Đây là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Bharti Chhibber, chuyên gia về Việt Nam, chính sách đối ngoại ASEAN, nghiên cứu Nghị viện, bầu cử, luật pháp và biến đổi khí hậu, trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Ấn Độ.
Bà Bharti Chhibber nhận định Việt Nam là quốc gia đang lên với chính sách đối ngoại thành công, nổi lên là chủ thể quan trọng trong thế giới đa cực. Theo bà, trường phái "ngoại giao cây tre" cùng với chính sách đối ngoại linh hoạt đã mang lại cho Việt Nam nhiều thành tựu trong các mối quan hệ quốc tế trong năm nay. Số lượng lớn các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam tới các đối tác chiến lược và láng giềng đã tạo dựng lòng tin và củng cố hợp tác trên các lĩnh vực rộng lớn hơn. Không chỉ vậy, Việt Nam còn nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tiến sĩ Chhibber cho rằng hoạt động đối ngoại đã nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam cả trong ASEAN và các tổ chức quốc tế khác. Việt Nam đã được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 và là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Việt Nam cũng đã góp phần vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Theo nhận định của Tiến sĩ Chhibber, ngoại giao Việt Nam có tác động tích cực đến quan hệ Ấn Độ - Việt Nam. Ấn Độ và Việt Nam chia sẻ mối quan hệ song phương chặt chẽ, mối liên hệ văn hóa và lịch sử lâu dài trong Phật giáo cũng như cuộc đấu tranh giải phóng khỏi chủ nghĩa thực dân. Nền văn minh Champa ở Việt Nam cũng là biểu tượng của mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia. Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã được nâng lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2016 trong chuyến thăm Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam và Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân đã được hai nước thông qua vào năm 2020.
Giáo sư Chhibber nhấn mạnh trong 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, Việt Nam và Ấn Độ đều ủng hộ lẫn nhau trong một số vấn đề quốc tế và cùng thúc đẩy hợp tác chung trong các dự án. Theo đó, Việt Nam đã ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn tại các diễn đàn đa phương cũng như trong sự ổn định và phát triển của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Bà Bharti Chhibber còn đề cập đến quan hệ hợp tác của hai nước trong khuôn khổ Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì an ninh và tiến bộ chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bà khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và hợp tác Mekong - Sông Hằng.
Về mặt kinh tế, cả hai có thể hợp tác trong việc xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, nền kinh tế xanh bền vững về mặt kỹ thuật số, các sáng kiến không gian mạng và du lịch y tế. Điều này đòi hỏi hai bên phải có sự kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn để xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững và sâu sắc.