chính để hành động. Chẳng hạn, vùng Nội Mông hồi tháng 2 đã thông báo sẽ chấm dứt tất cả các dự án khai thác tiền điện tử trong khu vực vào cuối tháng 4 để cắt giảm lượng khí thải. Tỉnh giàu than đá này là một trung tâm khai thác Bitcoin vì có nguồn năng lượng rẻ. Chính quyền Nội Mông đã thiết lập đường dây nóng để khuyến khích người dân tố giác các công ty mà họ nghi ngờ là “đào” tiền điện tử.