Chuyến công du nhiều “trái ngọt”

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lên đường bắt đầu chuyến công du kéo dài 5 ngày (4/6 - 9/6) đến 5 nước gồm Afghanistan, Qatar, Thụy Sĩ, Mỹ và Mexico với mục tiêu mở rộng hợp tác thương mại song phương, năng lượng và an ninh cũng như thúc đẩy nỗ lực của Ấn Độ trở thành thành viên của Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG). Trong đó, hai chặng dừng chân đến Qatar và Mỹ của nhà lãnh đạo Ấn Độ được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tăng cường hợp tác đầu tư

Sau khi ở thăm Afghanistan, Thủ tướng Modi đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên của mình đến Qatar - nơi cộng đồng người Ấn Độ là cộng đồng lớn nhất với khoảng 700.000 trong tổng số hơn 2,5 triệu dân nước này. Ông đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Abdullah bin Nasser bin Khalifa Al Thani và Quốc vương Tamim Bin Hamad Al-Thani nhằm thảo luận một loạt các vấn đề quan trọng về hợp tác song phương cũng như những vấn đề chiến lược nổi cộm mà hai nước đang phải đối mặt. Với nỗ lực đưa Ấn Độ trở thành một điểm đến cho đầu tư nước ngoài, ông Modi đã vạch ra những cơ hội tại quốc gia Bắc Á này cho giới lãnh đạo các doanh nghiệp của Qatar, qua đó thúc đẩy việc mở rộng mối quan hệ thương mại song phương.

Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Qatar Sheikh Ahmed bin Jassim Al Thani (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 5/6 tại thủ đô Doha. Ảnh: EPA/TTXVN

Kết quả nổi bật trong chuyến thăm lần này là hai bên đã ký 7 thỏa thuận hợp tác, trong đó có các bản ghi nhớ (MOU) về du lịch, hợp tác tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác văn hóa, và hợp tác chăm sóc y tế. Những thỏa thuận hợp tác trên là nhằm thúc đẩy “sự tham gia của các nhà đầu tư Qatar vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ”. Đánh giá về kết quả đạt được, ông Modi nhận định “chuyến thăm đến Qatar đã chứng kiến các cuộc thảo luận toàn diện và gặt hái nhiều kết quả cao, qua đó mở ra một kỷ nguyên mới của tình hữu nghị trong quan hệ Ấn Độ - Qatar”.

Giới quan sát nhận định việc Thủ tướng Modi đến thăm quốc gia Vùng Vịnh giàu khí đốt này là để tiếp nối những nỗ lực tăng cường sự hiện diện của New Delhi tại Trung Đông trong những tháng vừa qua. Liên tiếp trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, ông Modi đã lần lượt có chuyến thăm đến Saudi Arabian và Iran nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác sâu rộng. Với quan hệ thương mại song phương đạt khoảng 10 tỷ USD, Ấn Độ luôn coi Qatar là một đối tác quan trọng, trong bối cảnh quốc gia Vùng Vịnh này là nhà cung cấp khí đốt hóa lỏng tự nhiên lớn nhất cho Ấn Độ. Trong khi đó, đối với Qatar, Ấn Độ - một trong những nhà nhập khẩu khí đốt hóa lỏng lớn nhất tại châu Á và cũng là một thị trường năng lượng quan trọng.

Thắt chặt quan hệ song phương

Đến thăm Washington với tư cách là một trong những đối tác quốc tế gần gũi nhất của người đứng đầu Nhà Trắng, Thủ tướng Modi đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó hai bên đã thảo luận về những phương thức tăng cường các mối quan hệ thương mại và an ninh mới định hình, cũng như những tiến triển của quan hệ đối tác Mỹ - Ấn trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, hợp tác quốc phòng - an ninh. Ông Ashley Tellis - chuyên gia về Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment ở Washington - cho biết đây là cuộc gặp thứ 7 giữa hai bên kể từ khi ông Modi trở thành Thủ tướng hồi tháng 5/2014, một con số khá ấn tượng đối với một Tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo không phải là đồng minh chính thức của Mỹ.

Ngoài ra, một điểm nổi bật trong chuyến thăm Mỹ lần này là ông Modi đã có bài phát biểu trước Quốc hội lưỡng viện Mỹ, một nghi thức đón tiếp trọng thị hiếm có dành cho nhà lãnh đạo Ấn Độ. Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, đây là cơ hội để các ông nghị Đồi Capitol lắng nghe nhà lãnh đạo của nền dân chủ lớn nhất thế giới nói về cách thức hai nước có thể cùng nhau chia sẻ các giá trị chung và thúc đẩy sự thịnh vượng. Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã mô tả sự kiện này như “một chuyến thăm tạo sự gắn kết vững chắc”, là kết quả sau hai năm công tác ngoại giao nhanh giữa hai nước và mối quan hệ sâu sắc giữa hai nhà lãnh đạo. Trong khi đó, Nhà Trắng đánh giá “chuyến thăm làm nổi bật chiều sâu của mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ trong các lĩnh vực then chốt”. Quan hệ hữu nghị giữa hai nước là trụ cột cho sự ổn định tại khu vực rất quan trọng của thế giới.

Giới phân tích nhận định với chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Modi - người vẫn luôn nỗ lực thúc đẩy quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Washington, muốn tìm cách thắt chặt mối quan hệ song phương cũng như củng cố thêm những bước tiến mà hai bên đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Đối với Ấn Độ, việc tăng cường hợp tác với Mỹ sẽ giúp New Delhi thu hút các nguồn vốn đầu tư và đây được xem như là một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công nghệ để hiện đại hóa lĩnh quốc phòng vốn phụ thuộc vào nhập khẩu. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khiến Thủ tướng Modi chủ trương thúc đẩy quan hệ Mỹ - Ấn là để đối trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang gia tăng sự hiện diện tại những khu vực truyền thống của New Delhi, trong đó có Ấn Độ Dương.

Trong khi đó, quan hệ phát triển giữa hai nước được coi là thành công trong chính sách đối ngoại của Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama. Đối với Mỹ, chuyến thăm của ông Modi sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa những nỗ lực trong chính sách đối ngoại của ông Obama trong thời gian, trong bối cảnh Washington nhìn nhận Ấn Độ là một mắt xích quan trọng trong việc triển khai chính sách tái cân bằng châu Á và là đối trọng với Trung Quốc. Trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang biến động không ngừng và đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia cũng như tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong tương lai, Nhà Trắng hy vọng chuyến công du lần này của ông Modi là thời điểm thích hợp để mở rộng những thành tựu thời gian qua và đưa quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn tiến lên phía trước. Điều này cũng là lời nhắn nhủ của Tổng thống Obama về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ với Ấn Độ, một đồng minh không chính thức của Mỹ tại châu Á và khu vực Nam Á, cho người đứng đầu Nhà Trắng sắp tới khi ông rời nhiệm sở vào đầu năm 2017.

Có thể nói, chuyến thăm chính thức đến 5 nước trên của Thủ tướng Modi đã mang lại nhiều kết quả tích cực, mà nổi bật nhất là việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với Qatar và Mỹ. Chuyến công du mang lại “nhiều trái ngọt” này không những giúp Ấn Độ thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, mà còn có được những cam kết về hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng như kinh tế và an ninh quốc phòng, qua đó tăng cường khả năng của quốc gia Nam Á này trong việc duy trì sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phương Oanh
Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ
Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 6/6 tại trụ sở Chính phủ tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN