Theo Giáo sư Rajaram Panda, trong suốt 28 năm qua, Việt Nam luôn chủ động đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất để đối phó, giải quyết những thách thức và vấn đề của ASEAN. Cách Việt Nam xử lý đại dịch COVID-19 trong những tháng đầu tiên được đánh giá là phản ứng nhanh, khẩn trương và hiệu quả cao. Bằng cách này, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu để các nước ASEAN khác học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Việt Nam đã nỗ lực hết sức để thúc đẩy một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Việt Nam cũng luôn tích cực hành động để bảo vệ vai trò trung tâm của ASEAN. Theo cách riêng của mình, Việt Nam đã thể hiện vai trò là một thành viên có trách nhiệm của ASEAN thông qua các chính sách đối ngoại và khu vực của mình. Với chính sách ngoại giao đúng đắn, Việt Nam đã thành công trong việc tìm ra giải pháp mà không vướng vào bất kỳ xung đột nào.
Đề cập tới 3 trụ cột hình thành Cộng đồng ASEAN (gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội), chuyên gia Ấn Độ cho rằng trụ cột thứ hai là cực kỳ quan trọng bởi muốn đạt được mục tiêu này phải dựa trên nền tảng là sự phát triển kinh tế trong khu vực. Trong năm chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy, phát huy tốt vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN để ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020.