Bà Choi Soon-sil tại phiên tòa ở Seoul ngày 19/12. Ảnh: AP/TTXVN |
Bê bối chấn độngChấn động chính trị tại Hàn Quốc bắt nguồn từ cáo buộc các quan chức cấp cao Phủ Tổng thống lợi dụng chức quyền, áp đặt các tập đoàn lớn thuộc Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc phải ủng hộ hàng chục triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận, do bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park, làm chủ. Dù không giữ chức vụ nào trong chính quyền, nhưng bà Choi bị nghi ngờ lợi dụng mối quan hệ với tổng thống để can thiệp vào các công việc nhà nước.
Cùng với việc bà Choi bị bắt giữ, hàng loạt quan chức thân cận của Tổng thống Park, trong đó có các cố vấn và thư ký cấp cao, đã phải từ chức hoặc bị sa thải, thậm chí bị bắt giữ để điều tra xét xử. Hàng loạt lãnh đạo các tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc, như Samsung, Huyndai, LG, Lotte..., đã bị thẩm vấn vì nghi ngờ liên đới trách nhiệm. Bê bối lên đến đỉnh điểm khi ngày 9/12, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị của phe đối lập luận tội Tổng thống, và bà Park đã lập tức bị đình chỉ chức vụ. Bà còn phải chịu sức ép từ các cuộc biểu tình kéo dài suốt gần 3 tháng qua, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, yêu cầu phải từ chức.
Vụ việc trên là “cú giáng” mới nhất và mạnh nhất đối với chính quyền của Tổng thống Park, vốn gặp nhiều sóng gió trong 4 năm cầm quyền vừa qua. Còn nhớ, thảm họa chìm phà năm 2014 làm 304 người thiệt mạng, hầu hết là thanh thiếu niên trong một chuyến tham quan do trường học tổ chức, đã khiến tổng thống phải 2 lần thay thủ tướng và cải tổ nội các. Năm 2015, chính quyền của bà Park lại phải căng sức đối phó với dịch bệnh Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế...
Nếu như 4 năm trước, bà Park nhậm chức với cam kết cải tổ các công ty gia đình trị lớn nhất nước này, thì nay khi chỉ còn một năm cuối nhiệm kỳ, bà đang phải đối mặt với cáo buộc âm mưu tống tiền hàng triệu USD từ chính các tập đoàn đó.
Đối nội rối renBê bối “Choi-gate” đã đẩy đảng Saenuri cầm quyền vào tình trạng rối loạn và gây xáo trộn chính trường Hàn Quốc khi chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới.
Chưa bao giờ, một đảng cầm quyền tại Hàn Quốc lại phải chứng kiến cuộc từ chức tập thể như lần này. Nhiều nhân vật lãnh đạo của đảng Saenuri, trong đó có Chủ tịch đảng Lee Jung-hyun, đã từ chức, phản ánh sự rạn nứt sâu sắc giữa các phái trong nội bộ đảng. Phái thân Tổng thống cho rằng trong bối cảnh hiện nay, đảng Saenuri cần tìm kiếm sự thống nhất, trong khi phái phản đối lại nhấn mạnh cần tập trung vào việc cải tổ đảng.
Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi người dân trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình về vụ bê bối chính trị liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil, tại Seoul ngày 29/11. Ảnh: EPA/TTXVN |
Hiện uy tín của cá nhân bà Park cũng như của đảng cầm quyền đang giảm xuống mức thấp kỷ lục. Theo thăm dò mới nhất, mức độ tín nhiệm đối với bà Park chỉ còn 4% so với 63% hồi năm 2013, còn với đảng Saenuri là khoảng 16%. Ngược lại, uy tín các đảng đối lập không ngừng tăng lên. Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ, đảng đối lập chính, đã lên tới gần 40%, mức cao nhất mà đảng này giành được kể từ khi đổi tên hồi cuối năm 2015.
Đáng lo ngại hơn, bê bối hiện nay đặt Hàn Quốc vào tình trạng khoảng trống lãnh đạo. Theo luật định, trong thời gian tối đa 180 ngày bà Park bị xem xét luận tội, Thủ tướng Hwang Kyo-ahn tạm giữ Quyền Tổng thống. Tuy nhiên, chính quyền đang chịu sức ép dư luận phải tiến hành bầu cử sớm, trong khi đó các đảng phái vẫn bất đồng về thời điểm tổ chức cuộc bầu cử.
Bất ổn chính trị kéo theo những nguy cơ khiến nền kinh tế sa sút. Trong quý 3, ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, nợ hộ gia đình đã tăng kỷ lục, còn tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn duy trì ở mức cao khoảng 8-9%. Báo cáo được Bộ Tài chính Hàn Quốc công bố ngày 8/12 nhận định rằng tình hình chính trị hiện nay sẽ tạo ra sức cản lớn hơn đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, nhất là khi nền kinh tế còn phục hồi yếu và nhu cầu trong nước vẫn thấp. Những bất ổn nội tại, cùng các yếu tố bất lợi của tình hình thế giới, trong đó có ảnh hưởng của việc chuyển giao quyền lực tại Mỹ, hay tốc độ tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, sẽ gia tăng áp lực sụt giảm đối với tiêu dùng và đầu tư của Hàn Quốc.
Đối ngoại bấp bênhGiới phân tích đánh giá vụ “Choi-gate” không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của bà Park, mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc gia của Hàn Quốc. Nhất là trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, khi các mối quan hệ quốc tế đang có những biến động mạnh mẽ, vụ bê bối sẽ có thể ảnh hưởng tới những chính sách mà Seoul theo đuổi lâu nay.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Tổng thống Park bị đình chỉ chức vụ trước hết có thể làm chệch hướng chính sách cứng rắn của Hàn Quốc đối với Triều Tiên. Theo giới phân tích, các chính sách của Seoul nhằm đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng chỉ có thể phát huy hiệu quả khi đảm bảo được sự ủng hộ của dư luận trong nước và sự phối hợp của quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, không có sự hậu thuẫn của dư luận trong nước, sự ủng hộ của quốc tế có thể cũng sẽ không còn. Do đó, các chính sách cứng rắn của bà Park có thể sẽ rơi vào bế tắc.
Một hệ quả khác đã nhìn thấy rõ, đó là những bất ổn chính trị tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng tới nỗ lực xích lại gần nhau giữa 3 nước Đông Bắc Á, vốn tồn tại những bất đồng lớn do vấn đề lịch sử và lãnh thổ. Chính do những rối ren tại Seoul, hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn, vốn được lên kế hoạch trong tháng 12 này, đã phải hoãn lại vô thời hạn.