Theo tờ Vox, trong tháng đầu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden và chính quyền đã vấp phải vấn đề “kinh điển”: kế hoạch và cam kết ban đầu trong chiến dịch tranh cử hiếm khi đi đúng hướng khi ứng viên thực sự nắm quyền.
Vỡ hy vọng trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran suôn sẻ
Khi tranh cử với tư cách ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, ông Biden hứa nhanh chóng đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân. Sau đó, ông muốn dùng đàm phán để khiến Iran giảm bớt các hành động mạo hiểm, ví dụ như chương trình tên lửa đạn đạo, thông qua các cuộc đối thoại tiếp theo.
Trong bài phát biểu hồi tháng 7/2019, ông Biden nói rõ điều ông muốn đạt được trong vấn đề Iran khi ông thành tổng thống. Ông nói tại New York: “Nếu Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, tôi sẽ tái gia nhập thỏa thuận này và phối hợp với các đồng minh để tăng cường và mở rộng thỏa thuận, đồng thời khiến Iran giảm bớt các hoạt động gây bất ổn định khác một cách hiệu quả”.
Khi ông Biden trở thành tổng thống, đội ngũ của ông tiếp tục bám theo quan điểm đó: Để Mỹ gia nhập lại thỏa thuận hạt nhân, trước tiên Iran cần quay trở lại tuân thủ các giới hạn phát triển hạt nhân được đặt ra trong thỏa thuận. Nói đơn giản là Iran sẽ phải giảm mức làm giàu urani đúng giới hạn trong thỏa thuận đã đạt, sau đó mới được Mỹ giảm trừng phạt.
Mỹ đã mở cánh cửa thương lượng về quan điểm trên vào ngày 18/2 sau khi chấp nhận đề nghị đàm phán không chính chính với Iran do Liên minh châu Âu làm trung gian.
Tuy nhiên, Iran đã cho thấy không sẵn sàng tham gia đàm phán. Iran đã bác bỏ kế hoạch của Mỹ, nói Mỹ phải dỡ bỏ trừng phạt rồi mới bàn tiếp chuyện Mỹ tham gia lại thỏa thuận hạt nhân. Ông Saeed Khatibradeh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố: “Chưa phải thời điểm chín muồi cho cuộc họp không chính thức đã được đề xuất”.
Dường như để tăng áp lực với Mỹ, các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã nã rocket vào lực lượng liên minh chống khủng bố bên ngoài Erbil ở Iraq, khiến một nhà thầu Philippines thiệt mạng và binh lính Mỹ bị thương.
Vụ việc khiến ông Biden điều hai máy bay chiến đâu thả bom xuống 9 cơ sở ở miền đông Syria, nơi có mục tiêu thân Iran. Ông Biden viết trong thư gửi lãnh đạo Quốc hội Mỹ: “Tôi ra lệnh hành động quân sự này để bảo vệ nhân sự của chúng ta, đối tác của chúng ta trước các cuộc tấn công này và các cuộc tấn công tương tự trong tương lai”.
Tờ Vox nhận định đây không phải là điều mà đội ngũ của ông Biden nghĩ về tiến trình đàm phán với Iran. Ông Kirsten Fontenrose tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: Iran, là bên hưởng lợi trong chính sách của ông Biden, lại đang bác bỏ thằng thừng với Tổng thống Mỹ.
Mặc dù phần lớn chuyên gia cho rằng Mỹ và Iran rồi sẽ trở lại thỏa thuận nhưng chính quyền của ông Biden nhận ra rằng kế hoạch dù được chuẩn bị kỹ càng nhưng cần phải điều chỉnh lại.
Ông Kaleigh Thomas, chuyên gia về Iran tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington DC nhận định: “Chiến lược rõ ràng mà ông Biden trình bày trong khi tranh cử không biến thành hiện thực trong tháng đầu tiên. Chúng ta đã mất cơ hội làm mới mối quan hệ mà đội ngũ của ông Biden đang muốn tận dụng”.
Chưa thể trừng phạt Saudi Arabia
Vấn đề với Saudi Arabia cũng tương tự. Khi tranh cử, ông Biden gọi Saudi Arabia là quốc gia “hạ đẳng”, cam kết yêu cầu nước này phải trả giá vì vi phạm nhân quyền, cụ thể là vụ sát hại nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi năm 2018.
Mặc dù Tổng thống Biden đã công bố báo cáo tình báo giải mật vào ngày 26/2, trực tiếp cáo buộc Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman về vụ sát hại nhà báo nói trên, nhưng ông Biden chưa có hành động trừng phạt ngay. Thay vào đó, ông Biden đã thiết lập “lệnh cấm Khashoggi”, áp đặt hạn chế visa với những ai tìm cách bịt miệng người bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Hiện chưa rõ lệnh cấm này có bao gồm nguyên thủ quốc gia không.
Theo các quan chức Mỹ, động thái này nhằm “hiệu chuẩn lại”, chứ không phải làm đổ vỡ quan hệ Mỹ-Saudi Arabia. Một cân nhắc nữa của Mỹ là Thái tử Mohammed bin Salman có thể sớm nắm quyền, vì thế nhằm vào cá nhân Thái tử có thể làm đổ vỡ quan hệ tương lai giữa hai quốc gia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói ngày 2/3: “Quan hệ của chúng tôi với Saudi Arabi quan trọng”.
Tình huống “kinh điển”
Về các chính sách đối ngoại quan trọng nói trên, Tổng thống Biden chưa thể thực hiện theo ý muốn của ông. Điều này đã khiến ông bị chỉ trích trong tháng đầu tiên ở Nhà Trắng và xuất hiện lo ngại lựa chọn của ông có thể khiến đồng minh và các nhà hoạt động không hài lòng.
Ông Seth Binder tại Dự án Dân chủ Trung Đông nhận định: “Họ đang tìm cách làm hài hòa các lợi ích xung đột. Tìm cách làm hài lòng mọi bên có liên quan có thể sẽ khiến rất nhiều người tức giận”.
Tình huống của ông Biden không hề mới. Mọi tổng thống đều đưa ra nhiều kế hoạch đối ngoại khi tranh cử và sẽ lùi lại khi họ thực sự nắm quyền.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng cam kết chấm dứt các cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông, nhưng sau 4 năm, binh lính Mỹ vẫn ở Syria, Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, tờ Vox cho rằng điều này không có nghĩa là chính sách của ông Biden giống người tiền nhiệm, cũng không có nghĩa là ông Biden sẽ không thay đổi chính sách trong tương lai. Dù sao thì ông Biden mới nắm quyền có khoảng một tháng và chắc chắn chính quyền Mỹ sẽ có thay đổi trong cách tiếp cận những ngày tới đây.