Đây là nhận định của Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales của Australia khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN Việt Nam tại Sydney về sự kiện trọng đại này.
Theo ông Carl Thayer, hoạt động của cơ quan lập pháp Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng trong quá trình Việt Nam nỗ lực xây dựng và củng cố Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặc biệt kể từ khi Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), Hiến pháp năm 2013 và Luật bầu cử 2015.
Trong cuộc bầu cử năm nay có trên 69 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu, tất cả các ứng cử viên được đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Danh sách các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn cũng thể hiện sự đa dạng về thành phần. Tỷ lệ ứng cử viên là phụ nữ và người dân tộc thiểu số ở mức cao, với 45% ứng cử viên là nữ, tỷ lệ cao so với tiêu chuẩn thế giới, và 21% là người dân tộc thiểu số…
Đánh giá về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này, Giáo sư Thayer cho rằng Việt Nam đã thực hiện "nỗ lực phi thường" trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 đang bùng phát trở lại. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xem xét việc ứng cử của các công dân nộp đơn ra tranh cử, thông qua danh sách chính thức gồm 866 ứng cử viên đủ tiêu chuẩn. Giáo sư dẫn thông tin trên báo chí Việt Nam cho biết 84.767 tổ bầu cử đã được thành lập để điều hành các điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử 23/5.
Giáo sư Thayer nhấn mạnh các mục tiêu kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài của Việt Nam đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua. Quốc hội Việt Nam khóa mới có trách nhiệm xây dựng chương trình hoạt động và dự thảo ngân sách cho năm sau và tại mỗi kỳ họp sẽ sửa đổi luật hoặc thông qua luật mới để đạt được các mục tiêu đã đặt ra.