Giới phân tích nhận định thiện chí và sự chủ động giảm bất hòa của cả Mỹ và Trung Quốc sau nhiều tháng gia tăng căng thẳng với hàng loạt biện pháp "ăn miếng trả miếng" sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà còn với kinh tế toàn cầu nói chung.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hai ngày đàm phán cam go, Mỹ và Trung Quốc nhất trí sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới các mức thuế quan, giữ nguyên các mức thuế hiện hành và giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động”. Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (thứ 3, phải) tại vòng đàm phán với Chủ tịch Ủy ban Thuế vụ và An sinh Xã hội Hạ viện Mỹ Kevin Brady (thứ 3, trái) tại Washington, DC ngày 16/5. Ảnh: THX/TTXVN |
Ngoài ra, hai nước cũng nhất trí khuyến khích đầu tư hai chiều, đồng thời cam kết tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng. Thỏa thuận này được đánh giá là đã tuân thủ theo nguyên tắc "cùng thắng" bởi Mỹ sẽ có cơ hội giảm thiểu thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh sẽ đạt được sự nhất quán trong việc mua hàng hóa của Mỹ để mang lại lợi ích cho sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ đàm phán đã đạt những tiến triển rất ý nghĩa. Về phần mình, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu phái đoàn cấp cao Trung Quốc tới Washington trong tuần qua, nhận định đây là một chuyến thăm tích cực, thiết thực, mang tính xây dựng và hiệu quả cao. Phó Thủ tướng Lưu Hạc nhấn mạnh kết quả đàm phán tích cực vừa đạt được xuất phát từ "nhu cầu của nhân dân hai nước và thế giới".
Đó cũng là nhận định của giới phân tích khi cho rằng việc tiến hành tham vấn thương mại song phương phù hợp với các lợi ích của Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước trên thế giới. Chuyên gia Li Yong thuộc Hiệp hội Thương mại quốc tế Trung Quốc nhấn mạnh việc Mỹ và Trung Quốc tổ chức 2 vòng đàm phán thương mại chỉ trong một thời gian ngắn thể hiện thiện chí của hai nước.
Ông nêu rõ đối thoại luôn mang lại lợi ích lớn hơn và giảm thiểu tổn thất hơn so với đối đầu. Trong khi đó, Giáo sư Wang Yong thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sẽ giúp Trung Quốc đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tăng trưởng về chất, và củng cố quan hệ đối tác thương mại với nền kinh tế số một thế giới.
Đối với Mỹ, việc Trung Quốc mua thêm hàng hóa và dịch vụ của nước này cũng sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và việc làm. Nhìn chung, các nhà phân tích nhận định mối quan hệ thương mại cùng có lợi và gần gũi hơn giữa hai cường quốc kinh tế thế giới chắc chắn sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho hai nước nói riêng và toàn cầu nói chung. Bởi vậy, kết quả vòng đàm phán lần này được đánh giá đã cho thấy xu thế của hai bên "chủ động cùng thắng".
Chưa vội bàn đến những lợi ích xa xôi. Trước mắt có thể thấy thiện chí bước đầu của Trung Quốc và Mỹ sẽ khép lại các biện pháp trả đũa lẫn nhau mà nếu được thực thi, các nhà sản xuất và người tiêu dùng của cả hai nước sẽ là bên hứng chịu nhiều tổn thất nhất. Hồi tháng trước, Tổng thống Trump mở màn trận so găng khi tuyên bố áp mức thuế 25% đối với hơn 1.000 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng chủ chốt như robot, phụ tùng máy bay và máy rửa bát...
Ngay lập tức, Trung Quốc cũng tung đòn đáp trả khi công bố danh sách 106 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có thể phải chịu mức áp thuế tương đương như đậu nành, ô tô và các sản phẩm hóa chất. Các động thái "dằn mặt" nhau giữa hai cường quốc kinh tế thế giới đã khiến các thị trường toàn cầu lao đao và giới đầu tư lo ngại về những tác động được đánh giá là sẽ gây ra những cú sốc tài chính trong những năm tới.
Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc hiện đang là những đối tác quan trọng, là thị trường chủ chốt của nhau và đóng góp hơn 40% tổng GDP toàn cầu. Bởi vậy, điều cốt yếu trong quan hệ kinh tế, thương mại Mỹ-Trung là "hợp tác cùng thắng". Trong quá trình hợp tác và cạnh tranh lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc vẫn có tiềm năng to lớn cho sự hợp tác sâu rộng hơn.
Đối với Mỹ, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới và là điểm đến đầu tư với lợi nhuận tối đa nhất. Mặt khác, Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao từ Mỹ. Điều này có thể tạo động lực thúc đẩy thương mại giữa hai nước.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Trung Quốc tháng 11/2017, hai nước đã ký kết các hợp đồng thương mại và thỏa thuận đầu tư với giá trị hơn 250 tỷ USD, bao gồm các lĩnh vực như: năng lượng, sản xuất, nông nghiệp, hàng không và ô tô.
Nhìn lại "lịch sử" , giới chuyên gia đánh giá căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dù do bên nào khơi mào, cũng chừa lại "một không gian để thỏa hiệp". Như việc Mỹ tuyên bố thực hiện đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lần này, mục đích của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là gây áp lực để Trung Quốc có những nhượng bộ nhất định trên bàn đàm phán, nhiều hơn là khơi mào chiến tranh thương mại với kết quả bất lợi cho cả hai.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump về áp thuế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã chủ động điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và hai bên đạt được nhận thức chung về duy trì trao đổi thông tin liên quan. Hay việc ngay trước vòng đàm phán thương mại thứ hai này, Mỹ thông báo cân nhắc "các giải pháp thay thế" đối với những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với hãng sản xuất thiết bị viễn thông ZTE của Trung Quốc, khiến hãng ngừng hoạt động và đang đứng trước nguy cơ phá sản, cũng được xem là động thái giúp làm dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm do vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran. ZTE cũng đã bị Mỹ phạt 1,2 tỷ USD.
Về phía Trung Quốc, rõ ràng Bắc Kinh cũng không muốn tình hình leo thang. Điều này có thể thấy được từ mức thuế “trả đũa” mà Trung Quốc đưa ra không quá lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, với mục đích rõ ràng là để lại không gian cho đàm phán.
Hơn thế nữa, sau khi Tổng thống Trump khơi mào nguy cơ chiến tranh thương mại, Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn cấp cao phát triển Trung Quốc, mời nhiều nhân vật có ảnh hưởng của Mỹ tới Bắc Kinh để đối thoại, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Trung cùng thắng, với hy vọng từ đó gây sức ép với người đứng đầu Nhà Trắng.
Ngày 18/5 vừa qua, ngay khi vòng đàm phán thương mại thứ hai bước vào thời điểm quan trọng, Trung Quốc cũng thông báo hủy bỏ cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng lúa miến nhập khẩu từ Mỹ, như một cách để thể hiện "thiện chí" của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bề ngoài có dấu hiệu hòa hoãn, nhưng thực chất ẩn sâu bên trong là những "cơn sóng ngầm" có thể trực trào bất kỳ lúc nào. Bản thân Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc mặc dù khẳng định việc hai bên đạt được đồng thuận lần này là "điều tất yếu", song thừa nhận giải quyết những vấn đề mang tính cơ cấu trong nhiều năm tới liên quan quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước cần phải có thời gian.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin cảnh báo nếu Trung Quốc không tôn trọng các cam kết của mình, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ áp dụng trở lại các mức thuế.
Những vấn đề kinh tế và thương mại vẫn đang là một trong những thách thức lớn trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp và toàn diện Mỹ - Trung. Việc giải quyết triệt để những vấn đề này giữ vai trò định hướng trong các mối quan hệ Trung-Mỹ.
Nếu 2 nước hợp tác với nhau để duy trì các mối quan hệ thương mại ổn định, thì quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ trở nên mạnh hơn nhiều, và cả 2 bên đều có thể được hưởng lợi từ cơ chế hợp tác cùng thắng này.
Là hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, Trung Quốc và Mỹ có nghĩa vụ duy trì trật tự kinh tế thế giới và tránh các hành động kích ngòi nổ của một cuộc chiến thương mại có thể lan ra toàn cầu. Muốn như vậy, lãnh đạo hai nước cần thể hiện hơn nữa thiện chí hướng tới giải quyết gốc rễ các rào cản trong quan hệ thương mại song phương.
Như lời của Phó Thủ tướng Lưu Hạc, hai bên cần phải bình tĩnh nhìn nhận, kiên trì đối thoại và xử lý đúng đắn các vấn đề trên nguyên tắc "cùng thắng" mà cả hai cùng muốn theo đuổi.