Chuyên gia: Ấn Độ không 'hy sinh' quan hệ với Nga trước sức ép của phương Tây 

Quan hệ an ninh giữa Ấn Độ và Mỹ là tương đối mới, trong khi quan hệ Ấn Độ - Nga đã trải qua hơn hai thế hệ. Do đó, Ấn Độ không có lý do gì để từ bỏ lợi ích của mối quan hệ này và Nga cũng vậy.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 6/12/2021. Ảnh: Reuters

Năm 2022, Ấn Độ là một trong những quốc gia không đồng ý “chơi theo luật” của phương Tây, không ủng hộ nỗ lực cô lập Nga. Trong năm 2023, New Delhi sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch G20.

Trong lời chúc mừng năm mới tới thủ tướng và tổng thống Ấn Độ, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin bày tỏ tin tưởng rằng nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của New Delhi sẽ mở ra những cơ hội mới để xây dựng quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt.

Tiến sĩ Shoaib Khan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Á - Âu tại Đại học Mumbai, đã phân tích cách Ấn Độ nhìn nhận mối quan hệ rộng lớn hơn với Nga như sau:

Về kết quả hợp tác Nga - Ấn Độ trong năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong nửa đầu năm 2022 cho thấy sự tăng trưởng chưa từng có, tạo nền tảng để hướng tới mục tiêu đưa mức thương mại song phương lên 30 tỷ USD vào năm 2025. Đến tháng 7/2022, kim ngạch thương mại đạt hơn 11 tỷ USD và cả năm 2021 đạt 13,6 tỷ USD.

Mối quan hệ Ấn Độ - Nga là đoàn kết, cùng có lợi và đã được thử thách qua thời gian. Ấn Độ chịu được áp lực tập thể từ phương Tây khi giữ lập trường trung lập và "ngầm" ủng hộ Nga khi liên minh phương Tây chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. New Delhi đã chọn không ủng hộ những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập và chỉ trích Nga trên một số diễn đàn quốc tế.

Tiến sĩ Khan lưu ý các lệnh trừng phạt đối với Nga chắc chắn có ảnh hưởng đến việc nhập khẩu quốc phòng của Ấn Độ và tác động của chúng đang được đánh giá. Về vấn đề năng lượng, Ấn Độ mua dầu với giá chiết khấu và nhập khẩu dầu từ Nga đã tăng từ 1% lên gần 6% trong nhu cầu 1,2 triệu thùng mỗi ngày và có thể tăng hơn nữa. Bên cạnh đó, các công ty khí đốt nhà nước và tư nhân của Ấn Độ đã đầu tư một khoản đáng kể 10 tỷ USD vào các mỏ dầu ở Siberia và các mỏ khác.

Ấn Độ đang hợp tác với Nga để vượt qua "cú sốc hàng hóa" hiện nay do lệnh trừng phạt gây ra. Tương tự như hầu hết các quốc gia ở Nam bán cầu, Ấn Độ luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương vì chúng ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Nga tiếp tục là trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của New Delhi. Bất chấp  vị thế suy giảm sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga vẫn là một cường quốc dựa vào quy mô, nguồn lực và khả năng chiến lược của mình. Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Moskva có vai trò lớn với các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế.

Thông qua sự can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Syria, Nga đã tái khẳng định mình trên trường quốc tế như một cường quốc tự tin và quyết đoán hơn. Moskva có công nghệ vũ trụ, hạt nhân và quốc phòng tiên tiến.

Đối với Nga, Ấn Độ là thị trường quan trọng về vũ khí và dầu mỏ. Nước này vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ và các thiết bị của Nga vẫn chiếm một phần đáng kể trong sức mạnh của các lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Nhưng Nga phải đối mặt với sự cạnh tranh trên thị trường vũ khí Ấn Độ. Mong muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của Ấn Độ và phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình đã dẫn đến việc giảm nguồn cung cấp vũ khí của Nga cho Ấn Độ trong những năm gần đây.

Tiến sĩ Khan kết luận, quan hệ an ninh giữa Ấn Độ và Mỹ là tương đối mới, trong khi quan hệ Ấn Độ - Nga đã trải qua hơn hai thế hệ. Do đó, Ấn Độ không có lý do gì để từ bỏ lợi ích của mối quan hệ này và Nga cũng vậy.

Công Thuận/Báo Tin tức (Eurasia.expert)
Syria: Kinh tế tồi tệ hơn cả thời nội chiến, lao động nghỉ làm vì lương không đủ đổ xăng
Syria: Kinh tế tồi tệ hơn cả thời nội chiến, lao động nghỉ làm vì lương không đủ đổ xăng

Nền kinh tế Syria đã chạm mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến cách đây gần 12 năm, với lạm phát leo thang, đồng tiền lao dốc và tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng khắp đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN