Phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới trước thông tin lãnh tụ Cuba Fidel Castro mang nhiều sắc thái khác nhau. Trung Quốc ca ngợi ông Fidel đã có những đóng góp to lớn cho phong trào "xã hội chủ nghĩa" toàn cầu. Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc với Cuba và mô tả cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro là một người bạn đáng tin cậy của Moskva cả trong thời kỳ Xô Viết và hậu Xô Viết.
Chủ tịch Cuba Raúl Castro (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama duyệt đội danh dự tại lễ đón chính thức trong chuyến thăm của người đứng đầu Nhà Trắng tới Cuba hồi tháng 3/2016. Ảnh: Lê Hà (P/v TTXVN tại Cuba) |
Trong khi đó, bài phát biểu khá dài của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama được coi là một "ví dụ điển hình" về sự cố gắng không làm hỏng mối quan hệ song phương Mỹ - Cuba vốn "khó khăn lắm mới cải thiện được". Ông Obama khẳng định: "Vào lúc này, khi ông Fidel Castro đã ra đi, chúng tôi mở rộng vòng tay hữu nghị với nhân dân Cuba. Chúng ta biết rằng ngay lúc này, rất nhiều người Cuba (tại Cuba và Mỹ) đang trải qua những cảm xúc rất mạnh mẽ, nhớ lại vô số những gì mà Fidel Castro đã làm để thay đổi cuộc sống cá nhân, gia đình họ và cả dân tộc Cuba.
Lịch sử sẽ ghi nhớ và đánh giá những ảnh hưởng to lớn của ông đối với nhân dân Cuba và thế giới. Trong gần 6 thập kỷ qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã trải qua nhiều bất hòa và những bất đồng chính trị sâu sắc. Trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của tôi, chúng tôi đã nỗ lực để quá khứ lại phía sau, theo đuổi một tương lai mà trong đó mối quan hệ giữa hai nước chúng ta được thiết lập không phải dựa trên những khác biệt, mà là dựa trên những điều chúng ta chia sẻ với vai trò như các nước láng giềng và bạn bè - các vấn đề gia đình, văn hóa, thương mại, và nhân loại... Hôm nay, chúng tôi gửi lời chia buồn tới gia đình Fidel Castro và nhân dân Cuba".
Theo ông Ted Carpenter, chính sách của Mỹ đối với Cuba đã thất bại. Trong hàng chục năm, giới chức Mỹ đã tìm mọi cách để loại bỏ quyền lực của Fidel Castro thông qua các biện pháp như phát động chiến dịch tấn công Vịnh Con Heo, tiến hành một loạt âm mưu ám sát do CIA dàn dựng... cùng nhiều nỗ lực dài hơi như cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt lệnh cấm vận kinh tế toàn diện đối với quốc đảo này. Những biện pháp này được áp dụng vào đầu những năm 1960 với các mục tiêu rõ ràng là buộc chế độ Fidel Castro phải mở rộng dân chủ và hướng tới "mục tiêu ngầm" của Mỹ - đó là lật đổ chế độ cộng sản ở Cuba. Tuy nhiên, năm này qua năm khác, thập niên này qua thập niên khác, chính sách này vẫn không đạt được mục tiêu nào, dù là nhỏ nhất.
Sau Chiến tranh Lạnh, có vẻ như chính sách cô lập Cuba đã được Mỹ cài đặt chế độ "lái tự động". Mặc dù chính sách này không có mục đích chiến lược, nhưng Mỹ cũng không muốn thay đổi cho dù đã lỗi thời. Chỉ đến khi Tổng thống Barack Obama thận trọng xích lại gần hơn với La Habana (vào cuối năm 2014, đầu năm 2015) thì chính sách đối ngoại của Washington mới bắt đầu thay đổi và đạt kết quả. Động thái này đã dẫn đến việc khôi phục quan hệ ngoại giao song phương, nối lại các chuyến du lịch hàng không giữa hai nước và thành lập một số ít các kết nối kinh tế, thương mại khác. Tuy nhiên, đó là chỉ là những hành động có thể thực hiện thông qua mệnh lệnh điều hành của tổng thống. Các bước tiến đáng kể khác, đặc biệt là việc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế toàn diện của Mỹ đối với Cuba, vẫn cần có thêm ý kiến của quốc hội Mỹ.
Theo ông Ted Carpenter, một mặt Mỹ vẫn lên án chính quyền Cuba, nhưng mặt khác cũng phải thừa nhận rằng chính sách của Mỹ dùng để đối phó với Cuba vừa không hiệu quả, vừa tàn nhẫn. Chính sách ấy không những không lật đổ được chế độ Fidel Castro, mà còn làm cho cuộc sống của người dân Cuba thậm chí còn đau khổ hơn.